Tiếng Việt | English

13/04/2018 - 01:20

Vượt khó, thoát nghèo

Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể cùng sự nỗ lực vượt khó vươn lên của bản thân, nhiều hộ thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Vươn lên từ “bàn tay trắng”

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên khi lập gia đình, bà Võ Thị Nghiêm, ngụ ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An không có tài sản gì đáng giá. Cũng vì lẽ đó mà vợ chồng bà luôn chí thú làm ăn. Trong xóm, ai mướn làm gì, vợ chồng bà đều cố gắng làm, không kể việc nặng hay nhẹ, sớm hay tối.

Trong lúc khó khăn, chồng bà “dứt áo” ra đi theo người phụ nữ khác. Mọi gánh nặng, lo toan trong gia đình đổ dồn trên đôi vai của bà khi phải một mình nuôi 3 người con trong độ tuổi ăn học. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ bà bỏ cuộc.

Đi lên từ “bàn tay trắng” nhưng nhờ cần cù, chịu khó, gia đình bà Võ Thị Nghiêm hiện ổn định và thoát nghèo vào đầu năm 2018

Đi lên từ “bàn tay trắng” nhưng nhờ cần cù, chịu khó, gia đình bà Võ Thị Nghiêm hiện ổn định và thoát nghèo vào đầu năm 2018

Hàng ngày, bà đi bán vé số, tối về nhận gia công hạt điều để có tiền trang trải cuộc sống. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Nghiêm, chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho bà vay vốn chăn nuôi heo và có những chính sách hỗ trợ các con bà trong học tập. Từ đó, bà Nghiêm không ngừng phấn đấu vươn lên.

Đi lên từ “bàn tay trắng”, nhưng nhờ tính cần cù, chịu thương, chịu khó, cuộc sống gia đình bà Nghiêm hiện ổn định và thoát nghèo vào đầu năm 2018. Bà Nghiêm chia sẻ: “Con trai lớn của tôi vừa theo học nghề điện, vừa đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Niềm vui lớn nhất của tôi bây giờ là các con trưởng thành".

Không đầu hàng số phận

Cách đây hơn chục năm, gia đình bà Phạm Thị Nguyệt và ông Lê Văn Danh, ngụ khu phố 2, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, phải “chạy ăn từng bữa”. Không có đất sản xuất, gia đình 5 nhân khẩu sống chủ yếu dựa vào việc làm thuê của ông bà. Chính vì thế mà cái nghèo luôn đeo bám gia đình bà. Căn nhà lá lụp xụp, dựng tạm trên mảnh đất của người em cũng dột nát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Đứng trước bao khó khăn nhưng chưa bao giờ vợ chồng bà đầu hàng số phận. Bất kể công việc nặng nhọc nào, vì mưu sinh vợ chồng bà không hề ngại khó, ngại khổ.

Bà Phạm Thị Nguyệt trồng thêm rau sống quanh nhà để có thêm thu nhập

Bà Phạm Thị Nguyệt trồng thêm rau sống quanh nhà để có thêm thu nhập

Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, gia đình bà được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay vốn ưu đãi. Từ số tiền 9 triệu đồng vay được, bà trả hết số nợ và tập trung làm ăn. Đây là động lực để gia đình bà phấn đấu vượt lên số phận.

Mỗi ngày, bà cùng chồng đi trồng khoai, làm cỏ mướn. Số tiền kiếm được tuy không nhiều, chỉ hơn 200.000 đồng/ngày nhưng nhờ chi tiêu hợp lý, dần dần vợ chồng bà mua được mảnh đất nhỏ, xây dựng căn nhà cấp 4 và thoát nghèo bền vững.

Hiện, cuộc sống gia đình bà cơ bản ổn định, các con trưởng thành và có gia đình riêng. “Tôi rất vui khi xây dựng được căn nhà kiên cố, che nắng, mưa. Hiện giờ, ngoài làm giúp việc nhà, tôi còn trồng thêm rau, mía, chuối quanh nhà để bán kiếm thêm thu nhập. Tôi không còn mong gì hơn ngoài việc có sức khỏe tiếp tục lao động, kiếm thêm thu nhập để cuộc sống tốt hơn” - bà Nguyệt cho biết thêm.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Thạnh Hóa - Nguyễn Thị Nhiên cho biết: “Bà Nguyệt luôn nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững và trở thành tấm gương cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Trong công tác hội, bà rất nhiệt tình, khi có hội viên gặp khó khăn, bà Nguyệt đều sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ”.

Từ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể cùng tinh thần vượt khó, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương./.

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết