Tiếng Việt | English

09/03/2018 - 09:48

Xã hội hóa các khu di tích lịch sử - văn hóa: Cơ hội cho cả 2 bên

Hiện tại, tỉnh Long An có 2 khu di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH) nằm trong danh mục kêu gọi xã hội hóa là Khu DTLS Cách mạng tỉnh (huyện Đức Huệ) và Đồn Rạch Cát (huyện Cần Đước). Đây là 2 trong số 109 DTLS-VH, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ của tỉnh chọn được nhà đầu tư đầu tư khai thác du lịch, cũng là kết quả bước đầu của hoạt động xã hội hóa các DTLS-VH trong tỉnh.

Du khách tham quan Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh tại huyện Đức Huệ

Thu hút đầu tư

Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh về công tác đầu tư lĩnh vực du lịch, Khu DTLS Cách mạng tỉnh hiện có 3 nhà đầu tư xin đầu tư, điểm du lịch Đồn Rạch Cát cũng đang được Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười xin chủ trương đầu tư với diện tích khoảng 25ha. Tuy nhiên, đó chỉ mới là kết quả bước đầu.

Hiện tại, Sở phối hợp Hội Kiến trúc sư tỉnh điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết Khu DTLS Cách mạng tỉnh. UBND tỉnh cũng đang chờ Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chấp thuận chủ trương điều chỉnh 25ha nằm trong khoảng 200ha đất loại địa hình đặc biệt quan trọng ưu tiên dành cho quốc phòng theo Quyết định số 2412/QĐ-TTg, ngày 19/12/2011, sang quy hoạch đất dịch vụ văn hóa để đầu tư, trùng tu, bảo tồn, phát triển điểm du lịch Đồn Rạch Cát theo quy hoạch nhằm phục vụ tham quan, du lịch trong thời bình.

Như vậy, công tác xã hội hóa các khu DTLS-VH của tỉnh chỉ mới trong giai đoạn khởi đầu, nhưng đó cũng là dấu hiệu khơi dậy tiềm năng du lịch của các địa danh trên. Bởi, trong những định hướng đầu tư cơ bản của du lịch Long An có định hướng “Phát triển tôn tạo các DTLS VH, lịch sử cách mạng phục vụ du lịch”. Và trong danh sách những điểm du lịch quan trọng có ý nghĩa vùng và địa phương trên địa bàn tỉnh, có không ít khu DTLS-VH: Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức (TP.Tân An), Khu di tích Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ), Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ (huyện Tân Thạnh), Khu di tích Ngã tư Đức Hòa (huyện Đức Hòa), Đồn Rạch Cát,...

Di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ. Ảnh: Thùy Hương - Phạm Ngân

Theo nhận định trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, chính nền văn hóa (văn hóa vật thể và phi vật thể) mang đậm bản sắc dân tộc là yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch. Do đó, việc phát triển du lịch phải mang nội dung khuyến khích việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống.

Chính vì vậy, các khu DTLS-VH ngoài giá trị giáo dục truyền thống còn tiềm ẩn khả năng phát triển du lịch. Ngoài ra, quy hoạch cũng phân tích, muốn phát triển du lịch thì phải dựa trên sự phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Từ đó, việc xã hội hóa trong hoạt động du lịch được chú trọng, trong đó, có xã hội hóa các khu DTLS-VH để phát triển du lịch.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý DTLS-VH tỉnh - Nguyễn Văn Thiện: “Việc xã hội hóa các khu DTLS-VH cho phép nhà đầu tư đầu tư thêm các dịch vụ phụ trợ đi kèm trong khu DTLS-VH để khai thác du lịch sẽ góp phần giúp du khách hứng thú hơn với các địa điểm du lịch mang tính tham quan, nghiên cứu. Ngoài ra, nguồn thu từ hoạt động trên sẽ góp phần vào việc bảo trì, trùng tu, bảo dưỡng các khu DTLS-VH”.

Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh - Nơi ghi dấu quá trình hoạt động của Đảng bộ, quân, dân Long An trong 2 cuộc kháng chiến. Ảnh: T.H

"Xúc tiến mời gọi đầu tư nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư vào ngành du lịch của tỉnh, góp phần đưa ngành này phát triển, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh

Lợi thế cho nhà đầu tư

Khu DTLS Cách mạng tỉnh nằm trên địa bàn huyện Đức Huệ, là nơi ghi lại quá trình hoạt động của Đảng bộ và quân, dân Long An trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước. Đây là điểm DTLS cách mạng có giá trị đặc biệt, được công nhận là DTLS-VH cấp Quốc gia năm 1999. Khu di tích gồm nhà trưng bày lưu giữ nhiều hiện vật cùng các hộp hình tái hiện căn cứ Mớp Xanh với đầy đủ xưởng công binh, nhà in, lò rèn,...

Chị Nguyễn Thị Mộng Ngọc, ngụ xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, cho biết: “Tôi từng có dịp đến thăm Khu DTLS Cách mạng tỉnh. Theo tôi, đó là điểm đến ý nghĩa giúp những người trẻ chúng tôi hiểu thêm về quá trình kháng chiến gian khổ, hào hùng của cha ông”.

Sâu trong rừng tràm phía sau nhà tưởng niệm là những căn nhà tranh được phục dựng, tái hiện lại cơ sở cách mạng của ta ngày trước. Ẩn mình trong tán tràm xanh mướt là mái lá thấp thoáng đậm chất Nam bộ. Đó có thể xem là một điểm thú vị thu hút du khách. Khu căn cứ Mớp Xanh trước kia được che bởi những tán tràm bao la, cán bộ, chiến sĩ ta được nuôi dưỡng bằng chính thiên nhiên trù phú của vùng đất này với hệ thống động, thực vật phong phú đặc trưng của rừng tràm. Nếu những lợi thế đó được khai thác triệt để, hiệu quả sẽ là điểm cực kỳ thu hút du khách.

Không chỉ vậy, hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Khu DTLS Cách mạng tỉnh còn có thể kết hợp với những địa điểm tham quan khác trên khu vực Đức Hòa, Đức Huệ thành một tuyến du lịch về với những DTLS cách mạng và di tích khảo cổ có giá trị nhất trong tỉnh. Quốc lộ N2 là cầu nối giao thông quan trọng cho các chuyến hành trình xuất phát từ TP.HCM hoặc TP.Tân An.

Đồn Rạch Cát nằm trong danh mục kêu gọi xã hội hóa để phát triển du lịch   Ảnh: Kim khánh

Nếu du khách ngại ngần chặng đường xa thì cạnh TP.HCM cũng có một khu di tích mang tiềm năng du lịch lớn là Đồn Rạch Cát. Dù không đưa vào hoạt động du lịch nhưng đồn được khá nhiều bạn trẻ và “tín đồ” du lịch biết đến sau khi trở thành bối cảnh trong bộ phim truyền hình nổi tiếng Đất Phương Nam. Nhiều bạn trẻ bày tỏ mong muốn được đến tham quan tại đây.

Đồn Rạch Cát được xây dựng cách đây 100 năm, vào loại sớm nhất và là pháo đài kiên cố nhất trên toàn cõi Đông Dương thời đó. Từ sau năm 1975, có khoảng 10 bộ phim mượn Đồn Rạch Cát để quay những cảnh pháo đài cổ, bởi toàn miền Nam không có pháo đài nào sánh được với Đồn Rạch Cát về mức độ hoành tráng, cổ xưa và thơ mộng,...

Được mệnh danh là pháo đài lớn nhất Đông Dương thời điểm đó, Đồn Rạch Cát có thiết kế đặc biệt hình vòng cung, 2 tầng nổi và 3 tầng hầm. Trên nóc pháo đài còn có dàn đại bác hiện đại nhất thời điểm đó mà đến giờ, nhiều ụ pháo vẫn nguyên vẹn. Đồn Rạch Cát được tỉnh đánh giá có tiềm năng, thế mạnh về địa hình, cảnh quan khu vực phù hợp với việc khai thác, phát huy giá trị DTLS.

Không chỉ vậy, trên cùng cung đường TP.HCM - Đồn Rạch Cát, du khách còn có thể tham quan, tìm hiểu về Nhà Trăm cột, vùng lúa Nàng Thơm Chợ Đào và chùa Tôn Thạnh (một địa danh nổi tiếng gắn liền với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu). Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến Đồn Rạch Cát trở nên hấp dẫn nếu được đầu tư phát triển du lịch.

Trên đây chỉ là những gợi ý nhỏ cho tiềm năng phát triển du lịch của các khu DTLS-VH trong tỉnh. Long An còn rất nhiều khu di tích nổi tiếng chưa được khai thác triệt để: Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo ở nơi giao lưu giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Nhựt Tảo, Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức liên quan đến thời kỳ lịch sử triều Nguyễn, Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười giàu tiềm năng du lịch sinh thái,...

Với những lợi thế trên, nếu được xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch thì các khu DTLS-VH trong tỉnh sẽ được nhiều người biết đến. Từ đó, mục tiêu giáo dục truyền thống được phát huy tối đa, đồng thời mang lại nguồn kinh phí dồi dào cho việc bảo quản và tu bổ các DTLS-VH. Đúng như nhận định của Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh: “Xúc tiến mời gọi đầu tư nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư vào ngành du lịch của tỉnh, góp phần đưa ngành này phát triển, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương”./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết