Tiếng Việt | English

02/09/2018 - 13:55

Vùng hạ hôm nay

Từng là địa bàn chiến lược của Mỹ - ngụy khi thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ, đất nước thanh bình, Cần Giuộc vươn mình phát triển, trở thành địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp.

Vùng hạ Cần Giuộc nay đã đổi khác với những vuông tôm mang lại cuộc sống ấm no cho người dân

Vùng hạ Cần Giuộc nay đã đổi khác với những vuông tôm mang lại cuộc sống ấm no cho người dân

Anh hùng trong thời chiến

Năm 1965, Mỹ thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ, ồ ạt đổ quân vào miền Nam hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Mỹ - ngụy thực hiện hàng loạt cuộc bố ráp trên quê hương Cần Giuộc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào “Quyết thắng giặc Mỹ” của Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam phát động, Đảng bộ Long An lãnh đạo phong trào “Toàn dân đánh giặc”. Với khí thế cách mạng, nhiều nơi trên địa bàn, bộ đội, du kích và nhân dân thi đua đạt các danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiểm (Năm Kiểm) - một trong những nhân chứng lịch sử trong chiến dịch 45 ngày đêm của quân và dân vùng hạ Cần Giuộc, nhớ lại: “Cuối năm 1966, đầu năm 1967, địch liên tiếp mở 2 chiến dịch lớn mang tên “Rạng Đông” và “Trận càn Tam giác sắt” lấy 6 xã của vùng hạ Cần Giuộc: Long Đức Đông (Long Hậu ngày nay), Phước Lại, Phước Vĩnh Đông, Tân Tập, Đông Thạnh và Phước Vĩnh Tây làm địa bàn trọng điểm với ý đồ chặn bước tiến công của ta vào Sài Gòn, đồng thời tìm diệt lực lượng cách mạng cũng như bình định vùng hạ Cần Giuộc. Từ ngày 05/6/1967 đến ngày 20/7/1967, địch huy động lực lượng quân sự với quy mô lớn gồm Lữ đoàn 2 - Sư đoàn 9 Mỹ, Trung đoàn 46 - Sư đoàn 25 ngụy cùng nhiều vũ khí và phương tiện cơ giới hiện đại đánh vào khu vực vùng hạ huyện Cần Giuộc nhằm xóa bỏ vùng giải phóng của ta. Trước tình thế khó khăn, nguy hiểm, quân và dân vùng hạ Cần Giuộc gồm Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, Đại đội 316 Cần Giuộc và du kích liên xã kiên cường, dũng cảm bám trụ địa bàn với phương châm “Bám chắc thắt lưng Mỹ mà đánh”. 45 ngày đêm kiên cường chiến đấu, quân và dân Cần Giuộc lập nên chiến công oanh liệt, diệt và làm bị thương hàng trăm lính Mỹ - ngụy, bắn rơi 21 máy bay, bắn chìm và cháy 12 tàu chiến, giữ vững vùng giải phóng. Riêng tại khu vực Cầu Kinh, ngày 05/6/1967, lực lượng của ta tổ chức phục kích, chiến đấu chặn đứng và đẩy lùi cuộc hành quân càn quét của địch, diệt hơn 200 tên lính Mỹ - ngụy, bắn rơi 4 máy bay và bắn chìm 3 tàu chiến”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiểm trong một lần giao lưu với thế hệ trẻ

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiểm trong một lần giao lưu với thế hệ trẻ

Chiến thắng Cầu Kinh trở thành chiến công hiển hách của quân và dân vùng hạ Cần Giuộc trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cổ vũ, khích lệ mạnh mẽ phong trào Toàn dân đánh giặc tại Long An. Đây cũng là chiến thắng quan trọng góp phần để Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” cho quân và dân Long An.

Đất anh hùng hồi sinh

Đất nước thống nhất, Cần Giuộc tập trung phát triển công nghiệp, thương mại. Người dân chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương. 

Trên con đường ấp 1, xã Phước Vĩnh Tây, ông Năm Kiểm dẫn chúng tôi đi một vòng quanh ấp. Vừa thắp nhang trong ngôi miếu nhỏ thờ các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh Cầu Kinh, ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về quá khứ. Theo ông Năm, ngày trước cả vùng này chỉ toàn dừa nước, đất bị nhiễm mặn, người dân không thể sản xuất. “Vậy mà, mười mấy năm sau chiến tranh, không còn nhận ra nơi đây từng là chiến trường ác liệt. Hố bom, rừng dừa nước năm nào nay trở thành những vuông tôm mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Đường về các xã vùng hạ như Phước Lại, Phước Vĩnh Đông, Long Hậu không còn khó khăn như trước. Địa phương cơ bản xóa cầu khỉ, rải đá, tráng bêtông các tuyến đường giao thông nông thôn. Máu xương của các thế hệ trước đổ xuống đổi lấy cuộc sống thanh bình, ấm no hôm nay” - ông Năm Kiểm cho biết. 

Theo Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Tây - Huỳnh Văn Trí, sau chiến tranh, địa phương là một trong những xã nghèo trọng điểm của tỉnh và được hỗ trợ từ Chương trình 135 (Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất lúa 1 vụ, năng suất thấp. Nhận thấy sản xuất lúa không thể đưa cuộc sống của người dân thoát nghèo, địa phương mạnh dạn khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, lấy con tôm làm mũi nhọn. Đến năm 2007, Phước Vĩnh Tây không còn trong danh sách các xã nhận hỗ trợ từ Chương trình 135. 

Khu vực Cầu Kinh, nơi từng diễn ra trận đánh 45 ngày đêm của quân và dân Cần Giuộc

Khu vực Cầu Kinh, nơi từng diễn ra trận đánh 45 ngày đêm của quân và dân Cần Giuộc

Hàng năm, Phước Vĩnh Tây thả nuôi khoảng 850ha tôm với tổng sản lượng khoảng 2.100 tấn. “Hiện nay, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Xã còn 3,2% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm” - Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Tây - Huỳnh Văn Trí thông tin.

Không riêng gì Phước Vĩnh Tây, nếu có dịp về vùng hạ Cần Giuộc hôm nay, chắc chắn mọi người sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến sự phát triển không ngừng của các địa phương từng một thời gian khó. Nếu như Long Hậu phát triển công nghiệp, đô thị với các dự án triệu đô thì Tân Tập là cửa ngõ vận tải chính của tỉnh với Cảng Quốc tế Long An và dần hình thành khu vực phát triển dịch vụ logistics trong tương lai.

Theo Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Nguyễn Văn Thiệp, KT-XH của huyện phát triển vượt bậc, cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - thương mại - nông nghiệp tiếp tục là hướng đi đúng. Hiện toàn huyện thu hút được 316 doanh nghiệp đến đầu tư, trong đó có 182 dự án FDI với số vốn trên 674 triệu USD và 134 dự án DDI với số vốn gần 20.300 tỉ đồng. Trong bước phát triển ấy có sự đóng góp rất lớn của các xã vùng hạ Cần Giuộc.

Với truyền thống anh hùng, Cần Giuộc hôm nay đang dần “thay da, đổi thịt”, hứa hẹn trở thành một trong những địa phương phát triển của tỉnh./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết