Tiếng Việt | English

19/07/2015 - 14:01

Xấu mặt lao động Việt!

Việt Nam mở được thị trường xuất khẩu lao động nào là thị trường đó... lâm nguy. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật của người lao động kém; thường trộm cắp, đánh nhau, bỏ trốn...

Nhiều ngày qua, gần 4.000 lao động Việt Nam làm việc ở lĩnh vực bảo vệ, vệ sĩ tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hoang mang trước việc đột ngột bị chấm dứt hợp đồng trước hạn. Trong khi cơ quan chức năng đang tìm cách bảo vệ quyền lợi của họ thì một số lao động kích động quậy phá.

Ồ ạt trả lao động

Chương trình hợp tác cung ứng vệ sĩ sang UAE được thực hiện từ năm 2009 thông qua Bản ghi nhớ hợp tác nhân lực ký kết giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và Tập đoàn IGG của UAE. Bản ghi nhớ có thời hạn 3 năm, được ký gia hạn vào tháng 8-2012. Đến nay, có trên 5.000 lao động (đa phần là bộ đội xuất ngũ) được đưa sang làm vệ sĩ tại UAE, trong đó gần 4.000 người đang làm việc theo hợp đồng, thu nhập bình quân 600 USD/người/tháng.

Nhờ chú trọng đào tạo, giáo dục định hướng nên lao động do Công ty Haindeco tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài tuân thủ tốt pháp luật

Tại thông báo mới nhất gửi các cơ quan thẩm quyền, Dolab xác nhận lý do dẫn đến việc Công ty Emirates Gateway Security Services (EGSS, doanh nghiệp - DN - được Tập đoàn IGG ủy thác thực hiện chương trình) chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với hàng ngàn lao động Việt Nam là thỏa thuận nói trên hết hạn vào tháng 8-2015 và chưa có kế hoạch gia hạn. Từ đầu tháng 7, EGSS gửi thông báo chấm dứt hợp đồng đến từng lao động với nội dung ngắn gọn, thể hiện rõ sự bất cần: “Chúng tôi buộc phải thông báo với bạn rằng công việc của bạn không còn cần thiết và phù hợp dựa trên yêu cầu, quyết định của chúng tôi. Bức thư này là để thông báo công việc của bạn với chúng tôi sẽ chấm dứt và ngày làm việc cuối cùng của bạn là 30-7-2015”.

EGSS đang làm thủ tục về nước cho toàn bộ vệ sĩ của Việt Nam. Trong số gần 4.000 lao động bị trả về, có 1.286 lao động chưa kết thúc hợp đồng 3 năm tính đến tháng 8-2015 và một số có thời hạn kéo dài đến năm 2016.

Việc lao động bị trả về nước đồng nghĩa chương trình hợp tác vệ sĩ giữa Việt Nam và UAE bị phá sản, chấm dứt mọi nỗ lực đàm phán của Việt Nam. Trước đó, cuối năm 2014, khi có thông tin phía UAE sẽ dừng tiếp nhận vệ sĩ Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH đã báo cáo và kiến nghị Chính phủ có các biện pháp vận động để phía UAE tiếp tục chương trình. Ngày 3-10-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi thư cho Thái tử kiêm Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang UAE. Đến ngày 16-12-2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Phó Thủ tướng UAE. Tuy nhiên, đến nay, lãnh đạo cấp cao của UAE vẫn chưa có ý kiến chính thức về việc này.

Hậu quả của đánh nhau

Các DN xuất khẩu lao động (XKLĐ) được chọn tham gia chương trình hợp tác cung ứng vệ sĩ gồm Sovilaco, Petromaning, Vinaconex Mec, Traicimexco, Hoàng Long, TTLC... từng khẳng định đây là một chương trình lớn mà UAE rất muốn hợp tác với Việt Nam. Vấn đề đặt ra là vì sao quốc gia này không ký gia hạn chương trình, trả toàn bộ vệ sĩ Việt Nam về nước?

Giám đốc một DN tham gia chương trình cho rằng nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật của lao động Việt Nam quá kém. “Họ hay tụ tập nhậu nhẹt rồi đánh nhau, gây mất trật tự công cộng. Làm công tác bảo vệ cho các cơ sở của hoàng gia mà “quậy” như vậy thì ai dám sử dụng” - vị giám đốc này nói.

Đỉnh điểm là mới đây, một số vệ sĩ ở trại lao động G2 (nhóm 2) tại Abu Dhabi lôi kéo, kích động nhiều người tham gia đòi quyền lợi về nước trước hạn. Đại sứ quán Việt Nam tại UAE xác nhận có 7 người cầm đầu đánh phiên dịch của đội, ép người này viết giấy thừa nhận ăn chặn của mỗi người tiền lương tháng 13 và một số khoản tiền khác lên đến trên 1.000 USD/người. Sự việc sau đó được tung lên Facebook để kích động bạo động, đình công trong trại G2 và các trại khác. Theo Dolab, với vụ gây rối này, không chỉ chương trình vệ sĩ, quan hệ hợp tác lao động của Việt Nam với UAE ở những lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cũng xin nói thêm, đây không phải lần đầu Việt Nam bị UAE dừng chương trình vệ sĩ. Trong phạm vi bản ghi nhớ đầu tiên thực hiện từ năm 2009, khoảng 600 vệ sĩ Việt Nam vừa mới sang được vài tháng cũng bị trả về nước. Lý do là một số lao động sau khi nhậu nhẹt rồi phát sinh mâu thuẫn, đánh nhau, gây mất trật tự an ninh.

Mệt mỏi giữ thị trường

Lao động Việt Nam đang có mặt ở 49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã ký hiệp định, thỏa thuận hợp tác lao động với trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngay trong 20 thị trường này, những bất ổn do người lao động gây ra tác động xấu đến quan hệ hợp tác lao động cũng thường xuyên diễn ra.

Cùng khu vực Trung Đông, Qatar được xem là thị trường XKLĐ tiềm năng của Việt Nam. Khoảng 50 DN XKLĐ của Việt Nam bắt đầu khai thác Qatar từ năm 2005 và đến năm 2007 cung ứng được khoảng 10.000 lao động. Tuy nhiên, từ năm 2008, xuất phát từ tình hình lao động trộm cắp (chủ yếu trộm cắp dây đồng của công trình xây dựng), nấu rượu lậu, nhậu nhẹt, gây rối trật tự…, chính phủ Qatar quyết định dừng tiếp nhận vô thời hạn lao động Việt Nam. Hiện nước này đã tháo bỏ lệnh dừng nhưng thận trọng trong khâu cấp visa, chỉ cho phép số lượng nhỏ lao động Việt Nam nhập cảnh.

Hai thị trường XKLĐ lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Đài Loan và Hàn Quốc cũng bị đông kết tuyển dụng mà nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ người lao động.

Tại Đài Loan, từ tháng 5-2004, chính quyền vùng lãnh thổ này quyết định dừng tiếp nhận thuyền viên Việt Nam và đến tháng 1-2015 là lao động giúp việc gia đình. Mười năm qua, Việt Nam kiên trì đàm phán để Đài Loan tháo bỏ lệnh cấm. Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH ra thông báo Đài Loan tháo bỏ lệnh dừng, cho phép DN tuyển chọn lao động. Nhưng chỉ vài ngày sau, Bộ LĐ-TB-XH lại ra thông báo tạm dừng tuyển do chưa thống nhất kế hoạch triển khai với Đài Loan. Sự thực không hẳn vậy mà là do lao động Việt Nam ở Đài Loan bỏ trốn có chiều hướng gia tăng, buộc nước này phải cân nhắc. Hiện có khoảng 24.000 lao động Việt Nam bỏ trốn ở Đài Loan, dẫn đầu các nước XKLĐ vào thị trường này.

Tại Hàn Quốc, từ tháng 8-2012 đến nay, chính phủ nước này không ký gia hạn thỏa thuận hợp tác lao động với Việt Nam theo chương trình cấp phép lao động EPS do lao động Việt Nam vi phạm pháp luật, bỏ trốn quá nhiều. Trong 3 năm qua, Dolab và Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH triển khai đề án ngăn ngừa lao động bỏ trốn nhưng nỗ lực bất thành.

Phía Hàn Quốc chỉ xem xét nối lại hợp tác khi tỉ lệ lao động bỏ trốn giảm còn 28% trong khi trên thực tế tỉ lệ này hiện chiếm trên 33% trong tổng số lao động đang làm việc theo hợp đồng. Hơn 26.000 lao động đang cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc không chịu về nước dù chính phủ nước này đang mở chiến dịch truy bắt trên toàn quốc. Sự bất chấp của họ đã tước đoạt cơ hội của hàng chục ngàn lao động trong nước đang có nguyện vọng sang đây.

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động

Liên quan đến việc bồi thường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hàng ngàn vệ sĩ về nước trước hạn từ UAE, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Dolab, cho biết cơ quan này đã làm việc với đại diện của IGG tại Hà Nội. Theo đó, Dolab yêu cầu IGG hoàn lại tiền vé máy bay từ Việt Nam sang UAE, chi phí đào tạo trước khi xuất cảnh và tiền thưởng 500 USD cho người lao động. Đối với những lao động làm chưa đủ 3 năm hợp đồng, phía IGG phải bồi thường chấm dứt hợp đồng trước hạn theo Luật Lao động UAE. Ngoài ra, Dolab đã chỉ đạo các DN xuất khẩu lao động chuẩn bị và báo cáo phương án thanh lý hợp đồng cho người lao động.

 

Ngại lao động “kiêu binh”

Bộ LĐ-TB-XH thừa nhận XKLĐ của Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập, còn tình trạng DN xem nhẹ khâu tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi. Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Xuyên, Tổng Giám đốc Sovilaco, khó có thể thay đổi ý thức của người lao động. “Quân mình ở đâu cũng có chuyện, nhất là khi ở tập trung lại tổ chức nấu rượu lậu, trộm cắp, đánh nhau. Nạn “kiêu binh”, tùy tiện đòi hỏi quyền lợi, kích động đình công, gây rối khiến giới chủ rất ngại lao động của ta” - ông Xuyên lý giải.

 Bài và ảnh: DUY QUỐC/Theo nld.com.vn

Chia sẻ bài viết