Tiếng Việt | English

12/12/2019 - 14:23

Vui buồn nghề làm bánh tráng

Nghề làm bánh tráng tại khu phố Nhơn Hòa, phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An đã có từ lâu đời. Đến nay, nơi đây chỉ còn khoảng 3 cơ sở làm bánh tráng và phải chịu sự cạnh tranh khắc nghiệt với mặt hàng này từ nhiều địa phương khác. Do đó, để sống được với nghề và giữ nghề truyền thống rất khó khăn.

Làm bánh tráng tại khu phố Nhơn Hòa, phường 5, TP.Tân An

Trao đổi với phóng viên, một chủ cơ sở cho biết, hiện nay, thu nhập từ nghề làm bánh tráng không cao, khó thu hút lao động trẻ. Gia đình còn bám trụ chủ yếu vì muốn giữ nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người thân.

Ông Lê Văn Hùng (65 tuổi, ngụ khu phố Nhơn Hòa) - làm việc tại cơ sở Bé Tư, chia sẻ: “Tôi làm nghề này từ nhỏ đến nay hơn 50 năm. Trước đây, do ít bị cạnh tranh nên sản phẩm bánh tráng Nhơn Hòa có giá cao, được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm bị cạnh tranh nhiều, thu nhập người làm công như chúng tôi chỉ khoảng 150.000 đồng/ngày”.

Được biết, do làm từ bột gạo nên bánh tráng Nhơn Hòa được các cơ sở làm gỏi cuốn ưa chuộng. Tuy nhiên, với những sản phẩm như bánh tráng trộn thì bị các cơ sở ở Tây Ninh (làm từ bột khoai mì) lấn lướt do sử dụng công nghệ hiện đại, chi phí nguyên liệu sản xuất thấp hơn.

Chị Bùi Thị Hồng đang phơi bánh tráng 

Chị Bùi Thị Hồng - cũng làm việc tại cơ sở Bé Tư cho biết thêm: “Mặc dù công việc không nặng nhọc nhưng phải làm liên tục, nhất là khâu phơi bánh, nếu đảo bánh không khéo và thường xuyên, không theo dõi kỹ độ nắng thì bánh sẽ hỏng”. 

Anh Bùi Văn Nhựt - Chủ cơ sở bánh tráng Út Nhựt, là một trong 3 anh em trong gia đình còn giữ nghề làm bánh tráng. Anh thông tin, làm bánh tráng có nhiều khâu như ngâm gạo, xay thành bột, đốt lò, tráng bánh, phơi,… mà trong đó, có những công đoạn chỉ người trong nghề mới làm được. Những người "có nghề" thì mới tráng bánh đẹp, phơi bánh nếu không khéo, đảo bánh không đúng thời điểm thì bánh bị bể, hư hỏng,…

Sản phẩm bánh tráng Nhơn Hòa vẫn được nhiều người ưa chuộng vì độ dẻo dai và hương vị bột gạo riêng

Hiện cơ sở của anh Út Nhựt thuê 4 nhân công, mỗi ngày làm ra từ 80 - 100kg bán tráng, bỏ mối chủ yếu cho cơ sở làm gỏi cuốn. Một số ít cơ sở làm bánh tráng trộn nhưng tiêu thụ không nhiều.

Hiện nay, anh Út Nhựt mua sắm một số máy móc để giảm thuê mướn công lao động. Tuy nhiên, do làm bánh tráng là nghề truyền thống nên anh vẫn phải sử dụng lò đốt thủ công. Anh chia sẻ: “Những người làm cho tôi chủ yếu là con cháu trong gia đình. Mình giữ nghề truyền thống để tạo công ăn việc làm người thân khỏi phải đi làm thuê. Bây giờ, củi đốt và giá gạo nguyên liệu ngày càng tăng, trong khi bánh tráng làm ra phải cạnh tranh với hàng từ miền Tây (cũng làm bánh tráng từ bột gạo) có giá thành rẻ hơn. Mình giữ khách chủ yếu nhờ chất lượng sản phẩm”.

Để cạnh tranh được với sản phẩm bánh tráng từ nơi khác, một số cơ sở làm bánh tráng ở khu phố Nhơn Hòa mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại như máy sấy bánh tráng (thay vì phơi nắng), sử dụng loại nguyên liệu giá rẻ, hoặc làm gia công bánh tráng trộn. Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn giữ cách làm truyền thống cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Anh Út Nhựt là một trong số đó, anh mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ mua máy móc và ngành thuế có giải pháp giảm thuế cho những người là nghề truyền thống như gia đình họ để khuyến khích người làm nghề sống được với nghề”./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết