Tiếng Việt | English

11/08/2016 - 09:13

Xã hội hóa giáo dục-Giảm áp lực trường lớp ở khu, cụm công nghiệp

Qua từng năm học, mạng lưới, quy mô trường lớp của tỉnh Long An ngày càng được mở rộng; tuy nhiên, trên địa bàn có các khu, cụm công nghiệp như các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc,... nhu cầu gửi con của công nhân rất lớn, đặc biệt trẻ ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo. Từ đó dẫn đến tình trạng, các trường học tại những địa phương này chịu nhiều áp lực và còn nhiều trẻ từ 0 đến 5 tuổi chưa được ra lớp.


Trẻ tham gia chơi các trò chơi ngoài trời

Thiếu phòng học ở bậc mầm non

Gửi trẻ mầm non là nhu cầu rất lớn của các bậc phụ huynh, đặc biệt là công nhân, để họ có thể an tâm lao động, sản xuất. Thế nhưng, trường học tại các khu, cụm công nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của công nhân.

Năm học 2015-2016, toàn tỉnh nhận trẻ từ 0-2 tuổi, khoảng 5.000 trẻ, chỉ đạt 11,32%, còn hơn 88% trẻ trong độ tuổi này chưa được ra lớp. Với độ tuổi 3-5 tuổi có khoảng 48.000 trẻ, đạt 74,7%, do đó, còn hơn 25% trẻ chưa được ra lớp.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện toàn tỉnh có 203 trường mầm non, trong đó có 13 trường tư thục, 39 cơ sở tư thục, 204 nhóm trẻ tư thục. Các trường, cơ sở và nhóm trẻ tư thục đa số nằm trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp tập trung, góp phần đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân và giúp giảm tải cho các trường công lập. Tuy nhiên, năm học vừa qua, với hơn 41.000 trẻ học công lập, ngành giáo dục mầm non vẫn thiếu 22 phòng học, phải mượn cơ sở của trường tiểu học để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ.

Trước thực tế còn nhiều trẻ chưa được đến trường, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế và thực hiện Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường lớp mầm non ở các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, ngành GD&ĐT phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư khảo sát các trường mầm non, tiểu học, THCS ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để lập đề án trình UBND tỉnh xây thêm phòng học và kêu gọi nhà đầu tư xây dựng trường tư thục. Theo khảo sát, tại các địa phương có khu, cụm công nghiệp còn thiếu khoảng 200 phòng học cấp mầm non, 200 phòng học cấp tiểu học và 100 phòng học cấp THCS.


 Trẻ trong giờ tập hát

Tại huyện Cần Giuộc, địa phương có khu công nghiệp và nhiều xã có công ty, nhà máy, xí nghiệp hoạt động. Do đó, nhu cầu gửi trẻ của công nhân cũng rất lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ ra lớp độ tuổi từ 3-5 tuổi chỉ khoảng 54%. Trong đó, bốn vùng tập trung nhiều công nhân nên cũng có nhiều nhu cầu gửi trẻ gồm: Phước Lý - Long Thượng; Phước Lâm - Mỹ Lộc - thị trấn Cần Giuộc; Tân Kim; Phước Lại - Long Hậu; Tân Tập - Đông Thạnh.

Phó phòng GD&ĐT - Lương Bá Tuệ chia sẻ: “Ngoài các trường công lập, các cơ sở tư thục cũng tập trung thành lập tại các địa phương có khu công nghiệp như ở xã Tân Kim, Long Hậu, góp phần giảm tải cho ngành giáo dục mầm non. Tuy nhiên, nhu cầu gửi trẻ còn rất nhiều. Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, phòng khảo sát các trường học tại địa bàn có khu công nghiệp và đề xuất cấp trên xây dựng thêm phòng học ở 20 trường, trong đó có 6 trường mầm non, 12 trường tiểu học, 2 trường THCS và đề xuất thành lập 7 trường tư thục trong giai đoạn 2016-2020, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học của địa phương”.


Trẻ tham gia các trò chơi ngoài trời

“Ngành giáo dục mầm non chịu nhiều áp lực, đặc biệt tại các địa phương có khu, cụm công nghiệp. Trong năm học 2015-2016, giáo dục mầm non tiếp nhận gần 7.000 trẻ không có hộ khẩu tại Long An. Tuy nhiên, một số địa phương có khu, cụm công nghiệp cũng được tăng cường trường học công lập và tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân”.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Huỳnh Thị Huệ

Cần nhiều hơn nữa các trường mầm non tư thục

Các trường mầm non công lập không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, đặc biệt là các địa phương có khu, cụm công nghiệp. Do đó, cần lắm các trường mầm non tư thục để chung tay với ngành GD&ĐT chia sẻ khó khăn trên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Một trong những nhà đầu tư xây dựng trường mầm non và đạt hiệu quả là Tập đoàn An Nông (Đức Hòa). Tập đoàn An Nông hiện đầu tư xây dựng 2 Trường Mầm non An Nông, 1 trường tại khu công nghiệp Thuận Đạo, thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức) và 1 trường tại xã Đức Hòa Đông (huyện Đức Hòa). Sau 1 năm hoạt động, Trường Mầm non An Nông-Bến Lức thu hút gần 300 trẻ ở độ tuổi từ 2-5 tuổi. Riêng Trường Mầm non An Nông-Đức Hòa tuy mới đưa vào hoạt động chưa được 1 tháng nhưng thu hút được gần 100 trẻ.

Hệ thống Trường Mầm non An Nông còn quan tâm con em của gia đình công nhân, gia đình chính sách bằng việc hỗ trợ thiết thực về học phí hoặc các phần học bổng. Trong đó, trẻ là con em của gia đình có cả ba và mẹ đều là công nhân, có xác nhận của đơn vị công tác được giảm 10% học phí; trẻ có anh, chị, em ruột học trong hệ thống nhà trường được giảm 5% học phí; trẻ thuộc gia đình chính sách được tặng học bổng trị giá 200.000đ vào đầu năm học,... Đồng thời, nhà trường nhận trẻ trong hè, giúp phụ huynh an tâm làm việc.

Chị Phan Thị Kim Phượng, công nhân Cty TNHH Giầy Ching Luh (thị trấn Bến Lức) cho biết: “Gửi trẻ tại Trường Mầm non An Nông, tôi rất an tâm, trường tạo điều kiện thuận lợi về thời gian đưa đón và thường xuyên trao đổi tình hình của trẻ với chúng tôi. Trường gần công ty nên thuận tiện trong việc đi lại. Gửi trẻ ở đây, tôi cũng an tâm về chất lượng giáo dục”.

Tổng Giám đốc Tập đoàn An Nông - Trương Thị Thủy Trường chia sẻ: “Tôi rất quan tâm đến đời sống công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Đặc biệt, tôi nhận thấy nhu cầu về trường học mầm non ở các khu, cụm công nghiệp rất lớn và đang là vấn đề bức thiết, giúp người lao động yên tâm gửi gắm con mình để chuyên tâm lao động. Do đó, chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng trường học. Hướng tới, tập đoàn dự định thực hiện dự án Trường Mầm non An Nông-Cần Đước, tuy nhiên, còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để sớm thực hiện và đưa trường vào hoạt động, tiếp tục góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục.

Hiện nay, nhu cầu gửi trẻ rất lớn, đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp. Do đó, tỉnh cần đầu tư nhiều hơn nữa các trường học tại các địa phương này; đồng thời, cần lắm các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường tư thục để cùng chung tay với ngành GD&ĐT tỉnh nhà đáp ứng nhu cầu gửi trẻ và nâng cao chất lượng giáo dục cho tỉnh./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích