Tiếng Việt | English

01/11/2019 - 06:50

Xác định, thẩm định giá đất có vai trò quan trọng

Xác định và thẩm định giá đất có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), làm cơ sở trong việc chi trả bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi thu hồi đất, bàn giao đất làm dự án (DA), góp phần vào sự phát triển KT-XH địa phương.

Xác định, thẩm định giá đất có vai trò quan trọng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (Trong ảnh: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành tỉnh khảo sát dự án tại huyện Cần Giuộc)
Xác định, thẩm định giá đất có vai trò quan trọng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (Trong ảnh: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Cang cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành tỉnh khảo sát dự án tại huyện Cần Giuộc)

Vẫn còn khó khăn

Những năm qua, tỉnh Long An có nhiều bước tiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực.KT-XH phát triển mạnh mẽ, năm sau cao hơn năm trước.Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư công trình, DA trên địa bàn, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.

Gắn liền với việc hoàn thành các DA, công trình là công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB. Công tác này được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chú trọng, từ đó tạo được sự đồng thuận của người dân. Họ nhanh chóng bàn giao đất để làm DA, công trình và nhiều DA khi hoàn thành phát huy hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. 

Bên cạnh đó, một số DA kéo dài do công tác bồi thường, GPMB còn nhiều vướng mắc, nhất là việc người dân không đồng thuận về đơn giá cũng như các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC). Ông Phan Văn Tuấn, ngụ xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, cho rằng: “Người dân rất đồng tình, ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Làm DA sẽ góp phần phát triển địa phương và người dân sẽ có cuộc sống ổn định hơn. Gia đình tôi có đất bị thu hồi để phục vụ DA Khu công nghiệp Hựu Thạnh. Tuy nhiên, gia đình tôi chưa đồng ý với đơn giá bồi thường cũng như các chính sách hỗ trợ. Tôi đề nghị các cấp cần xem xét lại đơn giá, chính sách cho phù hợp với thực tế, phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên”. 

Theo thông tin từ UBND huyện Đức Hòa, công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn có một số chuyển biến so với trước đây.Tuy nhiên, huyện còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi thực hiện việc này. Trong đó, việc xác định, thẩm định giá đất còn những bất cập nhất định nên chưa tạo sự đồng thuận cao của một số hộ dân có đất bị thu hồi. Nguyên nhân chính của việc này do địa phương tiếp giáp TP.HCM, giá đất biến động từng ngày nên công tác xác định, thẩm định giá đất đôi lúc còn chậm, chưa phù hợp. Huyện tăng cường khảo sát, rà soát, xác định lại giá cho phù hợp, trình cấp trên để thẩm định và phê duyệt, tránh ảnh hưởng đến lợi ích của người dân trong vùng DA.

Ông Trần Văn Hùng, ngụ xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, cho biết: “Người dân ủng hộ chủ trương của Nhà nước nhưng khi làm DA, các cấp nên rà soát lại giá đất thực tế để làm cơ sở áp giá, chi trả bồi thường và hỗ trợ TĐC cho người dân. Gia đình tôi có đất bị thu hồi để làm Khu công nghiệp Long Hậu 3 nhưng giá đền bù cho gia đình thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế tại đây. Tôi mong các cấp lãnh đạo xem xét để áp giá đền bù phù hợp hơn, tránh ảnh hưởng quyền lợi của người dân”.

Xác định, thẩm định giá đất tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án

Xác định, thẩm định giá đất tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án

Hài hòa lợi ích

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Văn Thông thông tin: Thời gian qua, tỉnh có những chỉ đạo quyết liệt, tập trung trong công tác bồi thường, GPMB. Mới nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Kết luận số 720-KL/TU, ngày 29/3/2019 về công tác bồi thường, GPMB, TĐC, trong đó giao nhiệm vụ và chỉ đạo cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương thực hiện kết luận. Nhờ đó, tỉnh tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan, tạo thuận lợi cho nhiều DA đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả.

Việc thực hiện công tác bồi thường qua các bước: Tham mưu thành lập Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và TĐC; thông báo thu hồi đất; tổ chức kê biên đo đạc, kiểm đếm thực tế; xác định, thẩm định giá đất; lập phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC; thẩm định dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC; công bố dự thảo phương án ra dân; hoàn chỉnh phương án sau khi công bố, niêm yết; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC; ra quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC trong cùng một ngày; ra quyết định chi trả.

Trong các bước thì việc xác định, thẩm định giá đất có vai trò vô cùng quan trọng. Vì giá đất bồi thường được UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở cho UBND các địa phương phê duyệt phương án bồi thường, chi trả cho người dân. Giá đất phù hợp sẽ tạo sự đồng thuận của người dân, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, thực hiện DA, tăng thu hút đầu tư và thu ngân sách. Ngược lại, giá đất không phù hợp, GPMB gặp nhiều khó khăn, DA sẽ chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển.

Hiện nay, một số DA kéo dài do chưa được sự đồng thuận của người dân, nhất là về giá đất và chính sách bồi thường. Nguyên nhân, địa giới hành chính một số huyện trọng điểm như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc tiếp giáp TP.HCM, cùng với chủ trương phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ tại khu vục này nên tình hình biến động đất đai thời gian qua rất lớn, giá đất tăng không ngừng.

Mặc dù Hội đồng Bồi thường, GPMB của cấp huyện đã khảo sát thực tế để đề xuất giá bồi thường bảo đảm phù hợp thị trường nhưng khi UBND tỉnh phê duyệt triển khai các bước tiếp theo đến khi chi trả tiền bồi thường cho người dân thì không còn phù hợp, dẫn đến công tác bồi thường, GPMB gặp nhiều khó khăn. Bởi, đa phần người dân không đồng ý giá bồi thường và các chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC. Một số DA sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ, DA khu dân cư nằm đan xen trong các DA khu, cụm công nghiệp và các chủ đầu tư khu dân cư vì mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, có khả năng sinh lợi cao nên thường bồi thường theo phương thức tự thỏa thuận với giá chuyển nhượng thường cao hơn so với giá bồi thường ở các DA khu công nghiệp tập trung. Ngoài ra, cũng còn tình trạng hỗ trợ thêm cho người dân ngoài phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt (“đi đêm”), việc này gây khó khăn trong việc triển khai các công trình nhà nước. Bên cạnh đó, tình trạng đầu cơ đất đai, mua bán chuyển nhượng khi có thông tin quy hoạch DA tạo ra sốt ảo về giá đất cũng gây khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB.
“Xác định rõ vai trò quan trọng của việc xác định, thẩm định giá đất trong việc bồi thường, GPMB, hỗ trợ TĐC nên đối với từng DA, sở phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, địa phương liên quan để cân đối, rà soát. Yêu cầu đầu tiên đặt ra là bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên (lợi ích của Nhà nước, người dân, nhà đầu tư). Sở đề nghị phát huy vai trò của địa phương, cụ thể là Hội đồng Bồi thường, GPMB cấp huyện cần đẩy nhanh hơn nữa việc xác định giá; đề xuất của huyện sát giá thị trường; đồng thời, phải đề xuất các chính sách hỗ trợ khác phù hợp cho từng DA thực tế trên địa bàn. Từ đó, Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh mới có cơ sở xem xét, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt đơn giá bồi thường để huyện tiến hành chi trả bồi thường cho người dân” - ông Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh.

Từ khi có Kết luận 720-KL/TU đến nay, Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh (ủy quyền Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện) đã xác định, thẩm định 64 dự án làm cơ sở để UBND tỉnh phê duyệt hệ số điều chỉnh đơn giá đất, chính sách bồi thường. Sau đó, UBND cấp huyện tiến hành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tạo sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết