Tiếng Việt | English

21/08/2015 - 18:55

Vượt khó vào đại học: Học để cứu lấy mình

Các bạn là học sinh nghèo ở những vùng núi xa xôi của Quảng Nam, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh khác nhau nhưng giữa muôn bề thiếu thốn ai cũng ý thức chỉ có học tập mới cứu được chính mình.


Cẩm Tuyên hăng hái ra đồng nhổ cỏ lúa giúp cha - Ảnh: Tấn Lực

Niềm hi vọng về tương lai tươi sáng là động lực thúc giục những bước chân vượt khó đến trường.

Lội suối trèo đèo

Con suối trước nhà Hồ Thị Cẩm Tuyên (thôn Dương Phú, xã Trà Dương, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) trôi êm đềm làm người lạ có cảm giác thật hiền hòa, ít ai biết cô học trò Cẩm Tuyên đã vật lộn với con suối ấy 12 mùa nước lũ để có được kết quả thi THPT quốc gia khối B 26,5 điểm hôm nay.

Căn nhà nhỏ của Cẩm Tuyên nằm vắt vẻo trên ngọn đồi, hướng ra con đường đá cuội quanh co xuyên qua dòng suối trước khi rẽ vào đường liên xã gập ghềnh dài 14km dẫn về huyện lỵ. 12 năm đi học, em không nhớ nổi mình đã bao lần cuốc bộ đến trường trên con đường ấy, chỉ biết là chưa nghỉ một ngày.

Mùa nước lũ nước dâng cao réo cuồn cuộn, mặc cha mẹ khuyên ngăn, Cẩm Tuyên gói ghém sách vở, quần áo vào bao nilông lội suối đi học. Hôm nào nước lớn không về được, Cẩm Tuyên xin ở tạm nhà hàng xóm chờ cha mẹ mang quần áo sang thay rồi tiếp tục đến trường. Nhiều bạn bè xóm em từ lâu đã bỏ cuộc trên con đường học chữ, tiếp tục nghề nông của cha mẹ hoặc đi làm thuê.

Ông Hồ Xuân Cư, cha em, khoe có thể đem giấy khen của mấy đứa con dán kín bốn bức tường căn nhà đang ở, không ít trong đó là bằng khen học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhà ông có ba đứa con và tất cả đều học giỏi, ông hài hước nhận mình là người “giàu có” nhất làng với tài sản là ba đứa con ham học.

Trước kia dù khó khăn nhưng gia đình ông cũng có cuốn sổ nghèo, chi phí học hành của con được Nhà nước lo, phần ông chỉ lo cái ăn cái mặc. Năm 2000, thấy ông dựng được căn nhà mái tôn 30m2, chính quyền địa phương cắt luôn hộ nghèo vì lý do... đã có nhà xây kiên cố. Từ đó năm miệng ăn và học phí ba đứa con chỉ còn bám vào ba sào lúa rẫy và hai sào mì.

Hết mùa làm mấy cha con xin đi nhổ mì, cạo vỏ keo khắp nơi kiếm tiền đong gạo và nộp học phí. Hai vợ chồng đau ốm triền miên không dám đi bác sĩ mà chỉ mua thuốc giảm đau uống cầm chừng, sợ khám đổ bệnh rồi không lo được cho các con.

Hôm chúng tôi đến nhà gặp Cẩm Tuyên đi lột vỏ keo cho các chủ rừng vừa về tới. Mỗi ngày làm việc chăm chỉ em được trả công 120.000 đồng. Em khoe từ hôm thi về đến nay đã để dành được gần 2 triệu đồng để phụ vào nhập học.

Ngày nào cũng làm việc với búa, rựa làm đôi bàn tay nhỏ nhắn của em đỏ ửng với những nốt chai sần, nhưng em nói làm quen rồi nên không thấy đau như trước nữa. Những buổi không có việc làm em ra đồng giúp cha mẹ nhổ cỏ lúa, thu hoạch mì. Em chia sẻ những ngày còn ở nhà cố gắng đỡ đần cha mẹ để khi đi xa bớt lo lắng.

Nộp đơn vào ngành bác sĩ đa khoa Đại học Y dược Huế, Cẩm Tuyên muốn thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho cha mẹ và bà con quê mình. Em cho biết khi ra thành phố học sẽ tìm việc làm thêm để tự trang trải chi phí đỡ đần cha mẹ và cố gắng học giỏi ra trường đi làm nuôi các em.


Mai Thu Thảo chăm sóc đàn gà bà ngoại cho để bán lấy tiền nhập học - Ảnh: Tấn Lực

Học để khỏi 
phụ lòng ngoại

Tin cô học trò đặc biệt Mai Thu Thảo, lớp 12/1 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam), đạt 28,25 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua làm cho thầy cô và gia đình hết sức bất ngờ. Năm 15 tuổi, cha mẹ Thu Thảo ly hôn đi tìm hạnh phúc mới, căn nhà đang ở bị bán chia đôi.

Mất nhà, cha mẹ ly tán, em về ở cùng bà ngoại đã ngoài 75 tuổi. Từ đó bà cháu nương tựa nhau rau cháo qua ngày, tằn tiện được ít tiền bán gà bán heo bà lại để dành cho cháu nộp tiền học, mua sách vở. Thương ngoại và thương số phận mình, Thu Thảo lao vào học mong tìm tương lai, quên nỗi buồn quá khứ. Suốt 12 năm học, năm nào em cũng là học sinh xuất sắc, các giải thưởng lớn của trường đều về tay em. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay em đạt điểm cao nhất trường.

Bà Nguyễn Thị Liên, bà ngoại Thu Thảo, mắt rưng rưng nói về đứa cháu bất hạnh: “Cha mẹ nó ai đi đường nấy, bây giờ nó phải bám mình chứ biết bám ai. Thấy cháu chăm học kêu bỏ thì thương mà vương thì tội. Tôi thì đã già hết khả năng nuôi dưỡng, không biết có sống tới ngày nó nhận bằng hay không. Cầu trời rủ lòng thương mà đùm bọc cho nó!”.

Quyết tâm trở thành nhà kinh doanh để thoát kiếp nghèo, Thu Thảo nói: “Hoàn cảnh của em buộc em phải cố gắng vượt qua. Em không thể chấp nhận cuộc sống nghèo khó và cũng không thể phụ công ơn của bà ngoại”. Nhưng con đường phía trước của em còn quá nhiều chông gai, nỗi lo cơm áo gạo tiền ở thành phố xa lạ luôn thường trực trong đầu cô gái nhỏ.

Thu Thảo dự tính sau khi nhập học sẽ làm gia sư hoặc xin việc tại các quán cà phê để kiếm tiền học và cố gắng giành học bổng trang trải chi phí giúp ngoại. “Em nghĩ thời gian tới sẽ rất khó khăn, nhưng em chịu khó quen rồi, em nghĩ nếu mình cố gắng hết sức thì trời cũng không đến nỗi phụ lòng mình đâu!” - Thu Thảo nói.

“Suốt ba năm học THPT, Cẩm Tuyên luôn là học sinh đứng đầu khối, em học giỏi toàn diện các môn và luôn có mặt trong các hoạt động ngoại khóa của trường. Với một trường miền núi khó khăn như Bắc Trà My thì thành tích học tập như vậy là thật sự ấn tượng”.

Thầy Nguyễn Thanh Tú (hiệu trưởng Trường THPT 
Bắc Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam)

“So với bạn bè cùng trang lứa thì Thu Thảo có nhiều thiệt thòi, nhưng em đã biết vượt qua nghịch cảnh để đạt được thành tích có điểm thi cao nhất trường. Nếu tiếp tục giữ vững tinh thần cộng với nghị lực và kiến thức sẵn có thì chắc chắn em sẽ còn thành công lớn trong tương lai”.

Thầy Cái Văn Hùng (phó hiệu trưởng Trường THPT 
Huỳnh Thúc Kháng, huyện Tiên Phước, Quảng Nam)

Tấn Lực/Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích