Tiếng Việt | English

27/12/2018 - 10:53

Xâm nhập mặn diễn ra phức tạp, sâu và kéo dài

Theo dự báo của cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO có khả năng sẽ chuyển sang trạng thái ElNino từ tháng 11/2018 đến những tháng đầu năm 2019, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Nam bộ cũng như tại Long An. Do đó, diễn biến xâm nhập mặn sẽ diễn ra tương đối phức tạp, độ mặn xâm nhập xảy ra sớm, sâu và kéo dài so với năm 2017 cũng như trung bình nhiều năm.

Ngành nông nghiệp kiểm tra độ mặn trên các tuyến kênh, khu vực cống

Xâm nhập mặn sẽ xảy ra sớm

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO có khả năng sẽ chuyển sang trạng thái ElNino từ tháng 11/2018 đến những tháng đầu năm 2019. Theo đó, tổng lượng mưa từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019 trên cả nước phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt ở các khu vực như Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ, trong đó có Long An sẽ thiếu hụt từ 20-50% so với trung bình nhiều năm; dòng chảy tại các sông, kênh, rạch cũng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%. Còn theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2018-2019 có khả năng thuộc năm thủy văn có dòng chảy nhỏ so với mùa khô 2017-2018 và so với trung bình nhiều năm. Do đó, diễn biến mặn tương đối phức tạp, độ mặn xâm nhập sẽ diễn ra sớm, sâu và kéo dài so với năm 2017 cũng như trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, so với diễn biến xâm nhập mặn lịch sử trong mùa khô 2015-2016 mức độ ít nghiêm trọng hơn nhưng khả năng xâm nhập mặn sâu vẫn có và sẽ diễn ra từ tháng 01/2019.

Tại Long An, theo ghi nhận về chất lượng nước trên các tuyến sông ngày 20/12/2018, độ mặn trên các sông trong tỉnh bắt đầu xuất hiện và dao động từ 0,3-8,7g/l. Tại cống Xóm Lũy, huyện Cần Đước, trên sông Rạch Cát, độ mặn đo được lên 8,7g/l; cống Ông Hiếu, huyện Cần Giuộc là 7,9g/l. Trên sông Vàm Cỏ, độ mặn đo được tại cống Bến Trễ, huyện Cần Đước là 1,8g/l; tại Cột Đèn Đỏ, huyện Châu Thành là 5g/l. Trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn đo tại cống Xóm Bồ, huyện Cần Đước là 0,5g/l. Còn tại sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn đo được tại cống Sông Cui, huyện Châu Thành là 0,3g/l. Độ mặn 1,0g/l hiện vượt qua cống Bến Trễ, sông Vàm Cỏ, huyện Cần Đước cách sông Soài Rạp 34km. 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Võ Kim Thuần, đến thời điểm hiện tại, các cống trên sông Rạch Cát như cống Ông Hiếu, Trị Yên, Xóm Lũy, Nha Ràm; cống Bến Trễ, sông Vàm Cỏ; cống Xóm Bồ, sông Vàm Cỏ Đông; cống Sông Cui, sông Vàm Cỏ Tây đều đã đóng để ngăn mặn triệt để. Dự báo trong những ngày tới, khả năng độ mặn còn tiếp tục tăng do ảnh hưởng của gió chướng mạnh kết hợp kỳ triều cường. Theo đó, trong mùa khô năm 2018-2019, dự báo xâm nhập mặn có thể tiến sâu tới cầu Hựu Thạnh trên sông Vàm Cỏ Đông; còn trên sông Vàm Cỏ Tây, xâm nhập mặn có thể tới khu vực cầu Bà Hai Màng, cầu Ông Nhượng.

Ông Võ Kim Thuần cho biết: “Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn, thiếu nước cũng như xâm nhập mặn trong mùa khô 2018-2019, các địa phương, nhất là tại các huyện phía Nam như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành,... không nên chủ quan và cần sớm triển khai các biện pháp phòng, chống, khuyến cáo người dân trong việc xuống giống cây trồng, vật nuôi, tuân thủ đúng lịch thời vụ. Đặc biệt thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thông tin đến người dân cũng như cập nhật và theo dõi chặt chẽ các thông tin, dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn ngành khí tượng, thủy văn”.

Kiểm tra các cống trước diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn

Chủ động phòng, chống hạn, mặn

Tại huyện Cần Đước, một trong những địa phương được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xâm nhập mặn, hiện có khoảng 12.500ha đất trồng lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, hiện nay, ảnh hưởng của xâm nhập mặn tuy chưa xuất hiện song ngay từ đầu năm cũng như thời điểm này, công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn luôn được ngành nông nghiệp huyện đặc biệt chú trọng. Trong đó có các giải pháp công trình và phi công trình. Theo đó, năm 2018, trên địa bàn huyện được triển khai nhiều công trình đê bao và cống ngăn mặn lớn phục vụ sản xuất như tuyến đê ấp 6, ấp 7, xã Tân Ân với kinh phí 3,5 tỉ đồng, công trình cống Cầu Chùa tại thị trấn Cần Đước, kinh phí gần 16 tỉ đồng vừa hoàn thành, đưa vào khai thác, nghiệm thu và đưa vào sử dụng trạm bơm Năm Kiểu, xã Long Khê, trên 3 tỉ đồng. Ngoài ra, huyện đầu tư nạo vét các tuyến kênh nội đồng với kinh phí khoảng 6 tỉ đồng, các công trình điện sinh hoạt, điện sản xuất với tổng kinh phí trên 7 tỉ đồng cùng nhiều công trình khác do tỉnh trực tiếp đầu tư. Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên tuyên truyền đến người dân trong việc sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện ảnh hưởng của hạn, mặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khi xảy ra hạn, mặn. Đối với những vùng có nguy cơ xảy ra xâm nhập mặn cao, vận động nhân dân tự gia cố đê, trong sản xuất phải tuân thủ theo đúng lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Cống Cầu Chùa, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước - một trong những giải pháp công trình được thực hiện để phòng, chống hạn, mặn

Còn tại huyện Cần Giuộc, đến thời điểm hiện tại, các công trình phục vụ thủy lợi như hệ thống kênh, mương nội đồng, đê bao cùng các hệ thống cống cơ bản được đầu tư ổn định. Ngoài ra, để chủ động trong phòng, chống hạn, mặn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng phối hợp chặt chẽ Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi kiểm tra, quan trắc chất lượng nước, nhu cầu sử dụng nước trong sản xuất để từ đó điều tiết đóng - mở cống cho phù hợp. Thời điểm này, các cống trên địa bàn huyện đều được đóng để hạn chế xâm nhập mặn. Đồng thời, thông tin thường xuyên đến người dân về diễn biến xâm nhập mặn để chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Ngoài ra, do năm nay lượng mưa ít, các khu vực như huyện Đức Hòa được dự báo sẽ thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng, về phía Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi cũng có văn bản đề nghị đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng bảo đảm nguồn nước tưới thông qua hệ thống Thủy lợi Phước Hòa, nhất là trong đợt cao điểm tháng 3, tháng 4/2019.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Võ Kim Thuần, trước tình hình hạn, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, khó lường, chi cục có văn bản đề nghị Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình chất lượng nước, đồng thời tổ chức lực lượng chuyên trách phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện phía Nam và TP.Tân An để kịp thời thông báo kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, thường xuyên kiểm tra và xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ, tránh nước mặn xâm nhập vào nội đồng, bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị UBND các huyện phía Nam và TP.Tân An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng nước trên website Phòng, chống thiên tai của tỉnh và trên các bản tin dự báo, cảnh báo về hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn của cơ quan chuyên môn về khí tượng - thủy văn như Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân trên các phương tiện đài truyền thanh địa phương về tình hình chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông và trong nội đồng để người dân chủ động sản xuất và sinh hoạt an toàn./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết