Tiếng Việt | English

09/03/2016 - 08:56

Vùng hạ “khát” nước ngọt

Trong nhiều năm nay, nước hợp vệ sinh luôn là vấn đề cấp thiết đối với người dân vùng hạ ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Long An. Hàng năm, đến mùa khô là hàng ngàn hộ dân phải đổi nước để sinh hoạt, một số hộ phải lấy nước ao hồ sử dụng trong khi vẫn biết chất lượng nước không đảm bảo.


Người dân sử dụng nước ao, hồ để sinh hoạt 

Thiếu nước “ngọt” nhiều năm

Đã nhiều năm nay, nhiều hộ dân ở xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, huyện Cần Đước phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Bà Trần Thị Dở, ngụ ấp Tây, xã Long Hựu Tây cho biết: “Sống tại nơi đây hơn 40 năm, chúng tôi mong muốn có nước sạch để sinh hoạt nhưng dường như đó chỉ là niềm mơ ước. Nước ngọt dùng để nấu ăn phải đổi từ ghe. Nước dùng để sinh hoạt hàng ngày, người dân nơi đây chủ yếu gánh nước ở ao về và lắng phèn trong những hồ, lu,.. để sử dụng. Vì vậy, khả năng phát sinh bệnh tật rất cao vì nguồn nước không đảm bảo vệ sinh”.

Cũng như bà Dở, anh Trần Thanh Trung ngụ cùng ấp chia sẻ: “Nhiều hộ gia đình xung quanh đây phải đổi nước ghe để sinh hoạt từ nhiều năm nay. Vào mùa khô, tình trạnh thiếu nước càng trầm trọng hơn. Chúng tôi mong chính quyền các cấp có giải pháp để đưa nước sạch về cho người dân sử dụng. Bên cạnh đó, việc trồng trọt và chăn nuôi của người dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Một năm, chúng tôi mới sản xuất được một vụ lúa, rau màu thì không trồng được, chăn nuôi cũng rất hạn chế, nhiều hộ chỉ nuôi được con trâu”.

Chủ tịch UBND xã Long Hựu Tây – Nguyễn Văn Út cho biết: “Toàn xã hiện có 2.653 hộ, nhưng chỉ có 50% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Do không có mạch nước ngầm nên dù xã đã tiến hành khoan giếng nhiều lần nhưng vẫn không có nước ngọt cho người dân sử dụng. Hầu hết người dân sử dụng nước ao, hồ,…hoặc đổi nước ngọt. Địa phương đang rất cần nhà nước hỗ trợ, đầu tư đường ống, hệ thống cung cấp nước ngọt, sạch cho người dân sử dụng”.


Người dân sử dụng nước ao hồ không đảm bảo chất lượng

Cũng như Cần Đước, tại các xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc, người dân cũng sống trong cảnh thiếu nước ngọt. Xã Phước Vĩnh Đông cũng là một trong những xã vùng hạ của huyện thường xuyên thiếu nước “trầm trọng” vào các mùa khô, anh Nguyễn Hoàng An, ngụ tại địa phương than thở: “Đây là vùng đất thường xuyên nhiễm mặn, nhiễm phèn nên việc thiếu nước sinh hoạt là chuyện thường ngày. Người dân ở đây không đủ nguồn nước ngọt, thường thì chỉ có nước ngọt sử dụng vào khoảng tháng 7 đến đầu tháng 9 âm lịch hàng năm. Những tháng còn lại trong năm, nước thường xuyên nhiễm mặn nên không thể sử dụng được. Dù ở xã cũng có những giếng khoan nhưng hầu như đều bị nhiễm mặn, khó mà sử dụng để sinh hoạt hàng ngày”. Mặc dù người dân các xã vùng hạ đổi nước sạch về sử dụng nhưng trên thực tế, chất lượng nước cũng rất thất thường.

Theo phản ánh của nhiều người dân, từ nhiều năm nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô luôn là vấn đề bức xúc của nhân dân và chính quyền nơi đây. Mỗi năm đều có các đoàn, các tổ chức xã hội đến khảo sát để có phương án giải quyết tình trạng thiếu nước cho người dân nhưng đến nay vẫn là bài toán khó, không có lời giải.

Chất lượng nước ao, hồ không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân

Cần đầu tư hệ thống cung cấp nước

Hiện nay, để đáp ứng như cầu nước ngọt cho các xã của các huyện vùng hạ, tỉnh đã chú trọng kêu gọi đầu tư hệ thống cấp nước. Tại huyện Cần Giuộc, Công ty Cổ phần (CP) Nước và Môi trường Bằng Tâm tiến hành xây dựng dự án: “Đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch cho 5 xã vùng hạ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An” tại ấp Tây Phú, xã Long Phụng. Hiện đơn vị đầu tư đang tiến hành xây dựng nhà máy cấp nước tại xã Long Phụng, giai đoạn 1, đáp ứng một phần nhu cầu dùng nước của người dân tại xã Long Phụng, Đông Thạnh, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây và Tân Tập, đồng thời đáp ứng nhu cầu cho các khu cảng, khu công nghiệp và các khu dân cư. Công suất dự kiến giai đoạn 1 của nhà máy là 2.400 m3/ngày đêm, dự kiến dự án hoàn thành trong năm 2016.

Tại huyện Cần Đước, Bí thư Huyện ủy – Nguyễn Việt Cường cho biết: “Trước tình hình trên, huyện đã hoàn thành thủ tục thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán công trình đưa nước về cho 4 xã vùng hạ: Tân Lân, Phước Đông, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây. Lộ trình triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2020. Đối với những vùng dân cư sống tập trung có nguồn nước sinh hoạt đã và đang bị ô nhiễm, ưu tiên đầu tư công trình cấp nước tập trung 1 xã hoặc liên xã; đối với những vùng dân cư sống phân tán đầu tư loại hình công trình bể chứa nước mưa. Trong năm 2016, hỗ trợ đường ống đưa nước từ xã Tân Trạch về xã Long Sơn, nâng cấp giếng ấp 4-6 xã Tân Ân; năm 2017, nâng cấp trạm bơm nước ấp Long Hưng, xã Long Hựu Tây, công trình cấp nước ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, công trình cấp nước xã Phước Tuy; năm 2018 thực hiện công trình cấp nước xã Long An; năm 2020 tập trung công trình cấp nước tập trung liên xã Tân Chánh, Phước Tuy.”

Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Long An – Phạm Quốc Thắng cho biết: “Hiện nay, nhu cầu cung cấp nước ngọt tại các huyện vùng hạ là rất cần thiết. Trước tình hình trên, công ty liên doanh với Công ty CP Nhựa Đồng Nai, Công ty CP Nhựa Đồng Nai Miền Trung thành lập tổ chức kinh tế Công ty CP đầu tư hạ tầng nước DNP-Long An để đầu tư dự án Nhà máy nước Nhị Thành tại huyện Thủ Thừa. Mục tiêu dự án là khai thác, xử lý và cung cấp nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất, công nghiệp cho các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và khu vực lân cận. Công suất nhà máy là 60.000m3/ ngày đêm và được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2015-2017 công suất 30.000m3/ ngày đêm; giai đoạn hai từ năm 2018-2020 công suất 30.000 m3/ngay đêm. Tổng vốn đầu tư là 500 tỉ đồng. Dự án hoàn thành sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho địa phương về kinh tế, xã hội”.

Lê Huỳnh – Hùng Thanh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích