Tiếng Việt | English

02/10/2019 - 20:10

Xã nghèo đi lên

Từng là một xã nghèo, đời sống người dân rất khó khăn, nhưng hôm nay, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đang từng ngày “thay da, đổi thịt”, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng lên.

Đường giao thông được đầu tư khang trang, góp phần làm bừng sáng một vùng quê nghèo khó năm nào

Đường giao thông được đầu tư khang trang, góp phần làm bừng sáng một vùng quê nghèo khó năm nào

Trong những ngày cuối tháng 9, khi mùa nước nổi đang về, chúng tôi có dịp về thăm xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh - vùng quê nghèo khó năm nào. Khác hẳn với nhiều năm trước, Tân Bình hôm nay không còn những căn nhà lá trơ trọi nơi cánh đồng nước mênh mông hay cảnh học sinh phải đi đò đến trường tìm con chữ. Thay vào đó là những căn nhà tường khang trang mọc lên san sát, học sinh chạy xe bon bon đến trường trên những tuyến đường, cây cầu bêtông sạch, đẹp.

Chứng kiến cảnh quê hương thay đổi từng ngày, ông Đỗ Văn Lâm, ngụ xã Tân Bình, phấn khởi: “Bây giờ đời sống người dân ở đây hơn trước rất nhiều! Người dân chúng tôi được chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo về vật chất lẫn tinh thần. Cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, giới thiệu việc làm, học nghề miễn phí,... Còn về tinh thần, xã thường xuyên tổ chức các hội thi văn nghệ, thể dục - thể thao cho người dân tham gia; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cho người dân có chỗ vui chơi, giải trí sau thời gian làm việc mệt nhọc”.

Được biết, trước đây, Tân Bình được mệnh danh là xã nghèo nhất của huyện với hộ nghèo hơn 10%, đường giao thông chủ yếu là đường đất hoặc đá đỏ, còn cầu giao thông nông thôn chủ yếu là cầu cây, thậm chí có nơi không có cầu qua lại, người dân phải đi đò,... Còn bây giờ, hộ nghèo của xã chỉ còn 0,7%, thu nhập bình quân đầu người trên 40 triệu đồng/năm. Hơn hết, người dân rất ý thức và tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động.

Anh Nguyễn Văn Giang, ngụ ấp Xóm Than, trải lòng: “Xã đã và đang phát động các mô hình xanh, sạch, đẹp gắn với xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Thấy mô hình phục vụ lợi ích cho nhân dân, từ đó chúng tôi đồng tình, hưởng ứng bằng việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, chăm sóc hoa trên các tuyến đường, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng gia đình văn hóa ấm no, tiến bộ,... Đặc biệt, người dân tích cực hưởng ứng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trong đó chú trọng đến việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn”.

Anh Giang rất chủ động chung tay cùng địa phương xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới

Anh Giang rất chủ động chung tay cùng địa phương xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới

Xã Tân Bình “thay da, đổi thịt” như hôm nay là nhờ sự nỗ lực, chủ động, linh hoạt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Trần Vũ Phong cho biết: “Xã Tân Bình không nằm trong lộ trình của huyện về xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Tuy nhiên, không vì lý do đó mà chúng tôi lơ là trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Chúng tôi đã đưa ra rất nhiều giải pháp để xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Cụ thể, xã xây dựng 4/4 ấp có hố xử lý rác tại nguồn; đồng thời, vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, túi nylon, không vứt rác xuống sông hoặc nơi công cộng. Hàng năm, xã tổ chức rà soát, phân loại đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, từ đó có biện pháp giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, xã xác định muốn địa phương phát triển, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn phải được đầu tư nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện đi lại thuận tiện. Trên cơ sở đó, xã tranh thủ mọi nguồn lực từ nguồn ngân sách nhà nước đến vận động xã hội hóa xây dựng đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, đến nay, xã có kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân”.

Không còn là xã nghèo, đời sống người dân được nâng lên về vật chất lẫn tinh thần, người dân ý thức cùng địa phương xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới,... Tất cả làm bừng sáng một vùng quê nghèo khó năm nào./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết