Tiếng Việt | English

04/10/2019 - 07:42

Võ Văn Ngân - Tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng

Đồng chí Võ Văn Ngân là một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong đầu tiên ở Long An. Cuộc đời cách mạng với những dấu ấn đầy tự hào của đồng chí là tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung, bất khuất, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Cống hiến trọn đời cho cách mạng

Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902, tại ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, nay thuộc xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Theo gia phả của họ Võ, ông nội đồng chí Võ Văn Ngân là ông Võ Văn Lực - người có công khai khẩn đất hoang, lập nên làng xóm ở khu vực làng Đức Hòa. Ông ngoại ở làng Tân Xuân, huyện Hóc Môn, từng tham gia phong trào vũ trang kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Thân sinh của đồng chí Võ Văn Ngân là ông Võ Văn Sự và bà Nguyễn Thị Toàn sinh được 11 người con, 4 người mất sớm do bệnh tật, 7 người còn lại đều tiếp nối truyền thống gia đình tham gia phong trào chống Pháp, trong đó có 2 người từng đảm nhận chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, Ủy viên Trung ương Đảng.

Thấm nhuần truyền thống yêu nước của gia đình nên từ rất sớm, đồng chí Võ Văn Ngân ý thức rõ về đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1926, đồng chí cùng anh trai là Võ Văn Tần tham gia Hội kín Nguyễn An Ninh - một tổ chức chính trị chống chính quyền thực dân Pháp hoạt động ở Nam kỳ, mục đích là thông qua sách báo tiến bộ góp phần nâng cao nhận thức chính trị và vận động cách mạng trong quần chúng nhân dân.

Tháng 8/1929, ông và Võ Văn Tần tham gia An Nam Cộng sản Đảng. Tháng 3/1930, tại nhà ông Hương bộ Nguyễn Văn Thỏ (Nguyễn Văn Thới) diễn ra cuộc họp bí mật với sự tham gia của 7 đồng chí: Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Sậy, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Võ Văn Ngân, Nguyễn Văn Thỏ, Nguyễn Văn Ngọc, thống nhất tuyên bố chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn bấy giờ.

Ngay sau khi thành lập, các đồng chí trong chi bộ nhanh chóng tỏa đi khắp nơi để vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng, thành lập, phát triển tổ chức Đảng, đặc biệt là ở hai khu vực Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh. Từ chi bộ đầu tiên ở làng Đức Hòa, tổ chức Đảng ở Đức Hòa phát triển lên 3 chi bộ với 27 đảng viên. Trên cơ sở đó, tháng 5/1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập, 4 anh em Võ Văn Mẫn, Võ Văn Tần, Võ Văn Tây, Võ Văn Ngân đều được bầu là Quận ủy viên, trong đó đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư.

Thực hiện chủ trương của liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn, ngày 04/6/1930, đồng chí Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần cùng các đồng chí Quận ủy Đức Hòa lãnh đạo cuộc biểu tình tại thị trấn Đức Hòa đòi Pháp giảm sưu thuế nhưng bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Sau cuộc biểu tình này, thực dân Pháp ra sức lùng bắt các đồng chí lãnh đạo Quận ủy, trong đó có đồng chí Võ Văn Ngân. Trước tình thế đó, đồng chí tạm lánh về quê mẹ ở quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định.

Cuối năm 1931, do bị chỉ điểm, phần lớn lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Định đều sa vào tay giặc. Bất chấp nguy hiểm, đồng chí Võ Văn Ngân cùng Võ Văn Tần tiếp tục ra sức hoạt động nhằm khôi phục các cơ sở Đảng đã mất và tổ chức tái lập Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí Võ Văn Ngân được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Đầu năm 1932, do yêu cầu công tác, đồng chí Võ Văn Ngân được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay đồng chí Võ Văn Tần.

Đầu tháng 3/1935, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu vào Xứ ủy Nam kỳ, phụ trách trực tiếp Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần I (ngày 27 đến 31/3/1935), đồng chí Võ Văn Ngân được bầu làm Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau đại hội, đồng chí trở về Nam kỳ đúng lúc cơ quan Xứ ủy vừa bị thực dân Pháp phá vỡ, Bí thư Xứ ủy và phần lớn xứ ủy viên đều bị bắt. Võ Văn Ngân cùng những đồng chí còn lại bắt tay khôi phục Xứ ủy và đồng chí được cử trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy.

Trong giai đoạn này, đồng chí Võ Văn Ngân còn cùng các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy tiến hành xây dựng căn cứ ở làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm, Hóc Môn), cách trung tâm Sài Gòn khoảng 15km để Trung ương Đảng làm trụ sở thuận tiện cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng. Tại căn cứ này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành nhiều hội nghị đề ra các nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đưa nhân dân ta vào thời kỳ chuẩn bị trực tiếp vận động cứu nước, đây là tiền đề vô cùng quan trọng cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thành công rực rỡ.

Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì đồng chí Võ Văn Ngân lâm trọng bệnh, buộc phải nghỉ ngơi để chữa trị, dù vậy, đồng chí vẫn luôn quan tâm đến công việc của Đảng. Đầu năm 1938, bệnh tình trở nặng, đồng chí được đưa về quê ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19/10/1939 (nhằm ngày 07/9 năm Kỷ Mão).

Tôn vinh, tri ân người cộng sản tiền bối

Đồng chí Võ Văn Ngân mất đi nhưng tinh thần và khí tiết cách mạng vẫn còn đó, tô thắm truyền thống của mảnh đất Chợ Lớn - Tân An. Đồng chí ra đi, để lại cho lớp thanh niên yêu nước một tấm gương ngời sáng về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, bất khuất trước kẻ thù và cống hiến trọn cuộc đời cho lý tưởng giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản. Tinh thần ấy mãi mãi xứng đáng để thế hệ hôm nay và mai sau ngưỡng mộ, học tập và noi theo.

Thuộc lớp những người cộng sản tiền bối, cuộc đời hoạt động của đồng chí Võ Văn Ngân gắn liền với buổi đầu ra đời và lãnh đạo nhân dân đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang, hào hùng của Đảng và nhân dân Nam bộ thành đồng. Trong những ngày đầu ươm mầm cách mạng, đồng chí chọn nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, đầy gian khó, hiểm nguy…

80 năm trôi qua kể từ ngày đồng chí Võ Văn Ngân ra đi nhưng tấm gương hoạt động cách mạng kiên trì, bền bỉ, tinh thần dũng cảm, bất khuất vẫn sống mãi với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An và TP.HCM. Tôn vinh người chiến sĩ cộng sản tiên phong, nhà cách mạng kiên cường, Ban Tổ chức Các ngày lễ lớn tỉnh Long An phối hợp TP.HCM tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 80 năm ngày mất đồng chí Võ Văn Ngân (1939-2019) vào ngày 05/10/2019 (ngày 07/9 âm lịch) tại Nhà thờ họ của đồng chí Võ Văn Ngân (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Đây là dịp để tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong của Đảng, qua đó thể hiện lòng tri ân và tôn vinh thế hệ cách mạng tiền bối có công với nước, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ hôm nay.

Kỷ niệm 80 năm ngày mất đồng chí Võ Văn Ngân, nhắc lại tấm gương và tinh thần của người cộng sản chân chính để học tập và phát huy trong mọi điều kiện, lĩnh vực, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển./.

Bách Nhân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích