Tiếng Việt | English

13/03/2019 - 10:05

Vụ án mạng nghiêm trọng khiến 2 người chết tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An: Hành động của chị Hằng có được xem là phòng vệ chính đáng?

Trường hợp của chị Nguyễn Thúy Hằng tước đi mạng sống của tên trộm giết chết chồng mình và nhằm chống trả lại tên trộm khi bị truy sát. Do đó, đây là hành vi phòng vệ chính đáng và có thể được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện trường vụ án mạng

Hiện trường vụ án mạng

Vụ án mạng nghiêm trọng khiến 2 người chết xảy ra tại xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An làm 2 người chết tại chỗ xảy ra vào sáng sớm 11/3, khiến dư luận hết sức quan tâm. Trước diễn biến của vụ án, có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, thông cảm về trường hợp của chị Nguyễn Thị Hằng (vợ anh Hội) khi chị chống trả dẫn đến việc đối tượng Nguyễn Thành Trung tử vong.

Theo diễn biến vụ án, khoảng 0 giờ 30 phút, ngày 11/3, đối tượng Nguyễn Thành Trung (31 tuổi, ngụ ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) đột nhập vào nhà anh Võ Tấn Hội (38 tuổi, ngụ  cùng ấp) và ra tay cắt cổ khiến anh Hội tử vong tại chỗ. Sau đó, đối tượng Trung dùng dao khống chế chị Hằng để hỏi tiền, vàng nhằm mục đích cướp tài sản.

Mặc dù chị Hằng phản kháng, bỏ chạy nhưng đối tượng Trung vẫn tiếp tục truy đuổi và dùng dao chém 2 nhát từ phía sau gây thương tích cho chị Hằng. Cùng đường, chị Hằng chụp được con dao trên bàn, huơ lại phía sau trúng vào vùng đầu đối tượng Nguyễn Thành Trung khiến y tử vong tại chỗ.

Nhiều luồng dư luận cho rằng chị Hằng trong trường hợp này không phạm tội do đối tượng Trung cầm hung khí uy hiếp đến tính mạng chị Hằng. Nếu trong trường hợp này, chị Hằng không dùng dao phản kháng lại, rất có thể người tử vong chính là chị Hằng chứ không phải đối tượng Trung.

Liên quan đến trường hợp chị Hằng có phạm tội hay không phạm tội, Thạc sĩ Luật Nguyễn Văn Tiệt cho rằng: “Từ những thông tin ban đầu có thể thấy, trường hợp gây ra cái chết cho đối tượng Trung của chị Hằng thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng. Vì trong trường hợp này, chị Hằng đã bỏ chạy nhưng vẫn bị đối tượng Trung truy đuổi và dùng dao chém 2 nhát từ phía sau gây thương tích khiến chị không thể bỏ chạy và uy hiếp đến tính mạng. Trong lúc đó, chị Hằng chụp được con dao, huơ lại phía sau trúng vào vùng đầu đối tượng Trung khiến y tử vong. Do đó, trường hợp của chị Hằng nhằm bảo vệ tính mạng của mình và thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng”.

Ngoài ra, cơ quan điều tra vẫn phải khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra, xác định nguyên nhân chính xác trong vụ việc. Trường hợp nếu cơ quan xác định chị Hằng đâm chết đối tượng Trung và khởi tố bị can về tội “Giết người” thuộc trường hợp “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” thì tùy theo mức độ, tích chất có thể xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho chị.

Tương tự, Luật sư Lê Văn Lâm - Giám đốc Công ty Luật Sài Gòn - Mê Kông, cũng cho rằng, trường hợp của chị Hằng trong vụ việc này phải được xem xét thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng và không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với việc chị Hằng gây ra cái chết cho đối tượng Trung./.

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

(trích Bộ luật Hình sự 2015).

Kiên Định

Chia sẻ bài viết