Tiếng Việt | English

25/04/2019 - 08:33

Xây dựng hệ thống quản lý các vùng trồng trên thiết bị di động

Tận dụng những tiện ích từ công nghệ thông tin (CNTT) mang lại, anh Nguyễn Thanh Tuấn, công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An, nghiên cứu cho ra đời mô hình ý tưởng Xây dựng hệ thống quản lý các vùng trồng trên thiết bị di động. Qua đó, góp phần giúp nhà đầu tư có thể quản lý đầy đủ quy trình sản xuất nông nghiệp từ chọn giống đến chăm sóc và thu hoạch.

Anh Tuấn kể: “Sau khi biết được kế hoạch phát động cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Long An lần I, năm 2018, do Tỉnh đoàn phối hợp Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức, tôi nhanh chóng nghiên cứu thể lệ và phối hợp người bạn học chung lớp sau đại học cho ra mô hình sáng kiến khoa học - công nghệ Xây dựng hệ thống quản lý các vùng trồng trên thiết bị di động. Trải qua các vòng thi sơ khảo, bán kết, đề tài của chúng tôi may mắn loạt vào top 7 sản phẩm (4 mô hình đã triển khai, 3 ý tưởng) chung khảo, đoạt giải nhì thể loại ý tưởng và giải phụ ý tưởng mang tính sáng tạo cao”.

Với ý tưởng của mình, anh Tuấn muốn xây dựng hệ thống quản lý các vùng trồng cây nông nghiệp, giúp nhà đầu tư có thể quản lý đầy đủ quy trình sản xuất từ chọn giống, bón phân, phun thuốc, tưới nước đến quá trình phát triển và thu hoạch. Đặc biệt, hệ thống này cho phép quản lý nhiều vùng trồng khác nhau, có điều kiện địa lý, khí hậu khác nhau.

Với mô hình sáng kiến khoa học của mình, anh Nguyễn Thanh Tuấn góp phần giúp doanh nghiệp xây dựng các vùng trồng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế

Với mô hình sáng kiến khoa học của mình, anh Nguyễn Thanh Tuấn góp phần giúp doanh nghiệp xây dựng các vùng trồng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế
“Vốn đầu tư ban đầu cho dự án là 100 triệu đồng, trong đó, chưa tính đến chi phí xây dựng ứng dụng vì các thành viên tham gia mang tính tự nguyện hợp tác, chỉ lấy kinh phí khi ứng dụng thành công. Sau khi hoàn thành, sản phẩm sẽ được giới thiệu trên trang thông tin điện tử công ty, quảng cáo qua Youtube, mạng xã hội và gửi các video ứng dụng cho khách hàng có tiềm năng” - anh Tuấn thổ lộ. 

Anh Tuấn dự kiến kinh doanh sản phẩm của mình theo 2 hình thức: Một là, anh cho doanh nghiệp thuê hệ thống (hệ thống đặt tại máy chủ của công ty) và trả chi phí hàng năm; trong đó, công ty hỗ trợ vận hành, kinh phí sửa chữa, phát triển hệ thống, bảo mật, sao lưu dữ liệu. Hai là, anh sẽ bán toàn bộ sản phẩm 1 lần cho doanh nghiệp, hệ thống máy chủ đặt tại doanh nghiệp, công ty thu phí hỗ trợ vận hành hàng năm. 

Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Long An lần I, năm 2018 - Võ Trần Tuấn Thanh nhận xét: “Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp ngày càng thể hiện ưu thế vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Mô hình sáng kiến khoa học - công nghệ của anh Tuấn góp phần cho các doanh nghiệp có thể nắm bắt chính xác thông tin, hiệu quả việc đầu tư và lợi nhuận sau đầu tư để đưa ra chính sách, kế hoạch đầu tư hợp lý. Mặt khác, mô hình còn giúp nhà đầu tư kịp thời nghiên cứu, xây dựng các vùng trồng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, tránh sử dụng phân bón hay thuốc trừ sâu quá nhiều, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người lao động”.

Sản phẩm của anh Tuấn tạo ra nếu được triển khai thành công sẽ là tiền đề phát triển các ứng dụng quản lý tương tự khác, phục vụ hiệu quả yêu cầu ứng dụng CNTT trong quản lý của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ứng dụng này mới, chưa có thương hiệu trên thị trường, nhiều sản phẩm cạnh tranh cùng loại nên cần có thời gian để định vị thương hiệu, uy tín, lấy được lòng tin của khách hàng.

“Chúng tôi không ngừng nghiên cứu, làm tăng khả năng giao tiếp của ứng dụng với các thiết bị điện tử khác (thu nhận tín hiệu từ các sensor ghi nhận nhiệt độ, độ ẩm,...), đồng thời, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích các thông số ghi nhận được, đưa ra các tư vấn phát triển cho khách hàng” - anh Tuấn bộc bạch./.

Phong Nhã 

Chia sẻ bài viết