Tiếng Việt | English

05/12/2018 - 08:31

Vụ Đông Xuân còn nhiều diện tích đất chưa thể xuống giống

Mặc dù kết thúc gieo sạ đợt 2 theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhưng đến nay, một số nơi ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, nông dân chưa thể xuống giống do mực nước còn trên ruộng khá cao.

Tiến độ gieo sạ chậm

Theo anh Trần Minh Thắng, ngụ ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉn Long An, hàng năm vào thời điểm này, nông dân xuống giống lúa vụ Đông Xuân được khoảng 10 ngày nhưng năm nay, do lũ rút chậm, hiện mực nước còn trên ruộng khá cao nên gần 2ha đất của gia đình đến nay chưa thể xuống giống.

Nhiều diện tích đất, mực nước còn ở mức cao, nông dân cần chủ động bơm rút nước, gieo sạ lúa Đông Xuân

Nhiều diện tích đất, mực nước còn ở mức cao, nông dân cần chủ động bơm rút nước, gieo sạ lúa Đông Xuân

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết: Vụ Đông Xuân 2018-2019, huyện có kế hoạch xuống giống 38.000ha, đến thời điểm này, nông dân xuống giống được hơn 20.000ha, đạt hơn 50% kế hoạch (chủ yếu ở các xã vùng cao và một số diện tích ở các xã vùng thấp có đê bao). Nguyên nhân xuống giống lúa Đông Xuân 2018-2019 chậm so với tiến độ là do nước lũ trên các kênh, rạch trên địa bàn rút chậm.

Mặc dù kết thúc lịch gieo sạ đợt 2 nhưng đến nay, nông dân huyện Vĩnh Hưng chỉ xuống giống được hơn 15.000/28.500ha, tập trung nhiều ở các xã vùng cao: Khánh Hưng, Hưng Điền A, Thái Bình Trung, Thái Trị, Vĩnh Trị; nhiều diện tích ở các xã vùng thấp: Vĩnh Thuận, Tuyên Bình, Tuyên Bình Tây hiện còn ngập trong nước, nông dân chưa thể xuống giống.

Nông dân cần chủ động bơm rút nước, gieo sạ

Nước lũ rút là thời điểm nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh tiến hành vệ sinh đồng ruộng, xuống giống vụ lúa Đông Xuân nhưng hiện tại, nhiều diện tích chưa thể xuống giống, không những ảnh hưởng đến năng suất (gieo sạ ngoài lịch thời vụ bị sâu, bệnh gây hại nhiều) mà còn ảnh hưởng đến vụ lúa Hè Thu năm 2019 bởi nguy cơ hạn, mặn xâm nhập, lũ chụp vào cuối vụ có thể xuất hiện.

Anh Trần Thanh Phong, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, cho biết, hơn 2ha lúa của gia đình đến nay vẫn chưa thể xuống giống được vì ruộng còn ngập khá sâu, chưa thể bơm rút nước ra gieo sạ. “Theo tiến độ này, khoảng 10 ngày nữa mới có thể xuống giống, gieo sạ trễ, khả năng bị nước lũ chụp vào cuối vụ như những năm trước có thể xảy ra” - anh Phong lo lắng.

Vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải, mực nước trên ruộng còn khá cao (nông dân không thể bơm rút nước) nên ảnh hưởng lịch gieo sạ, có khả năng ảnh hưởng đến vụ lúa Hè Thu tới như thiếu nước vào đầu vụ, ảnh hưởng lũ vào cuối vụ.

“Số diện tích nằm trong hệ thống đê bao lửng, nông dân cần chủ động bơm rút nước, gieo sạ kịp lịch thời vụ, cần cày trục, vệ sinh đồng ruộng và diệt chuột, ốc bươu vàng nhằm hạn chế nguồn sâu, bệnh phát sinh và lây lan, tập trung gieo sạ đợt 3 từ ngày 15 đến 30-12. Riêng đối với số diện tích đã xuống giống, nông dân cần chủ động thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện sâu, bệnh để có biện pháp phòng ngừa” - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài khuyến cáo.

Vụ Đông Xuân là vụ sản xuất chính trong năm, quyết định sản lượng lương thực của cả năm, vì vậy, cần có sự tập trung chỉ đạo, điều hành kịp thời, sâu sát của địa phương và quyết tâm khắc phục khó khăn của nông dân để vụ lúa Đông Xuân 2018-2019 đạt thắng lợi./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết