Tiếng Việt | English

20/05/2020 - 09:05

Vừa chống dịch, vừa nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh

Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN) nỗ lực từng bước khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19.

Nhiều khó khăn bủa vây

Dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho các DN hoạt động trên địa bàn. Một số đơn vị phải dừng các hoạt động hoặc giảm quy mô sản xuất, kinh doanh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển KT-XH địa phương. Bên cạnh đó, một số công nhân, lao động trên địa bàn bị mất việc hoặc giảm thu nhập. Mặc dù cố gắng, nỗ lực nhưng DN cần cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng triển khai những giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ để có thể sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh

Theo đại diện Công ty (Cty) TNHH SX TM Hù Kiệt (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức), đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ Chính phủ, Bộ Y tế, địa phương. Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng tình hình hoạt động của đơn vị. Hàng hóa không lưu thông, sản xuất bị đình trệ, dù chẳng mong muốn nhưng Cty buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều công nhân vì không có doanh thu để trả lương. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã ổn, đơn vị bắt tay vào khôi phục sản xuất. Chính phủ có nhiều giải pháp hỗ trợ các DN, hộ kinh doanh cá thể nên chúng tôi mong muốn được nhanh chóng triển khai để đơn vị sớm vượt khó, ổn định sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út cho biết: Các DN, hộ kinh doanh trên địa bàn đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Lượng hàng hóa tồn kho tăng do không thể tiêu thụ và có chiều hướng tăng dần qua các tháng trong thời gian tới. Thiếu hụt nguyên, vật liệu, người lao động không có việc làm, nguy cơ mất thị trường, giảm năng lực cạnh tranh do thị trường trong và ngoài nước chưa mở cửa,... Vì vậy, phần lớn DN buộc phải thực hiện phương án cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, ngừng, giãn việc làm tạm thời, không hưởng lương để ứng phó với tình hình sức mua thị trường đang giảm sâu. UBND huyện đã báo cáo tình hình cụ thể với UBND tỉnh. Đồng thời, huyện triển khai, thông tin các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để DN nắm bắt, thực hiện. Khi DN có yêu cầu, địa phương sẽ nhanh chóng giải quyết.

DN trên địa bàn huyện Cần Giuộc cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Ông Matt Kim - đại diện Cty TNHH Simon Việt Nam (hoạt động trong Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc), cho hay: Cty chuyên xuất khẩu các mặt hàng túi xách nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết thị trường nước ngoài đều đóng cửa. Khoảng 70% đơn hàng của Cty bị hủy, buộc phải giảm 20% lao động. Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát tốt, thị trường trong nước bắt đầu mở cửa trở lại. Tuy nhiên, thị trường thế giới vẫn chưa sẵn sàng. Cty mong muốn được lùi thời hạn nộp thuế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm giải pháp, thị trường phù hợp để khôi phục lại hoạt động.

Chung tay vượt khó

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, các DN khôi phục tình hình sản xuất, kinh doanh với mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Tại Long An, lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, triển khai các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ đến với các DN, hộ kinh doanh trên địa bàn. Địa phương chung tay với DN để nỗ lực vượt khó, sớm khôi phục lại sản xuất, kinh doanh như trước đây.

Đi đôi với phục hồi sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vẫn chú trọng phòng, chống dịch bệnh

Theo đại diện Cty TNHH TM SNK Infinity Hồng Hoa (xã Long An, huyện Cần Giuộc) - Trần Thị Thanh Thúy, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường. Hiện nay, Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt được dịch bệnh. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để DN có thể tiếp cận, nhất là nguồn vốn. Tỉnh cũng thông tin cơ chế, chính sách cũng như thủ tục, đầu mối cơ quan, thời gian để DN nắm bắt. Song song đó, chúng tôi cũng nỗ lực khắc phục những khó khăn để sản xuất, kinh doanh bình thường. Hiện nay, lượng hàng cũng như đơn hàng của Cty cơ bản xuất bán được, người lao động vẫn được làm việc đầy đủ. Tuy nhiên, đến tháng 6, nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp như hiện nay, Cty sẽ gặp khó về đơn hàng. Trước mắt, Cty đã liên hệ với các đầu mối cố gắng bảo đảm duy trì sản xuất. Về lâu dài, khi thị trường thế giới mở cửa trở lại, Cty sẽ tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường và đơn hàng để có thể phát triển sản xuất bền vững.

Theo thông tin từ UBND tỉnh, Long An luôn đồng hành và chia sẻ những khó khăn của DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra. UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN an tâm hoạt động. Trong thẩm quyền, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng giải quyết các kiến nghị, đề xuất của DN. Gói hỗ trợ DN theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ khi được hướng dẫn cụ thể, đầy đủ, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan trực tiếp phối hợp DN để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động; giúp các đơn vị hiểu rõ về biện pháp đối phó với dịch bệnh Covid-19, từ đó, an tâm ổn định sản xuất, bảo đảm vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất. UBND tỉnh đề nghị DN chủ động, tự chủ phương án kinh doanh, chung tay cùng UBND tỉnh, UBND các địa phương tiếp tục khắc phục khó khăn, đề ra giải pháp cụ thể kết hợp giữa Nhà nước và DN để cùng nhau phát triển./.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc thông tin, trước khó khăn của đại dịch, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chỉ đạo chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ có 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tập trung vào “5 mũi giáp công”. Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với dân số gần 100 triệu dân của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp sớm khôi phục các hoạt động, tăng năng suất, mở rộng quy mô sản xuất trong “trạng thái bình thường mới” như hiện nay. Đồng thời, ông chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương phải tập trung các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định tình hình sản xuất.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích