Tiếng Việt | English

26/01/2020 - 12:04

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Đầu tàu kinh tế ngày càng phát triển năng động

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam phát triển năng động, có tỷ trọng đóng góp lớn nhất, đầu tàu về kinh tế của cả nước. Đây là động lực thúc đẩy mỗi địa phương trong vùng phát triển.

Long An luôn cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động

Long An luôn cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động

Động lực phát triển

Ngày 19/7/2019, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 19/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng cường và phát triển bền vững vùng KTTĐ phía Nam. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng tập trung các mục tiêu, giải pháp nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững cho toàn vùng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, đây là vùng kinh tế phát triển năng động, có tỷ trọng đóng góp lớn nhất cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các ngành công nghiệp dịch vụ có lợi thế tạo ra giá trị gia tăng cao. Vùng này là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với hơn 15.000 dự án FDI còn hiệu lực, có 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động,… cùng với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế lớn. Đây là những điều kiện thuận lợi và động lực thúc đẩy mỗi địa phương trong vùng phát triển. 

TP.HCM chính là đầu tàu, hạt nhân trung tâm của cả vùng. Những năm qua, TP.HCM không ngừng phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, là thành phố văn minh, hiện đại mang tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á. Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (thuộc Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - Nguyễn Như Triển, vùng KTTĐ là vùng kinh tế động lực đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước và khu vực. Trong đó, TP.HCM chính là trung tâm, hạt nhân của toàn vùng. Các địa phương trong vùng có nhiều điều kiện liên kết, từ đó, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các địa phương.

Là một tỉnh trong vùng KTTĐ, Bình Dương ngày càng thay đổi toàn diện, KT-XH không ngừng phát triển qua từng năm. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - Trần Thanh Liêm chia sẻ, vùng KTTĐ chính là động lực cho các địa phương phát triển, trong đó có tỉnh Bình Dương. Nhiều năm qua, Bình Dương luôn chủ động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp đến đầu tư và đổi mới, sáng tạo. Tỉnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng KT-XH, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương thành thành phố thông minh. 

Năm 2019, tỉnh có thêm gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp mới đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp có lượng đơn hàng đến cuối năm 2019 tăng từ 5-10% so cùng kỳ năm 2018. Toàn tỉnh có hơn 40.000 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký gần 350.000 tỉ đồng; gần 3.700 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 35 tỉ USD.

Hiện nay, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, có giải pháp phù hợp giải quyết các tồn đọng phức tạp, kéo dài, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Song song đó, tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, góp phần xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, thu hút đầu tư, giới thiệu hình ảnh Bình Dương đến bạn bè quốc tế.

Long An từng bước khẳng định vị trí 

Long An có vị trí thuận lợi, "cầu nối" giữa TP.HCM và miền Đông Nam bộ với Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn và là tỉnh nằm trong Vùng KTTĐ phía Nam. Những năm qua, KT-XH của tỉnh không ngừng phát triển và từng bước khẳng định vị trí trong vùng KTTĐ nói riêng, cả nước nói chung. 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An được đánh giá cao hơn mức trung bình chung của cả nước và là tỉnh có môi trường đầu tư hấp dẫn bởi vị trí địa lý thuận lợi cùng những cơ chế, chính sách thu hút ưu đãi, thông thoáng. Theo Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Khai thác và Quản lý khu công nghiệp Đặng Huỳnh (chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc) - Nguyễn Văn Bảnh, Long An có vị trí thuận lợi với hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, môi trường đầu tư luôn được cải thiện, thông thoáng. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình hoạt động. Chúng tôi chọn Long An để đầu tư là một quyết định đúng đắn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An được đánh giá cao hơn mức trung bình chung của cả nước và là tỉnh có môi trường đầu tư hấp dẫn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh thông tin, KT-XH của tỉnh phát triển mạnh mẽ qua từng năm, năm sau luôn cao hơn năm trước. Tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển, nhất là phát triển công nghiệp. Từ năm 1997 đến nay, tỉnh có 28 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp, trong đó có 16 khu, 21 cụm đi vào hoạt động. Lấp đầy 89,7% đối với khu, hơn 85% đối với cụm. Tỉnh thu hút hơn 1.000 dự án FDI, hơn 1.900 dự án có vốn đầu tư trong nước. Toàn tỉnh hiện có hơn 11.000 doanh nghiệp. Quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được phân bố hợp lý, có lợi thế về đường bộ lẫn đường sông, quy hoạch cảng biển cho phép tiếp nhận tàu cỡ lớn khoảng 70.000 tấn. Nhà xưởng xây sẵn là một thế mạnh của các khu công nghiệp trên địa bàn.

“Long An từng bước khẳng định vị trí trong Vùng KTTĐ phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Với chủ trương tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, an toàn, hiệu quả, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tập trung hoàn chỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động. Thời gian tới, KT-XH của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa và có vai trò, vị trí nhất định trong vùng cũng như cả nước” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh nhấn mạnh./.

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 địa phương: Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và TP.HCM. Vùng này là trung tâm kinh tế năng động, có tỷ trọng đóng góp lớn nhất cả nước. Toàn vùng thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với hơn 15.000 dự án FDI còn hiệu lực, có 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động,... cùng với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế lớn.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết