Tiếng Việt | English

05/11/2019 - 10:18

Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020: Gieo sạ đúng lịch thời vụ để “né” hạn, xâm nhập mặn

Năm nay lũ thấp, nước thượng nguồn đổ về hạ nguồn sông Mekong với lưu lượng thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Điều này có khả năng dẫn đến thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn xảy ra vào những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Ngay thời điểm này, Long An chủ động ứng phó với tình trạng bất lợi trên và khuyến cáo nông dân gieo sạ vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2019-2020 đúng lịch thời vụ để hạn chế sâu, bệnh, xâm nhập mặn.

Kết thúc gieo sạ đợt 1

Hiện nước rút nhanh, ở một số nơi, nông dân đã xuống giống đợt 1 theo lịch thời vụ với diện tích trên 19.150ha, tập trung ở các huyện: Cần Giuộc, Tân Thạnh, Tân Hưng, Cần Đước, Mộc Hóa, Bến Lức và thị xã Kiến Tường và chuẩn bị làm đất xuống giống đợt 2, 3.

Nông dân vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ lúa Đông Xuân

Tại thị xã Kiến Tường, một số nơi không bị ảnh hưởng của lũ, lũ rút sớm, nông dân đã xuống giống đợt 1 trên 2.300ha. Ông Nguyễn Văn Boi, ngụ xã Bình Tân, nói: “Vụ ĐX 2019-2020, gia đình sản xuất hơn 3ha lúa, đã xuống giống hơn nửa diện tích. Ngay từ đầu vụ, nông dân được tuyên truyền, hướng dẫn gieo sạ theo khuyến cáo. Năm nay lũ thấp nên phù sa ít, vì vậy nông dân chuẩn bị rất kỹ từ trục xới đất, đưa nước vào ruộng để nhấn chìm rơm rạ bởi đây là những nơi tồn lưu, tích lũy mầm dịch bệnh, đồng thời hạn chế ngộ độc hữu cơ do rơm rạ chưa kịp phân hủy; cày bừa trục kỹ, tu sửa bờ bọng để có thể chủ động nguồn nước khi vào vụ, hạn chế cỏ dại đến bón lót phân lân, phân vôi, phân hữu cơ,... giúp kích thích bộ rễ cây lúa phát triển mạnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ”.

Tại huyện Mộc Hóa, nông dân gieo sạ trên 600ha. Anh Trần Văn Miếng, ngụ xã Bình Thạnh, cho biết: “Lũ rút dần, tôi đang vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ đợt 2, đợt 3 để né rầy. Hy vọng, vụ này được mùa, trúng giá”. Còn ông Nguyễn Văn Tú, ngụ cùng địa phương, chia sẻ: “Nếu lũ lớn, nông dân đỡ tốn chi phí diệt cỏ, ốc bươu vàng, rầy nâu, giảm khoảng 200.000-300.000 đồng/0,1ha. Năm nay, lũ thấp, gia đình tôi phải mua thêm phân bón, thuốc để vệ sinh đồng ruộng”.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam, ngành nông nghiệp huyện phối hợp địa phương tập trung hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, đây là thời điểm thời tiết thuận lợi vì nước lũ rút; theo dõi tình hình rầy vào đèn tại mỗi địa phương, rầy nâu tại chỗ, kết hợp với chế độ thủy văn để bố trí thời vụ cụ thể cho địa phương; tuân thủ theo nguyên tắc chung là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng. Thời gian cách giữa 2 vụ lúa tối thiểu 3 tuần, không để tình trạng trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, tuân thủ nghiêm ngặt lịch né rầy, không gieo sạ trước khi rầy di trú đến và để tránh tình trạng có nhiều trà lúa trên cùng một cánh đồng; sử dụng giống xác nhận, sạch bệnh, có sức sống mạnh, độ nẩy mầm cao, xử lý hạt giống ngăn ngừa bệnh lúa von, đạo ôn.

Để sản xuất vụ ĐX 2019-2020 đạt hiệu quả, kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khuyến cáo địa phương cần hướng dẫn một số kỹ thuật sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, cụ thể là canh tác lúa theo “1 phải, 6 giảm”. Theo đó, điều đầu tiên là việc vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất ít nhất từ 2-3 tuần giữa 2 vụ lúa để tăng độ khoáng hóa, làm đất tơi xốp, sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm, rạ, nhằm tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ; nên chọn giống cấp xác nhận và cần xử lý hạt giống để loại bỏ lừng lép trước khi gieo sạ, áp dụng phương pháp sạ thưa và tuân thủ theo lịch khuyến cáo né rầy cho từng cánh đồng; bón phân theo nhu cầu của lúa và các thời điểm xung yếu, đặc biệt là bón đúng liều lượng, không bón thừa phân đạm; áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ưu tiên sử dụng các thuốc gốc sinh học ít ảnh hưởng đến thiên địch; áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ và rút nước giữa vụ; đưa cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Nông dân tập trung gieo sạ lúa Đông Xuân đúng lịch thời vụ

Chủ động phòng, chống xâm nhập mặn

Năm nay, lũ thấp, lượng phù sa, nguồn lợi thủy sản từ sông Mekong mang về Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn nhiều so với những năm trước. Trong khi đó, dự báo lượng mưa năm nay sẽ cơ bản kết thúc vào tháng 11-2019, có lưu lượng cũng chỉ tương đương trung bình nhiều năm. Chính những yếu tố nêu trên, mùa khô 2019-2020, mặn sẽ xuất hiện sớm và cao hơn trung bình nhiều năm nhưng khả năng sẽ ít nguy hiểm so với mùa khô 2015-2016. Cụ thể, từ tháng 12-2019, mặn có khả năng ảnh hưởng sâu vào đất liền đến 20-30km, tính từ vùng cửa sông. Đến tháng 01 và 02-2020, ranh mặn 4 gram/lít xâm nhập sâu vào đất liền từ 40-67km, cao hơn 10-15km so với trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn mùa khô 2015-2016 từ 6-27km. Với dự báo trên, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu nước, khô hạn diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là sẽ gây ra rủi ro cho vụ sản xuất lúa ĐX 2019-2020 tại khu vực cách biển từ 40-60km. Do đó, ngay từ bây giờ, các địa phương trong vùng cần có giải pháp phòng tránh hạn, mặn sắp tới.

Tại Long An, mực nước so cùng kỳ năm 2018 thấp hơn từ 0,02-1,03m. Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện đề nghị UBND các huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn; xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020, trong đó, xác định khả năng bị ảnh hưởng từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Các địa phương bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, bảo đảm xuống giống vụ ĐX 2019-2020 đúng lịch thời vụ; về cơ cấu giống ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, thường xuyên đo độ mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nhằm kịp thời nắm bắt tình trạng xâm nhập mặn; hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét kênh, rạch, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm dã chiến, tranh thủ vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước để sử dụng khi xâm nhập mặn lên cao, nguồn nước bị thiếu hụt./.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực Nam bộ từ nay đến cuối năm 2019, mực nước sông Mekong xuống dần, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thiếu hụt từ 20-30% so với trung bình nhiều năm. Trong mùa khô 2019-2020, khả năng xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm hơn và sâu hơn mùa khô năm 2018-2019.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết