Tiếng Việt | English

04/04/2020 - 20:43

WHO: Nguy cơ tái bùng phát Covid-19 nếu vội vã dỡ bỏ “giãn cách xã hội”

Tổng giám đốc WHO kêu gọi các nước cần thận trọng, tránh vội vã trong việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trong cuộc chiến với Covid-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua (3/4) có cuộc họp báo về tình hình dịch Covid-19 khi số người mắc bệnh trên toàn cầu đã vượt qua con số 1 triệu người bao gồm hơn 50.000 người tử vong. Trong bối cảnh một số quốc gia được cho là kiểm soát dịch tốt vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ tái bùng phát trở lại, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước cần thận trọng, tránh vội vã trong việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội.

Tổng giám đốc WHO kêu gọi các nước cần thận trọng, tránh vội vã trong việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trong cuộc chiến với Covid-19. Ảnh: Reuters

Tổng giám đốc WHO kêu gọi các nước cần thận trọng, tránh vội vã trong việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trong cuộc chiến với Covid-19. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Ghebreyesus cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay đã vượt xa của một cuộc khủng hoảng y tế với những tác động kinh tế và xã hội của đại dịch. Biện pháp hạn chế mà các nước đang áp đặt để chống dịch đang ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các cá nhân, gia đình, các nền kinh tế và các quốc gia. Để sớm chấm dứt những tác động kéo dài này, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh các biện pháp ưu tiên.

“Cách tốt nhất để các quốc gia chấm dứt những tác động hiện nay đó là thực hiện một kế hoạch mạnh mẽ và toàn diện, bao gồm xét nghiệm mở rộng, cách ly, điều trị và xác định lịch sử tiếp xúc. Nếu các nước vội vã dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội, số trường hợp nhiễm mới có thể tăng trở lại và tác động kinh tế có thể còn nghiêm trọng và kéo dài hơn. Một số quốc gia cũng tiến hành xét nghiệm và chăm sóc miễn phí cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Chúng tôi khuyến khích các biện pháp này. Đây là một cuộc khủng hoảng chưa từng có, đòi hỏi một phản ứng chưa từng có”.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi các nước cầm đảm bảo biện pháp y tế công được hỗ trợ tài chính đầy đủ, bao gồm phát hiện các ca nhiễm bệnh, lịch sử tiếp xúc, thu thập dữ liệu cũng như chiến dịch thông tin và truyền thông. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cũng cho rằng, cần phải hỗ trợ đầy đủ cho các nhân viên y tế và trang thiết bị y tế cần thiết cho các bệnh viện.

Cảnh báo của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới về nguy cơ tái bùng phát các ca mắc Covid, đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia được cho là đã kiểm soát dịch tốt như Hàn Quốc hay Trung Quốc đang chứng kiến các ca nhiễm "nhập khẩu" gia tăng. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun hôm nay cho biết, nước này sẽ tiếp tục kéo dài chiến dịch “giãn cách xã hội” thêm 2 tuần nữa, khi có nhiều lo ngại về số ca mắc Covid-19 "nhập khẩu" và các ổ dịch nhỏ vẫn âm ỉ.

Ông Chung Sye-kyun nhấn mạnh: “Lây nhiễm trong nước đã được kiểm soát  và kết quả là tỉ lệ nhiễm giảm có được là nhờ chính sách giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan. Nếu Hàn Quốc không duy trì được xu hướng hiện nay, tất cả các nỗ lực sẽ đổ sông đổ bể. Chúng ta phải tiếp tục duy trì giãn cách xã hội trong một khoảng thời gian nữa”.

Giới chức Y tế Trung Quốc hôm nay cũng cho biết có 19 trường hợp nhiễm mới Covid-19 tại Trung Quốc đại lục, trong đó có 18 ca nhập khẩu. Chỉ còn vài ngày nữa thành phố Vũ Hán - "tâm chấn" dịch Covid-19 sẽ chính thức dỡ bỏ phong tỏa sau hai tháng rưỡi đóng cửa. Tuy nhiên chính quyền thành phố cũng cho biết việc quản lý dân cư tại đây vẫn sẽ tiếp tục được siết chặt để ngăn chặn dịch bùng phát trở lại. Theo đó, việc đi lại của các cư dân thành phố này vẫn sẽ bị quản lý chặt chẽ, đồng thời yêu cầu người dân không được chủ quan và giảm nhẹ cảnh giác trước dịch bệnh.

Hàng loạt các quốc gia cũng tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch lan rộng như Nga kéo dài “ngày không làm việc” đến 30/4, trong khi truyền thông Thái Lan đưa tin lệnh giới nghiêm kéo dài 6 giờ đồng hồ, bắt đầu có hiệu lực từ đêm 3/4, nhiều khả năng sẽ được kéo dài. Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam cho biết, khoảng thời gian giới nghiêm có thể tăng lên 8, 10, 12 giờ hoặc thậm chí lâu hơn./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết