Tiếng Việt | English

19/11/2017 - 19:47

Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

“Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt” và “mỗi đứa trẻ đều có cơ hội được học bằng nhiều cách khác nhau”, với quan điểm này, năm học 2017-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường mầm non trên địa bàn tỉnh chọn chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” làm trọng tâm thực hiện.

Thực hiện giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, giáo viên tạo nhiều cơ hội, môi trường thuận lợi cho trẻ hoạt động

Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo chọn 3 trường: Mẫu giáo Sao Mai, Mầm non thị trấn Cần Giuộc, Mầm non Hương Sen làm điểm thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” để đánh giá, rút kinh nghiệm. Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non được chọn làm điểm đang tập trung xây dựng môi trường trong và ngoài lớp phù hợp điều kiện của từng trường, từng lớp.

Phát huy nhu cầu, hứng thú của trẻ

Đây là chuyên đề được Trường Mầm non Hương Sen (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) xây dựng kế hoạch thực hiện từ học kỳ II, năm học 2016-2017. Năm học 2017-2018, trường thực hiện 16 chuyên đề, trong đó, “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” là chuyên đề trọng tâm được trường lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017-2020. Toàn trường có 12 lớp, 382 trẻ, 23 giáo viên. Hiện trường chọn lớp Mầm 1, Chồi 3 và Lá 2 làm điểm thực hiện. Hàng ngày, Ban Giám hiệu theo dõi quá trình thực hiện của giáo viên (GV) nhằm góp ý, chỉnh sửa phù hợp tình hình thực tế của lớp. Vừa qua, trường tổ chức buổi thao giảng, mời phụ huynh học sinh cùng dự nhằm phối hợp tốt trong việc giáo dục trẻ.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen - Dương Thị Kim Hương chia sẻ: “Việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Để thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả nội dung này, nhà trường chỉ đạo GV các lớp tập trung triển khai phù hợp điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ; chú trọng giáo dục đạo đức, hình thành và phát triển kỹ năng sống, hiểu biết xã hội phù hợp với độ tuổi của trẻ”.

Trường Mẫu giáo Sao Mai (xã Bình Tâm, TP.Tân An) là một trong những trường được tỉnh chọn làm điểm thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Trường có 6 lớp, 168 trẻ (2 mầm, 2 chồi và 2 lá). Chuyên đề này được trường thực hiện ở tất cả các lớp.

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Mai - Phạm Thị Kim Toàn nhận định: “Điều quan trọng là GV phải nắm được nhu cầu, hứng thú, khả năng của từng trẻ để có cách giảng dạy phù hợp. Vì vậy, nhà trường yêu cầu GV tạo nhiều cơ hội, môi trường thuận lợi cho trẻ . Môi trường ở đây không chỉ dừng lại ở trong lớp học mà tận dụng tất cả không gian trong và ngoài lớp nhằm tạo điều kiện cho trẻ được học, chủ động tham gia các hoạt động vui chơi, khám phá mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, trẻ được trải nghiệm theo phương châm “Học bằng chơi, chơi mà học” phù hợp từng độ tuổi khác nhau. Qua đó, trẻ hình thành nhân cách và phát triển toàn diện”. Chẳng hạn như, trải nghiệm thực tế bằng việc tổ chức cho trẻ đi tham quan ngôi trường của mình. Sau đó, GV đặt nhiều câu hỏi mang tính tư duy để trẻ trả lời. GV chỉ có nhiệm vụ tóm tắt lại vấn đề và định hướng, giáo dục trẻ.

Tạo cơ hội cho trẻ tự do khám phá tự nhiên bằng hoạt động chăm sóc cây xanh, vườn rau,…Góp phần thực hiện hiệu quả chuyên đề này, trường tham mưu lãnh đạo địa phương mua sắm trang thiết bị dạy và học; xây dựng thêm các phòng chức năng nhằm đủ điều kiện công nhận lại trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Ngoài ra, GV tăng cường làm đồ dùng, đồ chơi phong phú mang tính giáo dục, thẩm mỹ cao. Theo đó, hàng tháng, mỗi GV nộp 2 món đồ chơi theo chủ đề tháng.

Đi đôi với chuyên đề xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, các trường còn chú trọng thực hiện mô hình “Giáo dục lễ giáo”. GV là người luôn gương mẫu thực hiện để trẻ học tập. Từ đó, hình thành tính tự lập cho trẻ. Trẻ mạnh dạn, tự tin, lễ phép khi giao tiếp với mọi người, biết tự phục vụ. Trẻ biết nhường nhịn, vui chơi hòa thuận với bạn bè và biết giúp đỡ bạn khi cần,...

Giáo viên chủ động, sáng tạo

Đây là phương pháp đòi hỏi GV chú ý đến sự hứng thú, nhu cầu, khả năng, thế mạnh của mỗi trẻ để hiểu và đánh giá đúng.

Cô Huỳnh Thị Mường - GV Trường Mầm non Hương Sen, cho biết: “Tôi luôn tổ chức các tiết dạy để trẻ hoạt động nhiều. Về giáo dục lễ giáo, tôi thực hiện mọi lúc, mọi nơi nhằm trang bị cho trẻ kỹ năng sống ban đầu để trẻ phát triển tốt trong tương lai. Trước tiên là biết kính trọng người lớn tuổi, thương yêu, giúp đỡ bạn nhỏ, chơi biết nhường nhịn và chia sẻ đồ chơi cùng bạn”.

Còn cô Nguyễn Thị Diễm, GV Trường Mầm Non Sao Mai, chia sẻ: “Tôi luôn tạo mọi điều kiện để trẻ hoạt động và học tập, giúp trẻ hứng thú tham gia trò chơi vận động, dân gian, hoạt động tham quan, quan sát môi trường, thiên nhiên, chăm sóc cây xanh, vườn rau,... tạo cơ hội cho trẻ tự do khám phá một cách tự nhiên, hứng thú và sáng tạo. Trong mọi hoạt động, tôi đặt nhiều câu hỏi giúp trẻ suy nghĩ, giải quyết vấn đề và phát triển tư duy. Tôi cũng luôn lắng nghe trẻ, trò chuyện, chỉ dẫn, đưa ra gợi ý, khuyến khích trẻ, chơi cùng trẻ, củng cố kiến thức cho trẻ”.

Chính môi trường giao tiếp cởi mở, thân thiện giữa cô và trẻ, giữa trẻ với bạn, với môi trường xung quanh giúp cô hiểu trẻ hơn, trẻ hiểu nhau hơn. Từ đó, trẻ cảm thấy yêu cô, yêu bạn và thích đến trường.

Giáo viên chủ động, sáng tạo tổ chức hoạt động phong phú để trẻ không nhàm chánĐiển hình như em Võ Tá Sơn, lớp Lá 2, Trường Mẫu giáo Sao Mai, khi mới vào học rất rụt rè, thụ động, chỉ chơi một mình và không muốn đến lớp. Nhưng chỉ sau 3 tháng được học theo phương pháp “lấy trẻ làm trung tâm”, bé trở nên lanh lợi, tự tin và hòa đồng cùng bạn.

Theo cô Phạm Thị Kim Toàn, nếu như trước đây, GV lên lớp dự kiến bài dạy của mình như thế nào thì chuyển tải hết nội dung như thế đấy, còn chương trình giáo dục mầm non “lấy trẻ làm trung tâm” yêu cầu GV phải căn cứ vào khả năng của trẻ để đáp ứng. Vì vậy, để chất lượng giáo dục trẻ được nâng lên thì nhân tố tác động trực tiếp chính là GV. GV phải luôn chủ động và sáng tạo; tổ chức các hoạt động phong phú để trẻ không nhàm chán.

Chuyên đề “lấy trẻ làm trung tâm” giúp trẻ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, làm việc theo nhóm để được trải nghiệm, trao đổi, chia sẻ và trình bày ý kiến của mình. Đặc biệt, trẻ biết suy nghĩ và vận dụng những điều được học vào thực tế cuộc sống, giải quyết các tình huống mà trẻ gặp phải,... Từ đó, trẻ mạnh dạn, tự tin phát huy khả năng sáng tạo khi tham gia các hoạt động giáo dục và phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ./.

"Sau gần 1 năm triển khai, diện mạo các trường mầm non có nhiều khởi sắc. Môi trường bên trong và bên ngoài các lớp được đầu tư, bố trí, khai thác, sử dụng hiệu quả. Trẻ có nhiều cơ hội học tập cũng như tham gia các hoạt động".

Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo) - Đinh Thị Kim Nguyên

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết