Tiếng Việt | English

19/06/2018 - 19:35

Vùng sâu khởi sắc

3/3 trường học, trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia; nhiều tuyến đường được mở rộng, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa; hệ thống đê bao được gia cố thường xuyên, góp phần bảo vệ sản xuất,... là kết quả từ sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.

Dễ làm trước, khó làm sau

Khó khăn nhất của Bình Hòa Đông là hệ thống giao thông nông thôn chưa được xây dựng hoàn thiện. “Đây là tiêu chí cần có sự đầu tư lớn. Tuy nhiên, kinh phí xã còn hạn hẹp, đời sống người dân còn khó khăn nên sức đóng góp không nhiều vì vậy một số công trình chưa thể thực hiện được. Hiện, toàn xã còn 73 hộ nghèo (chiếm 6,23%) và 90 hộ cận nghèo (chiếm 7,69%)” - Phó Chủ tịch UBND xã - Lê Quốc Thi giải thích.

Đường giao thông nông thôn được mở rộng, trải đá, việc đi lại bằng xe môtô ngày càng thuận tiện hơn

Đường giao thông nông thôn được mở rộng, trải đá, việc đi lại bằng xe môtô ngày càng thuận tiện hơn

Trước những khó khăn này, địa phương xác định: “những công trình, phần việc dễ, cần nguồn vốn ít thì thực hiện trước; những công trình, phần việc khó, cần nguồn vốn lớn sẽ thực hiện sau”. Năm 2017, xã triển khai thực hiện 10 công trình xây dựng cơ bản, trong đó có 4 công trình được thi công từ nguồn kinh phí của xã: Gia cố đê bao khu vực ấp 1, ấp 3; xây dựng cầu ấp 2, cầu chữ T ấp 4 và sửa chữa cầu trụ sở ấp 4.

Từ đầu năm 2018 đến nay, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân góp tiền, góp sức sửa chữa, trải đá xanh đường kênh Đòn Dong, đường bờ Đông rạch Bến Buôn, xây dựng 3 cây cầu bắc qua kênh Đòn Dong,... Đây đều là những công trình vô cùng bức thiết, có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân nên nhận được sự đồng thuận cao.

Ông Lê Hoàng Nhi (SN 1952), ngụ ấp 3, bộc bạch: “Đường ngọn Bến Buôn dài 2,2km, là đường đất nên đi lại rất khó khăn. Mùa mưa, thấy các cháu học sinh lội bộ đến trường, lấm lem bùn đất mà thương! Trước đây, người dân hiến đất làm nền hạ, bây giờ, nhờ sự quan tâm đầu tư của cấp trên, đoạn đường được trải đá sạch sẽ, ai cũng phấn khởi!”.

Chú trọng phát triển kinh tế

Là xã thuần nông, Bình Hòa Đông chú trọng tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giúp nông dân sản xuất ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân 2017-2018, do thời tiết diễn biến thất thường, các loại sâu, bệnh gây hại (đặc biệt là muỗi hành) trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và năng suất lúa, gây thiệt hại đáng kể cho nông dân.

Phó Chủ tịch UBND xã - Lê Quốc Thi thông tin: “Vụ Đông Xuân, toàn xã gieo sạ 2.860ha lúa, đạt 100% kế hoạch. Tổng sản lượng lúa thu hoạch 18.075 tấn, đạt 99,7% kế hoạch. Năng suất lúa bình quân 6,32 tấn/ha (lúa khô), lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/ha. Để khắc phục tình trạng sâu, bệnh gây hại, vụ Hè Thu 2018, xã khuyến cáo nông dân gieo sạ theo lịch thời vụ. Đồng thời phối hợp Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức thăm đồng thường xuyên, chủ động phòng trừ sâu, bệnh, góp phần bảo đảm vụ Hè Thu đạt năng suất, chất lượng”.

Tham gia vào cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao giúp nông dân tăng lợi nhuận

Tham gia vào cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao giúp nông dân tăng lợi nhuận

Hiện nay, toàn xã triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở ấp 1 và 4, với diện tích 1.043ha. Vụ Đông Xuân 2017-2018, xã thực hiện mô hình 62,5ha tại ấp 4. Năng suất bình quân 6,3 tấn/ha, giá lúa 7.300 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất bên ngoài vùng quy hoạch từ 3-5 triệu đồng/ha).

Để việc sản xuất của người dân ngày càng thuận lợi, hiệu quả, các tuyến kênh, rạch cũng được nạo vét thường xuyên. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã xây dựng được 28/32 khu đê bao lửng, bảo đảm việc tiêu nước, chống ngập úng cho 4/4 ấp. “Vụ Hè Thu năm 2017, nhờ chính quyền xã chủ động, kịp thời gia cố những đoạn đê bao còn thấp nên gần như toàn bộ diện tích lúa không bị thiệt hại do lũ” - ông Nguyễn Văn Trung, ngụ ấp 3, vui mừng nói.

Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, người dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, từ đó, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết