Tiếng Việt | English

24/01/2020 - 16:55

Vượt khó phát triển, giữ yên biên giới

Thời gian qua, huyện biên giới Đức Huệ có nhiều thay đổi, phát triển mới về KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh. Trao đổi với phóng viên (PV) Báo Long An, Bí thư Huyện ủy - Phạm Văn Trấn chia sẻ, đó sẽ là nền tảng, động lực mở ra nhiều kỳ vọng cho địa phương phát triển nhanh chóng hơn.

Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Phạm Văn Trấn (thứ 3, phải qua) thăm vùng chuyên canh trồng chanh

► PV: Xin ông cho biết một vài kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH của huyện?

Ông Phạm Văn Trấn: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, năm 2019, huyện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu. Thu ngân sách vượt dự toán tỉnh giao (năm 2019 đạt 157,6% dự toán tỉnh giao). Công trình trọng điểm Nâng cấp, láng nhựa đường cặp kênh Bà Mùi (xã Mỹ Thạnh Bắc) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. 

Vùng sản xuất chuyên canh cây lúa chất lượng cao ở các xã: Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Tây, Mỹ Bình, Bình Thành, Bình Hòa Bắc hơn 1.300/1.200ha. Vùng sản xuất chuyên canh cây chanh ở các xã: Bình Hòa Nam, Bình Thành hơn 1.800/2.000ha. Vùng chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao được tập trung thực hiện ở các xã: Mỹ Quý Đông, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Tây, Bình Hòa Bắc, Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Bình với số lượng 11.000 con; trong đó, số lượng trực tiếp tham gia chương trình (hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình) hơn 1.000 con.

Chanh đang mang lại giá trị kinh tế cao ở huyện

 

Trên địa bàn huyện có 1 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghệ cao cho bò sữa, 5 nhà máy sản xuất gạch, 3 nhà máy điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động. Huyện tập trung xây dựng xã Mỹ Thạnh Đông đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Toàn huyện có 14/31 trường đạt chuẩn quốc gia. Hộ nghèo ngày càng giảm, từ 11,5% (năm 2016) còn 6,25% (năm 2019). 

► PV: Là huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp, vậy tình hình thu hút đầu tư trong lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Trấn: Trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Huy Long An trồng chuối già Nam Mỹ ứng dụng công nghệ cao với diện tích 150ha tại xã Mỹ Bình và Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu và xuất khẩu gạo thơm Ita-rice (lúa thơm). Đồng thời, có 2 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chuẩn bị triển khai thực hiện ở Khu C, thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây. Đó là dự án sản xuất, nhân và lai giống vật nuôi với diện tích 100ha của Công ty TNHH San Hà và dự án nuôi trồng, chế biến, bảo quản nông sản với diện tích 150ha của Công ty Cổ phần SNCD.

Đức Huệ đang phát triển vùng chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao

► PV: Ông có thể cho biết những khó khăn trong phát triển KT-XH của huyện hiện nay là gì?

Ông Phạm Văn Trấn: Đời sống người dân còn khó khăn, tập quán canh tác chậm thay đổi, chưa quen với ứng dụng công nghệ cao. Việc mời gọi doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực kinh tế bao tiêu sản xuất chưa nhiều, liên kết sản xuất còn nhiều lúng túng, kết quả chưa cao. Thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ còn khó khăn,…

Những “nút thắt” trong sự phát triển KT-XH của địa phương là điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi. Hạ tầng giao thông dù được quan tâm đầu tư, có nhiều thay đổi nhưng vẫn thiếu những tuyến đường mang tính kết nối vùng. Các tuyến giao thông chính trên địa bàn huyện đầu tư chưa đồng bộ về tải trọng cầu, đường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, hộ nghèo còn cao, ngân sách huyện thu chưa đủ chi, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp khó về thị trường tiêu thụ,...

Vùng sản xuất chuyên canh cây lúa chất lượng cao ở huyện hơn 1.300ha

► PV: Bên cạnh những khó khăn nêu trên thì huyện có những thuận lợi và tiềm năng, thế mạnh gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Trấn: Huyện có vị trí địa lý thuận lợi, kết nối các trung tâm kinh tế của vùng Đồng Tháp Mười với thành phố Tân An (Long An), TP.HCM và Tây Ninh. Đất đai còn tiềm năng lớn, hệ thống thủy lợi tiếp nhận nguồn nước ngọt bổ sung từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) thuận lợi trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và Khu Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh thuận lợi trong việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu và phát triển du lịch,... Huyện rất kỳ vọng, thời gian tới sẽ mời gọi, thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Huyện còn được nhà đầu tư điện năng lượng mặt trời chọn làm điểm đến

► PV: Thưa ông, là huyện biên giới, vậy công tác quốc phòng - an ninh được quan tâm chỉ đạo, thực hiện như thế nào?

Ông Phạm Văn Trấn: Đức Huệ có 5 xã biên giới tiếp giáp huyện Chanh Tria, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia (có đường biên giới dài 25,39km). Thời gian qua, huyện luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện và từng bước chính quy, hiện đại. 

Huyện thực hiện tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu phòng thủ. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng vững mạnh, rộng khắp đạt tỷ lệ theo quy định, hàng năm, giao quân đạt 100% chỉ tiêu trên giao. Huyện xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Trên tuyến biên giới xây dựng được những phong trào, mô hình bảo vệ đường biên, cột mốc, phòng, chống tội phạm phát huy hiệu quả, được người dân nhiệt tình tham gia. Năm 2019 được sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của cấp trên, có 5 căn nhà liền kề chốt dân quân xã Mỹ Quý Tây được xây dựng. 

Bộ đội biên phòng tuần tra biên giới

► PV: Xin ông cho biết thêm về công tác đối ngoại với địa phương đối diện bên nước bạn Campuchia?

Ông Phạm Văn Trấn: Huyện thực hiện tốt chủ trương huyện kết nghĩa với huyện biên giới, xã kết nghĩa với xã biên giới. Chính quyền, lực lượng hai bên thường xuyên tổ chức giao ban, đối ngoại quí, năm, định kỳ và đột xuất; thăm hỏi, giao lưu văn hóa - văn nghệ nhân các dịp lễ, tết, tổ chức đoàn khám bệnh miễn phí cho người dân nước bạn. Cùng với những hoạt động trên, lực lượng vũ trang hai bên thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong tuần tra, kiểm soát, bảo vệ đường biên, mốc giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, duy trì và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nhân dân hai bên biên giới sống đoàn kết và thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ nhau về kỹ thuật sản xuất, góp phần xây dựng và bảo vệ đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

► PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Vy (thực hiện)

Chia sẻ bài viết