Tiếng Việt | English

30/07/2019 - 09:20

Vĩnh Hưng: Kết quả và định hướng phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất từ Dự án VnSAT

Thực hiện Dự án (DA) VnSAT, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An tổ chức 70 lớp đào tạo tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” (3G3T), 1.886 hộ dân tham gia với 5.165ha và 35 lớp tập huấn kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” (1P5G) cho 890 hộ dân với diện tích 3.042ha.

DA VnSAT Long An được Ngân hàng Thế giới tài trợ, thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 với tổng vốn đầu tư hơn 289 tỉ đồng tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường, trên 49.500ha với hơn 25.000 hộ dân tham gia. Mục tiêu của DA nhằm tăng thu nhập cho nông dân, giảm tác động tiêu cực đến môi trường từ thâm canh lúa và tăng khả năng cạnh trạnh của ngành hàng lúa gạo. 

Tại huyện Vĩnh Hưng, DA được triển khai tại 6 xã: Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình, Hưng Điền A, Khánh Hưng, Vĩnh Trị và Thái Bình Trung. Cùng với các hoạt động đào tạo, tập huấn kỹ thuật 3G3T, 1P5G, DA VnSAT còn hỗ trợ đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân về quản lý phát triển hợp tác xã (HTX); tổ chức cho các HTX trong tổ DA của huyện tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh; nâng cấp Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện (nay là Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện).

Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2018-2019 tại Hợp tác xã Hưng Phú, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng

Để có thể áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đòi hỏi phải có kết cấu hạ tầng, thiết bị hiện đại, vì vậy thời gian qua, DA VnSAT tập trung nguồn lực đầu tư nhằm hỗ trợ các HTX mua sắm, nâng cấp thiết bị, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất với tổng kinh phí khoảng 13,1 tỉ đồng. Cụ thể, DA VnSAT hỗ trợ HTX Hưng Phú, xã Khánh Hưng đầu tư xây dựng 1 kho trữ lúa 800m2 trữ lượng 1.000 tấn, 1 nhà bao che lò sấy 300m2 công suất 40 tấn/mẻ, 1 sân phơi 1.300m2; lắp mới 1 trạm biến áp 200KVA phục vụ điện cho nhà kho, lò sấy và 2 trạm bơm điện; xây dựng đường giao thông nội đồng 2 bên bờ kênh Gò Nhỏ với tổng chiều dài 4,6km; xây dựng trạm bơm điện tại cống đầu kênh Gò Nhỏ phục vụ 200ha; mua sắm 1 lò sấy tĩnh vỉ ngang công suất 40 tấn/mẻ và 2 máy cuộn rơm. 

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ phó Tổ thực hiện DA VnSAT huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải cho biết: “Thông qua sự hỗ trợ từ DA, huyện tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật 3G3T, 1P5G, điểm trình diễn và hội thảo đầu bờ để nông dân học tập, cùng trao đổi kinh nghiệm. Đến nay, các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng, dần thay đổi phương thức canh tác theo tập quán canh tác cũ, thay vào đó là hướng nông dân canh tác lúa theo hướng an toàn thực phẩm, giảm giống, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn bảo đảm năng suất. Cụ thể, lượng giống gieo sạ hiện tại ≤100kg/ha (giảm 30-40kg/ha), bón phân cân đối hợp lý, lượng thuốc phun xịt giảm còn 2 lần (giảm 2-3 lần so với trước), có ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng,... kết quả sau thu hoạch: Vụ Đông Xuân 2018-2019, năng suất bình quân đạt 7,2 tấn/ha, chi phí đầu tư giảm hơn 2 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 18 triệu đồng/ha”. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt, DA còn một số khó khăn, hạn chế như nông dân dự tập huấn chưa đầy đủ, lượng giống sử dụng còn cao, một số nông dân/thành viên HTX áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất chưa triệt để, vốn đối ứng hạ tầng của địa phương khó khăn, năng lực hoạt động của các HTX còn hạn chế,...

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt, khắc phục những khó khăn tồn tại và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, trọng tâm là công tác đào tạo, tập huấn năm 2019, DA VnSAT sẽ tổ chức 24 lớp tập huấn 3G3T cho 648 người dự; 31 lớp 1P5G cho 837 người dự; 5 điểm trình diễn 1P5G trên diện tích 2,5ha với kinh phí 2,49 tỉ đồng; tiếp tục thực hiện 2 mô hình trình diễn sử dụng sản phẩm phụ từ lúa và sản xuất lúa xác nhận; 2 lớp tập huấn cho 70 người dự về sử dụng sản phẩm phụ từ lúa và sản xuất lúa xác nhận với kinh phí khoảng 185 triệu đồng. Đồng thời, DA VnSAT tiếp tục hỗ trợ HTX Cây Trôm (xã Hưng Điền A) đầu tư kết cấu hạ tầng, thiết bị với tổng mức đầu tư 12,965 tỉ đồng xây dựng 1 nhà kho trữ lượng 1.000 tấn trên diện tích 800m2; 1 sân phơi 1.000m2; 1 nhà bao che lò sấy 300m2; xây lắp 4 trạm biến áp công suất 150KVA, xây dựng 1 công tiêu Bông Súng; nâng cấp 2 tuyến đường giao thông khu vực sản xuất với tổng chiều dài hơn 2km; mua 1 bộ máy sấy công suất 40 tấn/mẻ, 2 máy cuộn rơm công suất 75-150 cuộn/giờ. Cùng với đó, Tổ thực hiện DA VnSAT huyện cần phối hợp chặt chẽ các xã tham gia DA nghiên cứu triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hỗ trợ các HTX sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tiến tới hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu, xây dựng thương hiệu gạo cho địa phương để hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa, giảmtác động đến môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững./.

Đại Việt

Chia sẻ bài viết