Tiếng Việt | English

25/07/2017 - 11:40

Xây dựng chợ xã theo tiêu chí nông thôn mới phải từ nhu cầu thực tế mỗi địa phương

Đầu tư xây dựng chợ xã, nơi ít thì hàng trăm triệu đồng; nơi nhiều, lên đến tiền tỉ. Vốn đầu tư lớn nhưng hiện nay, nhiều chợ trung tâm xã sau khi xây xong, tình hình buôn bán đìu hiu, tiểu thương không chịu vào chợ. Thậm chí, có chợ phải bỏ hoang sau thời gian không có người vào buôn bán.

Xây dựng chợ tiền tỉ rồi bỏ hoang

Chợ trung tâm xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An được quy hoạch, đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng trên khuôn viên hơn 1.000m2 và được hoàn thành gần chục năm qua. Nhưng ngần ấy thời gian, chợ vẫn đìu hiu vì không một tiểu thương nào mặn mà vào bán.

Chợ được xây dựng tiền tỉ bị bỏ hoang khi quy hoạch không đúng, không trúng, không đón đầu được sự phát triển

Bà Trần Thị Phượng, ngụ ấp Trung Trực, xã Thái Bình Trung cho biết: “Tưởng đâu chợ được xây dựng xong sẽ là nơi buôn bán nhộn nhịp của người dân địa phương cũng như người dân các xã lân cận và thu hút được một số người Campuchia qua buôn bán, nào ngờ từ khi xây dựng đến nay, chợ vẫn im ỉm đóng cửa. Tiểu thương không muốn vào chợ buôn bán khiến nhiều hạng mục trong nhà lồng chợ xuống cấp, hư hỏng. Hơn 2 năm trước, thấy chợ không hoạt động, có công ty đến thuê để làm chỗ cho công nhân đan giỏ xách nhưng chỉ được vài ba tháng rồi họ cũng phải chuyển đi nơi khác do hoạt động không hiệu quả.

Theo Chủ tịch UBND xã Thái Bình Trung - Nguyễn Văn Học: “Trước đây, chợ này được huyện quy hoạch là chợ liên xã, khi mới xây dựng xong, cả người dân, chính quyền đều kỳ vọng thu hút người dân trong vùng về kinh doanh, trao đổi hàng hóa. Thế nhưng, chợ hoàn thành, đưa vào sử dụng, không một tiểu thương nào vào đăng ký mua bán, mặc dù chính quyền địa phương cố gắng vận động, tuyên truyền. Nguyên nhân là do các xã lân cận cũng có chợ, dân cư ít, sống không tập trung và trước nay, người dân chủ yếu vẫn tự sản, tự tiêu. Khi cần mua sắm, người dân lên thẳng chợ trung tâm huyện như một thói quen”.

Theo quan sát của phóng viên, do chợ không đưa vào sử dụng nên nhiều hạng mục xuống cấp. Các khung cửa có dấu hiệu gỉ sét, phía bên trong nhà lồng chợ được người dân xung quanh trưng dụng để vật liệu, đồ đạc gia đình. Quy hoạch không đúng, không trúng, không đón đầu được sự phát triển gây lãng phí lớn. Trong khi đó, địa phương vẫn đang thiếu nguồn vốn trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).

Quy hoạch không sát nhu cầu, nhiều chợ xã đìu hiu

Nhằm đáp ứng đủ tiêu chí xây dựng NTM, năm 2014, xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng lập quy hoạch và xây dựng chợ xã. Theo thiết kế, chợ xã Vĩnh Châu A được xây trên diện tích khoảng 500m2, gồm 24 kiốt để thu hút các tiểu thương với mức đầu tư gần 700 triệu đồng, trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng, phần còn lại do nhân dân đóng góp.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong cho đến nay, chợ này vẫn đìu hiu, 24 kiốt trong chợ chỉ lác đác vài tiểu thương vào buôn bán. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu A - Nguyễn Văn Lợi, trước khi xây dựng, địa phương cũng họp dân và có đến 22 hộ dân đăng ký vào buôn bán. Thế nhưng, sau khi chợ được xây dựng xong thì con số này chỉ vỏn vẹn 2 hộ dân vào buôn bán; đến nay, số tiểu thương đăng ký trước đó không ai chịu vào.

Theo một số người dân sống gần chợ, sở dĩ chợ ít người buôn bán và không có người mua do xã Vĩnh Châu A giáp ranh xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; bên đó, chợ hoạt động rất tấp nập nên việc mở chợ này không thu hút tiểu thương và người mua là điều tất yếu.

“Hiện tại, trên địa bàn xã, một số hộ kinh doanh, buôn bán tạp hóa tại nhà đủ cung cấp các mặt hàng theo nhu cầu cho người dân tại chỗ, riêng các mặt hàng thịt, cá, rau, củ, quả,... thì có những hộ buôn bán dùng xe máy chở đến tận nhà nên người dân ít khi đi chợ xã. Thời gian tới, chính quyền xã kiên quyết yêu cầu các hộ buôn bán nhỏ, lẻ ngoài đường vào chợ buôn bán; đồng thời, kiến nghị huyện sớm đầu tư các hạng mục phụ trợ và kỹ thuật tối thiểu phục vụ nhu cầu hoạt động chợ” - ông Lợi cho biết thêm.

Chợ Thái Bình Trung luôn trong tình trạng “trống không” gần 10 năm qua

Còn chợ xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng được đầu tư xây dựng từ năm 2006 với 26 kiốt, thế nhưng từ khi đưa vào hoạt động đến nay, chỉ có vài hộ vào kinh doanh, buôn bán. Theo người dân sống gần khu chợ này: “Chủ yếu người dân chỉ buôn bán nhỏ, lẻ nên có thói quen ngồi họp chợ ngay bên đường hay trước nhà mình, chứ không ai vào chợ, vừa đi xa lại tốn kém thêm”. Hiện tại, chợ này cũng xuống cấp trầm trọng.

Xây dựng chợ phải theo nhu cầu thực tế của người dân và khi người dân không có nhu cầu mua bán thì khó ép họ vào được. Và để xem xét đầu tư chợ xã với con số đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí là tiền tỉ không phải là việc làm chỉ chạy theo phong trào, chạy theo thành tích, “có cái để đưa vào báo cáo” trong xây dựng NTM, mà việc quy hoạch, đầu tư chợ xã tại mỗi địa phương rất cần yếu tố thực tế, đầu tư theo nhu cầu, tránh gây lãng phí nguồn vốn từ ngân sách.

Chỉ xây dựng chợ khi có nhu cầu thực tế

“Trường hợp xã không quy hoạch chợ nông thôn, nơi mua bán, trao đổi hàng hóa hoặc có quy hoạch nhưng do nhu cầu thực tế chưa cần đầu tư xây dựng thì xem như đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn”. Đó là một trong những nội dung mới, quan trọng trong thực hiện tiêu chí số 7 - tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Quyết định về việc ban hành quy định đánh giá thực hiện các tiêu chí xã NTM của tỉnh vừa được UBND tỉnh ban hành ngày 10/7/2017.

Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh - Tô Ngọc Xuân, hiện nay, đánh giá công nhận xã NTM dựa theo bộ tiêu chí mới theo Quyết định 1243, ngày 07/4/2017 của UBND tỉnh. Trong việc đánh giá thực hiện các tiêu chí, mặc dù tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn vẫn được áp dụng. Song, theo bộ tiêu chí mới này thì đây không phải là tiêu chí cứng, tiêu chí bắt buộc mà tùy từng địa phương sẽ có những cách áp dụng khác nhau. Ông Xuân ví dụ, cùng xây dựng NTM nhưng nếu địa phương không có nhu cầu xây dựng chợ hoặc gần địa phương đó đã có chợ thì chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí còn lại vẫn được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Hay đã có quy hoạch nhưng thời điểm hiện tại chưa có nhu cầu thực tế đầu tư xây dựng thì vẫn được công nhận đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Việc xây dựng chợ phải xuất phát từ thực tế của mỗi địa phương.


Xây dựng chợ xã theo tiêu chí nông thôn mới phải từ thực tế mỗi địa phương

Trước đó, tại các địa phương, việc xây dựng chợ diễn ra ồ ạt, xã nào cũng quy hoạch đầu tư xây mới chợ nông thôn, trong khi đó, nhu cầu thực tế của mỗi xã khác nhau. Chạy theo thành tích, xây dựng cho có dẫn đến tình trạng rất nhiều địa phương, chợ xây xong tốn kém rất nhiều tiền nhưng không thu hút tiểu thương vào kinh doanh. Nhiều chợ xã đìu hiu, bỏ hoang gây tốn kém, lãng phí nguồn ngân sách, trong khi rất nhiều tiêu chí khác còn đang “khát vốn” để thực hiện. Đã đến lúc, các địa phương cần xác định rõ nhu cầu thực tế trước khi tiến hành xây dựng chợ nông thôn để việc xây dựng NTM đi vào thực chất, không chạy theo thành tích./.

Kiên Định - Văn Đát

Chia sẻ bài viết