Tiếng Việt | English

11/12/2018 - 11:21

Vụ Đông Xuân 2018-2019: Gieo sạ đúng lịch để phòng bệnh và xâm nhập mặn

Nước lũ rút là thời điểm nông dân tập trung vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị vật tư, giống,... để gieo sạ vụ Đông Xuân (ĐX) 2018-2019. Năm nay, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, lịch thời vụ gieo sạ hợp lý,... nông dân hy vọng vụ mùa thắng lợi.

Bảo đảm đúng lịch

Đến nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ trên 100.000ha lúa ĐX 2018-2019, tập trung chủ yếu ở các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và một số huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười (kết thúc lịch gieo sạ đợt 1 và 2). Tại thị xã Kiến Tường, nông dân xuống giống trên 10.700ha, tập trung ở các xã: Thạnh Trị, Bình Hiệp, Thạnh Hưng, Bình Tân,... Hiện nay, các vùng có đê bao, nông dân đang tranh thủ bơm nước, cày ải, làm đất, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị xuống giống theo lịch gieo sạ đợt 3.

Nông dân làm đất, tập trung gieo sạ lúa Đông Xuân 2018-2019 đúng lịch

Nông dân làm đất, tập trung gieo sạ lúa Đông Xuân 2018-2019 đúng lịch

Chủ tịch UBND xã Bình Tân - Nguyễn Thị Kim Duyên cho biết: “Bên cạnh việc khuyến cáo nông dân sử dụng các loại giống xác nhận, khả năng chống chịu sâu, bệnh cao, địa phương còn tập trung gia cố đê bao lửng, đề phòng triều cường hoặc lũ đột biến nhằm bảo đảm an toàn cho vụ ĐX 2018-2019. Bên cạnh đó, nông dân cần thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện và kịp thời xử lý sâu, bệnh gây hại, tuân thủ lịch thời vụ, gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực để né rầy, bảo đảm năng suất và sản lượng vụ lúa ĐX”.

Trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng, các vùng gò cao như Khánh Hưng, Hưng Điền A, Thái Bình Trung,... nhiều diện tích đất cạn khô, nông dân đang tập trung làm đất xuống giống. Bà Huỳnh Thị Dung (xã Khánh Hưng) nói: “Hiện gia đình tôi gieo sạ 2ha giống VD20. Năm nay, nước lũ lớn nên nông dân rất mừng, hy vọng sẽ có vụ mùa bội thu vì nước mang theo nhiều phù sa cho đất, cuốn trôi mầm bệnh”.

Những ngày qua, gia đình ông Nguyễn Văn Toàn (xã Thái Bình Trung) đang tất bật vệ sinh đồng ruộng, làm rãnh thoát nước, đắp lại bờ ranh,... để chuẩn bị bơm tát và xuống giống lúa ĐX trong những ngày tới cho kịp lịch thời vụ. Ông Toàn chia sẻ: “Vụ lúa này, gia đình tôi xuống giống 1,5ha. Những năm trước, khu vực này đa số nông dân trồng giống lúa thường. Năm nay, tôi quyết định trồng lúa Jasmine 85 để tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận”.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, đến nay, toàn huyện xuống giống khoảng 19.015ha lúa ĐX 2018-2019. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân chủ động vệ sinh đồng ruộng thật kỹ nhằm hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng,... sử dụng chế phẩm sinh học để rơm rạ phân hủy nhanh, tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ và cắt đứt mầm bệnh từ các vụ trước. Các ngành chuyên môn cũng lưu ý nông dân các giống lúa: Đài thơm 8, Nàng hoa 9, Jasmine 85, VD 20, OM 5451, RVT đã nhiễm rầy nâu, đạo ôn, bệnh bạc lá,... do đó, trong quá trình canh tác, cần chú ý kỹ, phát hiện sớm và chủ động phòng trừ, bảo đảm sản xuất thắng lợi. Ngoài ra, để né rầy và các dịch bệnh khác, nông dân nên tuân thủ gieo sạ đồng loạt theo lịch thời vụ của huyện đợt 3 từ ngày 15 đến 30/12/2018.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Vụ ĐX 2018-2019, sở phối hợp các địa phương kiên quyết chỉ đạo xuống giống tập trung trong từng vùng, từng cánh đồng, đồng loạt và né rầy, dịch bệnh theo khung thời vụ đã thống nhất giữa các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, không gieo sạ tự phát, phân tán. Các địa phương cần tập trung công tác chỉ đạo, điều hành về thời vụ, cơ cấu giống, các giải pháp kỹ thuật áp dụng trong sản xuất và tiếp tục đẩy mạnh giảm lượng giống lúa gieo sạ. Về thời vụ sản xuất, phải chỉ đạo sát sao lịch thời vụ, tranh thủ xuống giống sớm nhất có thể để né hạn, mặn vào cuối vụ.
Sử dụng những giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường, tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm; đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng, cứng cây, ít đổ ngã, chống chịu sâu, bệnh và khô hạn tốt. Với cơ cấu giống lúa nếp, không nên tăng để tránh rủi ro về thị trường tiêu thụ khi cung vượt cầu; chú ý việc sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn vào cuối vụ. Các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường: Bộ giống lúa thơm nhẹ cao sản ngắn ngày gồm ST, RVT, Nàng hoa 9, Đài thơm 8, Jasmine 85...; bộ giống chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như OM 5451, OM 4900, OM 7347,...

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn cần tăng cường thực hiện tốt điều tra phát hiện, dự báo tình hình sâu, bệnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo tình hình mưa, bão, lũ, hạn, mặn cục bộ...; tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ nhằm hạn chế cỏ dại, chuột, ốc bươu vàng, các loại ký sinh trùng gây hại; hướng dẫn nông dân thường xuyên theo dõi đồng ruộng để phát hiện sớm các dịch hại trên cây lúa và có biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời các loại vật tư không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường”.

Nông dân gieo sạ đúng lịch né rầy

Chủ động phòng, chống hạn, mặn

Vụ lúa ĐX 2018-2019 được đánh giá rất quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bố trí mùa vụ sản xuất trong cả năm 2019. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Long An, thời kỳ kết thúc mùa mưa ở khu vực Nam bộ có khả năng sẽ sớm hơn so với trung bình nhiều năm nên cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan, như mưa rất to xảy ra trong thời đoạn ngắn nhưng lượng mưa lại rất cao, gây ngập úng cục bộ. Hiện tượng ENSO được dự báo từ nay đến đầu năm 2019, sẽ chuyển sang trạng thái El Nino với xác suất trong khoảng 60-70%. Vì vậy, khả năng sẽ xảy ra hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Võ Kim Thuần cho biết: “Để sản xuất vụ lúa ĐX 2018-2019 đạt hiệu quả, đơn vị cùng địa phương khuyến cáo nông dân tập trung xuống giống đúng lịch thời vụ, tranh thủ xuống giống sớm nhất có thể để né hạn, mặn vào cuối vụ, xuống giống đồng loạt trên từng cánh đồng lớn, tiểu vùng và từng vùng; sử dụng các giống lúa chống chịu được hạn, mặn, chua phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và khô hạn vào cuối vụ. Cùng với đó, các địa phương tập trung rà soát, nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống thủy lợi điều tiết nước,... để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ, giữ nước ngọt trên hệ thống kênh, rạch nội đồng, bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ sản xuất; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước; đồng thời xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản có khả năng xảy ra để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế địa phương”./.


Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết