Tiếng Việt | English

23/04/2020 - 14:18

Xây dựng môi trường không khói thuốc lá

Từ năm 2015, Long An được Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) của Bộ Y tế hỗ trợ kinh phí cho công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh. Từ đó đến nay, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm giảm số người sử dụng thuốc lá cũng như thực thi Luật PCTHTL và xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, trường học.

Hàng năm, tỉnh đều tổ chức giám sát thực thi Luật PCTHTL hay việc thực hiện các hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn nhằm đánh giá hoạt động này của các đơn vị. Thông qua đó có cơ sở phân tích, làm rõ thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân tồn tại, hạn chế để có định hướng, giải pháp cụ thể tham mưu Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh có kế hoạch hành động cụ thể trong thời gian tới.

Nhiều đơn vị làm tốt

Qua các đợt giám sát cho thấy, được sự quan tâm và chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, trường học đã tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt các hoạt động PCTHTL. Hầu hết các đơn vị đều thành lập ban chỉ đạo PCTHTL, xây dựng kế hoạch năm và tổ chức thực hiện theo kế hoạch.

Các đơn vị sở, ngành tỉnh thực hiện tốt công tác PCTHTL, tuyên truyền dưới nhiều hình thức đến cán bộ, công chức, người lao động tại đơn vị như lồng ghép vào các cuộc họp giao ban, sinh hoạt dưới cờ, Ngày Pháp luật, sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc thi; tổ chức ký cam kết từ đầu năm giữa các cá nhân, phòng, ban, công đoàn với lãnh đạo về thực hiện công tác PCTHTL. Các trường THCS, THPT tổ chức cho phụ huynh, học sinh ký cam kết không hút thuốc trong khuôn viên trường học.

Đa số các đơn vị được giám sát đều có niêm yết nội quy, đưa quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế vào quy chế nội bộ, tiêu chí thi đua bình xét cá nhân, tập thể.

Các bảng tuyên truyền về xây dựng môi trường không khói thuốc lá được gắn ở hầu hết cơ quan, đơn vị

Thực thi Chỉ thị 16 của UBND và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh, qua các đợt giám sát, hầu hết các đơn vị đều dán bảng cấm hút thuốc ở những nơi quy định; gắn biển báo “Cơ quan không khói thuốc lá”, “Bệnh viện không khói thuốc lá”, “Ngôi trường không khói thuốc lá” và các đề can cấm hút thuốc ở phòng làm việc, phòng họp, nhà xe, căng tin, cổng ra vào, nhà vệ sinh,…

Tại các cơ sở y tế, các góc giáo dục sức khỏe được treo các áp phích, tờ rơi, tờ bướm về tác hại của thuốc lá đến sức khỏe con người để tuyên truyền đến thân nhân, bệnh nhân. Lồng ghép nội dung này trong các buổi truyền thông trực tiếp, các buổi họp hội đồng người bệnh ở các khoa và bệnh viện. Các trung tâm y tế, bệnh viện phân công bảo vệ nhắc nhở người thăm nuôi và bệnh nhân không được hút thuốc lá trong bệnh viện. Các bệnh viện tổ chức phong trào thi đua xây dựng môi trường cơ sở y tế không khói thuốc đều có tổng kết tại các khoa, phòng. Đây cũng là một trong những tiêu chí thi đua cuối năm của đơn vị.

Một số trường học, đơn vị tổ chức các hoạt động PCTHTL cho học sinh, cán bộ đơn vị như thi vẽ tranh PCTHTL, thi hái hoa dân chủ, Rung chuông vàng, kể chuyện từ bỏ thuốc lá của Bác Hồ, giám sát chuyên đề PCTHTL của Đảng bộ,… Không có hiện tượng nhận tài trợ, quảng cáo, gạt tàn thuốc lá, sử dụng thuốc lá, bày bán thuốc lá trong khuôn viên đơn vị.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Một số UBND xã, phường, thị trấn chưa thành lập ban chỉ đạo PCTHTL, chưa đưa nội dung này vào báo cáo của đơn vị, chưa nắm rõ thành phần của ban chỉ đạo và chưa phân công nhiệm vụ cụ thể từng người.

Nhiều đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Thế giới không khói thuốc lá chưa bao quát được các hoạt động nhằm xây dựng đơn vị, bệnh viện, trường học không khói thuốc. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch của đa số đơn vị chưa đạt yêu cầu. Kế hoạch thiếu mục tiêu, chỉ tiêu, lịch hoạt động, phân công người phụ trách công việc và các hoạt động chỉ ở mức độ tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCTHTL, thiếu nhiều hoạt động khác như tập huấn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, khen thưởng,...

Hầu hết các đơn vị có tổ chức các hoạt động tuyên truyền PCTHTL nhưng hình thức chưa phong phú, chủ yếu là thông báo trong cuộc họp giao ban, sinh hoạt dưới cờ và thiếu các loại tài liệu truyền thông. Mỗi buổi lại đưa ra quá nhiều nội dung làm người nghe khó theo dõi dẫn đến hiệu quả không cao.

Việc giám sát các hoạt động PCTHTL của đa số các đơn vị, trường học, bệnh viện chưa thực hiện tốt. Do đó, hiệu quả chưa như mong muốn, còn nhiều mẩu tàn thuốc lá tại khuôn viên đơn vị, nhất là UBND các xã, phường, thị trấn.

Hình thức xử lý các trường hợp vi phạm quy định cấm hút thuốc lá trong khuôn viên cơ quan, đơn vị chủ yếu là nhắc nhở nhưng cũng không thường xuyên so với hành vi hút thuốc. Nguyên nhân là người dân vùng sâu, vùng xa còn thói quen hút thuốc lá ở mọi lúc, mọi nơi, việc nhắc nhở thường làm người dân phật ý, không hài lòng. Ngoài ra, một số cán bộ ở tuyến xã chưa quan tâm, chưa có nhiều kiến thức về tác hại của thuốc lá, Luật PCTHTL cũng như không có nhiều hoạt động để phổ biến đến người dân, nhất là nông dân lớn tuổi, cựu chiến binh.

Riêng các trung tâm y tế, bệnh viện, việc xử lý các trường hợp hút thuốc còn khó khăn. Lực lượng bảo vệ mỏng, thường phải túc trực ở các điểm như cấp cứu, khoa khám bệnh, cổng ra vào,… nên không thể quán xuyến hết mọi nơi. Biện pháp từ chối chữa trị, tiếp xúc cũng không thể áp dụng được tại bệnh viện.

Tuy nhiên, so với đợt giám sát năm: 2016, 2017, 2018 thì tình trạng hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện năm 2019 giảm nhiều. Đa số bệnh nhân, thân nhân người bệnh biết là không được phép hút thuốc trong bệnh viện và lực lượng bảo vệ cũng kiên quyết hơn trong nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm.

Đa số cán bộ tuyên truyền tại các đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm nên còn hạn chế trong việc triển khai thực hiện các hoạt động xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Đa số đơn vị thiếu tài liệu truyền thông về PCTHTL. Việc xử phạt người hút thuốc cũng gặp nhiều khó khăn khi các đơn vị chưa nắm rõ quy trình xử phạt. Một số thắc mắc thường gặp trong việc xử phạt như cá nhân có được phép xử phạt ngoài giờ hành chính; cá nhân được phép phạt hay phải thành lập đoàn; ai có quyền phạt hoặc có cần quyết định cho phép người có quyền xử phạt; cùng một người nhưng không biết khi nào được phạt khi nào không được phép phạt; biên lai xử phạt theo mẫu nào, tiền phạt thu xong tiếp tục làm như thế nào; báo cáo cho ai, báo như thế nào; quản lý tiền phạt ra sao;…

Giải pháp cho thời gian tới

Để hoạt động PCTHTL đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, tỉnh rất cần Quỹ PCTHTL Bộ Y tế hỗ trợ kinh phí cho những năm tiếp theo, mở thêm nhiều lớp tập huấn cho cán bộ của các cơ quan trong tỉnh được phân công phụ trách hoạt động PCTHTL, sản xuất thêm các tài liệu truyền thông để đáp ứng nhu cầu.

Các đơn vị cần được hướng dẫn quy trình xử phạt người hút thuốc ở những nơi có quy định cấm; hướng dẫn cấp thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt hành chính các cá nhân vi phạm Luật PCTHTL; hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông tại đơn vị; hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông cho lực lượng người lao động trong tỉnh về PCTHTL.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết