Tiếng Việt | English

01/04/2019 - 11:16

Vùng biên nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Long An có gần 133km đường biên giáp 2 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng (Vương quốc Campuchia), đi qua 20 xã của 6 huyện, thị xã: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và Kiến Tường, tỉnh Long An. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực biên giới huy động mọi nguồn lực triển khai khá hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Với sự chung sức, chung lòng của người dân, bộ mặt nông thôn các huyện biên giới ngày càng khởi sắc

Với sự chung sức, chung lòng của người dân, bộ mặt nông thôn các huyện biên giới ngày càng khởi sắc

Vùng biên đổi mới

Sau nhiều năm triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, huyện Vĩnh Hưng có những bước chuyển biến rõ rệt. Diện mạo huyện biên giới dần khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải phấn khởi: “Đến nay, 80% đường xã trên địa bàn huyện được đầu tư nâng cấp, mở rộng, láng nhựa, bêtông hóa, ôtô đi lại thuận tiện quanh năm; hơn 79% đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa; gần 87% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Các công trình thủy lợi, chợ trung tâm xã, trường học, nhà văn hóa,... được xây dựng kiên cố, bảo đảm phục vụ giao lưu buôn bán, phát triển KT-XH. Đặc biệt, toàn huyện có 92% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động; 9/9 xã có hệ thống thủy lợi bảo đảm đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ”.

“Đạt những kết quả trên, trong quá trình XDNTM, huyện nhận được sự đồng thuận từ người dân; phát huy được thế mạnh của địa phương trong phát triển sản xuất gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đặc biệt, địa phương quan tâm tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; chọn đầu tư những cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng giảm giá thành, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thông qua việc ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập người dân (năm 2018 đạt 41 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2017), hộ nghèo giảm còn hơn 3%” - ông Nguyễn Huỳnh Hải chia sẻ thêm.

Bộ mặt nông thôn của thị xã Kiến Tường hôm nay có nhiều đổi mới; kết cấu hạ tầng thiết yếu được nâng cấp; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố và đời sống của người dân không ngừng cải thiện. Đến nay, toàn thị xã có 3/5 xã đạt chuẩn NTM (Bình Hiệp, Thạnh Hưng, Tuyên Thạnh), 2 xã còn lại (Thạnh Trị, Bình Tân) đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung mọi nguồn lực xây dựng để kịp về đích, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) là phấn đấu 100% xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM.

Đưa chúng tôi đi tham quan một số công trình xây dựng cơ bản đã và đang được đầu tư trên địa bàn xã biên giới, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân - Lâm Tấn Đạt thông tin: “Với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và người dân, đến nay, xã cơ bản đạt 18/19 tiêu chí XDNTM. Hiện địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế đạt 85% (năm 2018 đạt 81,04%) để hoàn thành chỉ tiêu bảo hiểm y tế, về đích NTM vào năm nay”.

Nhờ sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên, người dân, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được đưa vào ứng dụng tại xã biên giới Bình Tân bước đầu mang lại hiệu quả. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tăng dần; trường học từng bước được xây dựng mới đạt chuẩn; các công trình thủy lợi, đường giao thông xóm, ấp được nâng cấp, cải tạo và làm mới. Sản xuất nông nghiệp từng bước được cải thiện; an ninh nông thôn, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới được giữ vững.

Đời sống của người dân các huyện vùng biên ngày càng được cải thiện

Đời sống của người dân các huyện vùng biên ngày càng được cải thiện

“Trong quá trình XDNTM, việc tuyên truyền, vận động người dân phát huy tính chủ động, tích cực tham gia luôn được xã chú trọng, nhất là đối với những tiêu chí mà sự tham gia, vào cuộc của người dân là nhân tố quyết định như tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm,... Việc vận động người dân hiến đất, đóng góp công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương được xem là kinh nghiệm quý của địa phương trong việc huy động sức dân” - ông Lâm Tấn Đạt nhấn mạnh.

Còn lắm khó khăn

Mặc dù kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn của các địa phương biên giới có sự quan tâm đầu tư với khối lượng lớn nhưng mức độ đạt chuẩn của một số tiêu chí trong XDNTM hiện còn đạt thấp so với yêu cầu của Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư,... Nguyên nhân chủ yếu là do điểm xuất phát của các tiêu chí này thấp, nhu cầu đầu tư lớn, trong khi nguồn lực huy động trong dân, doanh nghiệp khu vực vùng biên không nhiều.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Vĩnh Hưng lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định xây dựng thành công 5/9 xã NTM vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, huyện chỉ đạt 2 xã, 3 xã nằm trong lộ trình (Thái Bình Trung, Vĩnh Thuận, Vĩnh Trị) hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là tiêu chí giao thông và nhà ở dân cư. Ngoài thiếu nguồn vốn đầu tư, việc giải phóng mặt bằng thi công một số tuyến đường giao thông không được thuận lợi, dẫn đến chậm tiến độ xây dựng; toàn huyện có 587 nhà tạm cần được xóa nhưng hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo nên cần phải có nguồn vốn hỗ trợ của địa phương.

Theo lộ trình, xã biên giới Thái Bình Trung sẽ về đích NTM vào năm 2018. Tuy nhiên, đến nay, xã vẫn còn 3 tiêu chí chưa đạt chuẩn: Giao thông, nhà ở dân cư, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Nguyễn Huỳnh Hải, để đạt chuẩn tiêu chí môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, sắp tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành tốt việc thu gom, xử lý chất thải rắn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đối với tiêu chí giao thông, nhà ở, địa phương cần có nguồn vốn gần 20 tỉ đồng để cứng hóa 100% đường trục ấp, liên ấp, bảo đảm ôtô đi lại thuận tiện quanh năm; xóa hơn 30 căn nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo.

Những hạn chế, tồn tại của thị xã Kiến Tường hiện nay là nhận thức của một số cán bộ, người dân về Chương trình mục tiêu Quốc gia về  XDNTM chưa đầy đủ, còn trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, chưa phát huy hết nội lực trong dân để thực hiện chương trình. Mặc dù đời sống của người dân có nâng lên nhưng vẫn còn gặp nhiều rủi ro trong sản xuất nông nghiệp; công tác đào tạo, dạy nghề còn hạn chế, tình trạng người lao động thiếu việc làm ở nông thôn vẫn còn nhiều,...

Cấp ủy, chính quyền xã biên giới Bình Tân, thị xã Kiến Tường tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, góp phần về đích xã nông thôn mới vào năm 2019

Cấp ủy, chính quyền xã biên giới Bình Tân, thị xã Kiến Tường tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, góp phần về đích xã nông thôn mới vào năm 2019

Thông tin từ UBND thị xã Kiến Tường, hiện nay, địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống quản lý, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM từ thị xã đến xã, ấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhất là phổ biến, quán triệt sâu, rộng các chủ trương, chính sách về XDNTM để cả hệ thống chính trị và người dân nắm vững, chủ động và tự giác tham gia XDNTM. Qua đó, góp phần xây dựng thêm 1 xã (Bình Tân) đạt chuẩn NTM; nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 46 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn dưới 3,6% vào năm 2019.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 60 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã biên giới: Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) và Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng). Việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Vì vậy, để thực hiện tốt chương trình này, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân phải quyết tâm, nỗ lực rất nhiều, giữ vững sự đồng thuận, thống nhất cao, cùng nhau đoàn kết một lòng, góp công, góp của, trí tuệ để xây dựng, phát triển xã đạt chuẩn NTM, hướng đến xây dựng thành công xã NTM nâng cao./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích