Tiếng Việt | English

25/03/2019 - 10:33

WHO kêu gọi cộng đồng thế giới nỗ lực chấm dứt bệnh lao

WHO kêu gọi chính phủ các nước, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và các đối tác cùng thực hiện phương châm “Phát hiện-Điều trị-Tất cả-Chấm dứt bệnh lao” nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Bệnh nhân lao điều trị tại một bệnh viện ở Malakal, Nam Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết “chủ đề của Ngày thế giới lao năm nay là đã đến lúc chấm dứt bệnh lao.”

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại New York, nhân dịp Ngày phòng chống lao thế giới 24/3 năm nay, WHO kêu gọi chính phủ các nước, các cộng đồng bị ảnh hưởng bệnh lao, các tổ chức xã hội dân sự, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và các đối tác cùng nhau thực hiện phương châm “Phát hiện-Điều trị-Tất cả-Chấm dứt bệnh lao” nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo WHO, bệnh lao không chỉ là bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên thế giới, mà nó còn là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở những người nhiễm HIV và là nguyên nhân chính gây tử vong liên quan đến kháng kháng sinh.

Mỗi năm, bệnh lao cướp đi sinh mạng của gần 4.500 người và lây nhiễm cho gần 30.000 người khác. Kể từ năm 2000, những nỗ lực của cộng đồng thế giới nhằm chống lại căn bệnh lao, đã cứu sống khoảng 54 triệu người và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lao xuống còn 42%.

Tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc lần đầu tiên về phòng chống bệnh lao tháng 9/2018, nguyên thủ các nước đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ nhằm chấm dứt căn bệnh này.

Tổng Giám đốc WHO cho biết đã “nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết để biến các cam kết tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về bệnh lao năm 2018 thành các hành động thực tiễn nhằm đảm bảo cho mọi bệnh nhân mắc lao đều có thể nhận được sự chăm sóc, điều trị.”

Trước đó, WHO cũng đã ban hành hướng dẫn mới nhằm cải thiện việc điều trị bệnh lao đa kháng thuốc và đưa ra các khuyến nghị, bao gồm các hành động liên ngành để theo dõi và xem xét sự tiến triển; ưu tiên lập kế hoạch và thực hiện các can thiệp bệnh lao; và một lực lượng đặc nhiệm vụ đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của xã hội dân sự.

Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của WHO Tereza Kasaeva cho biết “đây là một tập hợp các hành động thực tế mà các quốc gia có thể tiến hành để đẩy nhanh tiến độ và hành động theo các cam kết được đưa ra tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc lần đầu tiên về bệnh lao hồi tháng Chín năm ngoái.”

Ngày phòng chống lao thế giới 24/3, là dịp để cộng đồng thế giới nâng cao nhận thức về hậu quả tàn khốc đối với sức khỏe, xã hội và kinh tế của bệnh lao, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt căn bệnh toàn cầu này.

Ngày 24/3/1882, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử y học, khi bác sỹ Robert Koch tuyên bố đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh lao - mở đường cho việc chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh truyền nhiễm này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết