Tiếng Việt | English

26/04/2016 - 23:35

Long An

Xã văn hóa vẫn còn những "hạt sạn"

Không thể phủ nhận những đổi thay, phát triển từ diện mạo nông thôn đến đời sống vật chất, tinh thần mà xã, phường, thị trấn văn hóa đã mang lại. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ấy, xã, phường, thị trấn văn hóa vẫn còn đó những “hạt sạn” ảnh hướng chất lượng...


Chợ tự phát - hình ảnh “chưa đẹp” ở xã văn hóa

Sức bật từ xã, phường, thị trấn văn hóa

Bây giờ, đi về các xã, đường sá không còn khó khăn như ngày trước. Đường về trung tâm xã đa số đều nhựa hóa, những con đường liên xã, liên ấp cũng cứng hóa. Từ thành thị đến nông thôn, các mái nhà khang trang đã thay dần những căn nhà tạm; điện, trường, trạm “có mặt” mọi nơi nâng cao đời sống người dân. Sự đổi thay hôm nay nhờ vào nhiều phong trào, cách làm, trong đó, xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa góp phần tạo nên sức bật.

Tân Trụ là một trong những huyện có thay đổi rõ nét khi gắn phong trào xây dựng ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn văn hóa với xây dựng giao thông nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện huy động trên 1.369 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, người dân đóng góp trên 276 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện thi công láng nhựa 7 tuyến hương lộ; các xã, thị trấn thi công gần 190 công trình bê tông. Hệ thống chính trị trong toàn huyện đã vận động nhân dân hiến 186.300m2 đất để thực hiện đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn. Những con đường này không chỉ mang đến cho Tân Trụ diện mạo mới mà còn giải quyết khó khăn trong câu chuyện đi lại cho người dân.

Một trong những tuyến đường nông thôn khá ấn tượng ở huyện Tân Trụ là đường mang tên ông Đồ Nghị ở ấp Tân Thạnh, xã Đức Tân được đal hóa qua 2 giai đoạn với kinh phí hơn 1,5 tỉ đồng; trong đó, người dân đóng góp 51%. Không chỉ vậy, khi tuyến đường hoàn thành, người dân đã trồng cau, chăm sóc, bảo vệ để tuyến đường đẹp, mát như hôm nay. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Võ Văn Huyện cho biết: “Nhờ sự đồng thuận, tham gia đóng góp, xây dựng các phong trào như làm đường giao thông nông thôn, xây dựng gia đình văn hóa... nên hiện nay, huyện có 8/11 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa”.

Ngoài diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần người dân cũng dần được nâng cao. Vùng biên giới trước đây còn lắm khó khăn thì hôm nay, sức bật mới đã đến từ việc xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa. Như huyện Vĩnh Hưng, thiết chế văn hóa ở các xã biên giới dần hoàn thiện, các đội văn nghệ quần chúng hoạt động khá hiệu quả mang lại đời sống tinh thần vui tươi cho người dân. Qua nhiều phong trào như tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ từ chương trình 135..., người dân đã thoát nghèo.

Ông Bùi Viết Hưng ở ấp Trung Thành, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng thoát nghèo nhờ vào vốn hỗ trợ từ chương trình 135 vào năm 2006. Nhà không ruộng đất, làm mướn làm thuê chỉ đủ đắp đổi qua ngày nên khi cầm trên tay số tiền được vay, ông mua 2 con bò về nuôi. Ông Hưng chia sẻ “Nuôi bò hiệu quả, gia đình tôi không những thoát cảnh nghèo mà còn dư ít tiền sửa lại ngôi nhà tình thương. Tôi mừng vì cuộc sống hôm nay ổn hơn xưa”.

Đã đúng chất?

Nếu được gọi với cái tên xã, phường, thị trấn văn hóa thì cần đúng thực chất, nghĩa là văn hóa từ cách ứng xử đến môi trường sống lành mạnh, văn minh. Nhưng hiện nay ở xã văn hóa vẫn còn những “hạt sạn” cần loại bỏ để đúng chất. Đó là tình trạng mê tín dị đoan. Ở xã văn hóa Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, vợ chồng anh N.V.N ở ấp Tân Hòa từng mâu thuẫn với đứa cháu trai vì nghi kỵ cháu là người đánh cắp số tiền trong nhà như lời thầy bói “phán”. Khi tìm lại được số tiền, vợ chồng anh N tỉnh ngộ khi tin vào những lời “bói ra ma…”. Hay ở thị trấn Đức Hòa, có một bà thầy bói mù chỉ cầm tay phải (nữ) hoặc tay trái (nam) là “phán” cuộc đời, đường tình duyên, công ăn việc làm của họ một cách vô căn cứ và không đúng.

Môi trường ở các xã văn hóa cũng là vấn đề đáng lo ngại. Đoạn đường từ Ngã tư Đức Lập đi thị trấn Đức Hòa, ngang qua xã văn hóa Đức Hòa Thượng, dù trên đường đã đặt thùng rác nhưng túi nylon nằm bên ngoài thùng trắng cả một góc. Điều này thể hiện ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân ở xã văn hóa vẫn chưa cao. Còn ở huyện Tân Trụ, theo Phó Chủ tịch UBND huyện - Võ Văn Huyện, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tuy đã giảm nhưng chưa khắc phục hoàn toàn. Trước đây, khi dịch bệnh gia cầm xảy ra, người dân còn vứt xác xuống kênh rạch mà không nghĩ tới tác hại của việc làm thiếu ý thức này.

Chợ tự phát cũng là một hình ảnh chưa đẹp ở xã văn hóa. Cứ mỗi sáng trước giờ công nhân vào làm và mỗi buổi chiều tan ca, chợ tự phát với kẻ bán người mua rất lộn xộn. Xe khách mua hàng đậu trên lòng, lề đường gây ùn tắc giao thông như chợ tự phát ở xã Đức Hòa Đông, Đức Lập Hạ, Đức Hòa Thượng,... Ngoài ra, rác ở các chợ tự phát đã “phá hủy” nét xanh - sạch - đẹp của vùng quê. Ở xã văn hóa Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, theo Chủ tịch UBND xã - Trần Huy Cường, rác ở chợ tự phát trên Đường tỉnh 825 có hợp đồng thu gom nhưng khi phóng viên đến nơi, nghe mùi hôi bốc lên từ các cống thoát nước thì mới biết, dòng rạch nhỏ ngay chợ tự phát nước đen ngòm, trắng túi nylon, hộp xốp,...

Trong câu chuyện về thực chất xã văn hóa, vẫn còn một số nơi chưa thật sự bình yên như đúng tên gọi xã văn hóa. Trọng án vẫn xảy ra ở những địa phương này. Gần đây nhất là vụ chồng giết vợ rồi tự sát xảy ra tại một nhà trọ ở xã văn hóa Mỹ Yên, huyện Bến Lức. Kẻ gây án và nạn nhân đều là dân nhập cư nhưng vụ án xảy ra trên địa bàn xã văn hóa Mỹ Yên đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng xã văn hóa. Từ vụ việc này cho thấy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong thời gian qua có thực hiện nhưng chưa rộng, chưa sâu, chưa đến và chưa thấm vào từng đối tượng, kể cả người nhập cư.

Còn một số xã văn hóa của huyện Đức Hòa, tình trạng đá gà vẫn diễn ra. Đáng nói, việc này diễn ra công khai giữa ban ngày mà không ai báo chính quyền địa phương. Phải chăng, người dân ở xã văn hóa “ngó lơ” trước những hoạt động vui chơi chưa lành mạnh chỉ vì “không liên quan đến bản thân”? Bên cạnh đó, hiện nay, tình trạng karaoke kẹo kéo hoạt động rộng khắp gây ồn ào, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Võ Văn Huyện cho biết: “Theo thống kê, toàn huyện có 68 hộ gia đình kinh doanh karaoke kẹo kéo. Loại hình này cũng là ca hát với giá 100.000 đồng/tiếng nhưng không lành mạnh, bổ ích như các phong trào quần chúng vì ồn ào, hoạt động quá giờ quy định. Hơn nữa, những người thuê karaoke kẹo kéo đa phần đã nhậu say nên dễ dẫn đến hành vi không hay”.

Xã văn hóa vẫn còn nhiều và rất nhiều hạt sạn! Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Phạm Văn Trấn, toàn tỉnh có 104/192 xã, phường, thị trấn văn hóa, chiếm 54,1%. Qua các đợt phúc tra, một số xã văn hóa còn hạn chế như tệ nạn ma túy chưa giảm ở các huyện công nghiệp Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc. Ngoài ra, môi trường một số nơi chưa tốt, vẫn còn người dân vứt rác bừa bãi. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn.... Để khắc phục, cần tăng cường tuyên truyền thật hiệu quả để mỗi người sẽ nâng cao nhận thức, là chủ thể xây dựng xã văn hóa đúng chất”.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh – Trần Văn Nhu: Điều mong chờ của xã văn hóa là đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên. Điều này xã văn hóa đã làm được. Nhưng, dù tỷ lệ gia đình văn hóa, xã văn hóa ngày càng cao thì tình trạng xuống cấp đạo đức lại đáng báo động. Để xã văn hóa đạt chất lượng, mỗi địa phương phải xây dựng từng tiêu chí cụ thể thật sự bền vững và phải tuyên truyền sâu rộng trong dân. Khi bình xét phải công tâm, dân chủ, không hạ thấp tiêu chí, chạy theo chỉ tiêu thi đua. Đối với các tiêu chí khi phúc tra công nhận xã văn hóa, cần chú ý hiệu quả thực hiện, tránh việc công nhận sau đó trả nợ các tiêu chí chưa đạt.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền ở xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa: Để xã văn hóa đúng chất thì ở đó, con người với con người phải ứng xử văn hóa. Môi trường sống phải lành mạnh, sạch đẹp. Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự luôn giữ vững để người dân an tâm. Muốn vậy, mỗi người dân phải nâng cao ý thức cùng địa phương xây dựng, giữ gìn xã văn hóa./.

Nguyễn Ngọc

 

Chia sẻ bài viết