Tiếng Việt | English

10/04/2018 - 18:04

Vụ Hè Thu 2018: Gieo sạ theo lịch để tránh sâu, bệnh

Vụ Hè Thu 2018, nông dân (ND) phải tuân thủ lịch gieo sạ ngành nông nghiệp đưa ra nhằm tránh sâu, bệnh hại lúa.

Nông dân cần tuân thủ lịch gieo sạ mà ngành nông nghiệp đưa ra

Nông dân cần tuân thủ lịch gieo sạ mà ngành nông nghiệp đưa ra

Bài học từ vụ đông xuân

Vụ Đông Xuân 2017-2018 được đánh giá khá thuận lợi, ND được mùa, trúng giá, lợi nhuận khá cao (những ND tuân thủ lịch thời vụ). Tuy nhiên, một phần diện tích gieo sạ ngoài lịch bị nhiễm sâu năn nên lợi nhuận thấp, có ND bị thua lỗ.

Bà Nguyễn Thị Hằng, ngụ xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, chia sẻ: “Gia đình tôi có 6ha đất trồng lúa. Do xuống giống trễ hơn lịch thời vụ vài ngày nên lúa nhiễm sâu năn, năng suất giảm, lợi nhuận vài triệu đồng/ha. Thấy nhiều ND lãi vài chục triệu đồng/ha mà tôi tiếc. Rút kinh nghiệm, vụ Hè Thu này, tôi gieo sạ theo lịch khuyến cáo của ngành chức năng”.

Cũng vì sạ trễ so với lịch thời vụ, 16ha lúa Đông Xuân của gia đình ông Nguyễn Văn Cải, ngụ xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, mất trắng do nhiễm sâu năn trên 70%. Ông Cải buồn bã: “Tôi còn mất chi phí thuê người cắt lúa. Vụ này, tôi đã vệ sinh đồng ruộng nhưng chưa gieo sạ, đợi có lịch mới xuống giống”.

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Tòng cho biết: “Rút kinh nghiệm từ vụ Đông Xuân 2017-2018, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo ND không được xuống giống sớm vụ Hè Thu mà phải theo lịch của ngành đưa ra. Hiện, một số diện tích lúa Hè Thu gieo sạ sớm bị nhiễm sâu năn, phòng phối hợp ngành chức năng, địa phương hướng dẫn ND xử lý”.

“Huyện chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động ND phải gieo sạ theo lịch, không xuống giống vụ Hè Thu sớm để tránh bị sâu, bệnh hại lúa. Cán bộ chuyên môn của huyện hướng dẫn ND vệ sinh đồng ruộng, xử lý kịp thời sâu bệnh để có vụ mùa bội thu” - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trương Văn Điệp thông tin.

Tuân thủ lịch gieo sạ

Vụ Đông Xuân 2017-2018, một số diện tích lúa của huyện Tân Hưng bị nhiễm sâu năn nên năng suất giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của ND. Ông Nguyễn Thành Tài, ngụ xã Vĩnh Lợi, bộc bạch: “Vì không tuân thủ lịch thời vụ, 10ha lúa bị nhiễm sâu năn, năng suất giảm đáng kể, tôi lãi 1-2 triệu đồng/ha. Vụ Hè Thu này, tôi tuyệt đối tuân thủ theo lịch của ngành nông nghiệp, hy vọng được mùa, trúng giá”.

“Tôi có 8ha đất trồng lúa, vụ Đông Xuân vừa rồi lãi khoảng 30 triệu đồng/ha nhờ gieo sạ đúng lịch. Tôi đang làm đất, khi có lịch gieo sạ chính thức sẽ xuống giống vụ Hè Thu” - bà Hoàng Thị An, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, chia sẻ.

Một số diện tích lúa bị nhiễm bệnh

Một số diện tích lúa bị nhiễm bệnh

Theo quyền Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Hoàng Văn Sinh, rút kinh nghiệm từ vụ Đông Xuân vừa qua, huyện chỉ đạo các địa phương phải tuyên truyền, vận động ND gieo sạ đúng lịch. Tuy nhiên, nhiều ND vẫn xuống giống sớm nên một ít diện tích lúa bị nhiễm bệnh”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Nếu gieo sạ không theo lịch mà ngành khuyến cáo, lúa dễ nhiễm các loại sâu, bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết như hiện nay. Ngành tăng cường phối hợp các địa phương tuyên truyền, vận động ND tuân thủ đúng lịch. Ngoài ra, ND cần vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, chủ động phối hợp ngành chức năng để kịp thời xử lý các loại sâu, bệnh hại lúa, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Dự kiến lịch gieo sạ lúa Hè Thu đợt 1 từ ngày 25/4 đến 05/5/2018. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 26.079ha lúa Hè Thu. Vì gieo sạ sớm nên có 2.839ha lúa bị nhiễm rầy nâu, xuất hiện giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ, tập trung ở huyện: Tân Thạnh và Tân Hưng với mật độ 750-1.000 con/m2; 1.227ha lúa nhiễm sâu năn, xuất hiện giai đoạn đẻ nhánh, tập trung ở huyện Tân Hưng và thị xã Kiến Tường với tỷ lệ ảnh hưởng 20%./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết