Tiếng Việt | English

11/02/2020 - 18:50

Vùng biên khởi sắc

Hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi, đưa nước sạch về nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng,… góp phần cho đời sống người dân vùng biên xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An ngày càng khởi sắc.

Các bé Trường Mẫu giáo Thuận Bình tung tăng giờ ra chơi
Các bé Trường Mẫu giáo Thuận Bình tung tăng giờ ra chơi

Chúng tôi đến xã biên giới này vào những ngày đầu xuân, cảm nhận cuộc sống người dân nơi đây rất đỗi bình yên. Men theo con đường đất đỏ, qua khỏi trụ sở UBND xã, chúng tôi về ấp T3. Lộ đal này thẳng tắp, được xây dựng đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Hai bên đường là những rừng tràm, ruộng chanh xanh mướt. 

Thuận Bình vốn là đồng phèn, ruộng ngập sâu, trước đây người dân phải vất vả chạy ăn từng bữa. Người dân trong xã chủ yếu ở những nơi khác đến sinh sống và sản xuất: Bến Tre, Hải Dương, Hưng Yên,... nên cái nghèo luôn đeo bám họ. 

Theo Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Văn Tèo, trước đây, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào cây tràm, cây lúa không mấy hiệu quả. Bắt đầu từ năm 2010, địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sau khi đi tìm hiểu, nghiên cứu điều kiện tự nhiên cùng sự hướng dẫn của ngành chức năng, nông dân tại đây bắt đầu trồng chanh không hạt. Đây được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Vì vậy, hiện nay nếu ai có dịp trở lại Thuận Bình, chắc chắn không khỏi ngạc nhiên khi nơi đây mọc lên những căn nhà tươm tất,… Đó là minh chứng rõ rệt cho sự thay đổi của đời sống người dân biên giới. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 8%, hiện nay còn hơn 1%. 

Trạm cấp nước tại xã được đầu tư

Trạm cấp nước tại xã được đầu tư

Ông Lê Văn Mười, ngụ ấp Trà Cú, tự hào “khoe” với chúng tôi về ngôi nhà kiên cố cùng nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Ông nói: “Trước đây, gia đình tôi cũng như các hộ dân khác lo cái ăn, cái mặc còn khó, trong khi công việc làm ăn khó khăn. Được sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền đầu tư hệ thống đê bao khép kín và giới thiệu một số mô hình mới, kinh tế gia đình tôi dần ổn định. Nghĩ mình phải có trách nhiệm với quê hương, tôi và vài hộ dân khác tình nguyện hiến đất xây dựng nhà văn hóa ấp. Bây giờ, mỗi lần sinh hoạt, chúng tôi không phải mượn nhà dân để tổ chức như trước nữa”. 

Còn chị Phan Thị Thanh Nga chia sẻ, gia đình chị trước đây là hộ nghèo. Cả nhà không có đất sản xuất, đi làm mướn để nuôi con. Sau này chồng chị qua đời, một mình chị vất vả nuôi con ăn học. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình chị được hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, xét vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Bây giờ, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. 

Người dân chuyển đổi trồng chanh không hạt

Người dân chuyển đổi trồng chanh không hạt

Bí thư Đảng ủy xã Thuận Bình - Võ Văn Thức cho biết, nhờ sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, huyện, thời gian qua, Thuận Bình xây dựng được một số công trình ý nghĩa về đường, trạm cấp nước, trường học,… Đây cũng là tiền đề giúp địa phương hoàn thiện một số tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới. Tuy nhiên, so với các địa phương khác, 
Thuận Bình vẫn còn gặp khó khăn. Đó là việc xây dựng một số công trình công cộng, tuy người dân đồng tình, hưởng ứng nhưng vì chi phí đầu tư khá cao nên sức đóng góp còn hạn chế. Hiện nay, địa phương mong cấp trên quan tâm xây dựng Đường tỉnh 839, đoạn nối với Quốc lộ N2 để người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Riêng xã tiếp tục hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng các loại cây ăn trái phù hợp thổ nhưỡng, nạo vét kênh, mương phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Về lại Thuận Bình những ngày này, chúng tôi chứng kiến được sự thay đổi của xã vùng biên. Hy vọng rằng, với những kết quả đạt trong năm qua sẽ là tiền đề, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Bình tiếp tục vượt khó, phát triển đi lên./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết