Tiếng Việt | English

03/01/2020 - 11:16

Xây dựng nhà, hộ liền kề không cho tô vách

Hiện nay, pháp luật vẫn chưa có chế tài và cụ thể hóa việc hướng dẫn về ranh giới giữa các bất động sản liền kề. Từ vấn đề này, nhiều hộ gia đình xây dựng nhà phải “bất lực” khi hộ liền kề không cho tiếp tục thi công, không cho tô vách nhà, khiến công trình chưa sử dụng đã xuống cấp trầm trọng. Trường hợp giữa gia đình ông Nguyễn Văn Vân với ông Võ Thành Long, cùng ngụ ấp Tân Điền, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An là một ví dụ.

Vách tường nhà ông Nguyễn Văn Vân chưa được tô vì hàng xóm không đồng ý cho mượn không gian để tô vách tường
Vách tường nhà ông Nguyễn Văn Vân chưa được tô vì hàng xóm không đồng ý cho mượn không gian để tô vách tường

Không thể tô vách

Theo phản ánh của ông Vân, giữa tường nhà của ông và tường rào của ông Long có khe hở khoảng 0,1m dẫn đến tường nhà ông Vân bị thấm nước khi trời mưa do vách tường không được tô. Con trai ông Vân có qua nhà trình bày và xin phép ông Long cho trét phần ximăng qua phần tường rào nhà ông Long để khắc phục tình trạng nước mưa thấm vào tường nhà thì ông Long không phản đối. Sau đó, ông Vân có trét ximăng chồm qua ranh tường rào gia đình ông Long khiến ông Long không hài lòng. 

Ông Vân bức xúc: “Gia đình ông Long đập phần ximăng mà tôi đã trét qua phần tường rào nhà ông Long. Hiện nay, cả 2 gia đình xảy ra hiềm khích, ông Long không cho đụng chạm, kể cả việc đụng chạm từ phía tường nhà tôi đến tường rào nhà ông Long qua để tô vách. Hậu quả, nhà tôi bị nứt nẻ, nước mưa thấm vào tường gây ẩm thấp, xuống cấp trầm trọng”.

Trước tình hình trên, gia đình ông Vân đã nhiều lần làm đơn gửi UBND xã nhờ can thiệp, song tất cả đều đi vào ngõ cụt. Khi phóng viên đến nhà và liên hệ hộ gia đình ông Long để tìm hiểu vụ việc nhưng không gặp được ông. 

Tại biên bản hòa giải ngày 14/7/2019, ông Long có ý kiến đồng ý cho ông Vân tháo dỡ tường rào của ông để tô vách tường phía bên ông Vân. Sau đó, ông Vân phải xây dựng trả lại hiện trạng tường rào cho nhà ông Long. Ngoài ra, nếu ông Vân không tô vách thì có thể lắp máng xối để thu nước, không để nước vào nhà ông Vân và kể cả qua phần sân tường rào nhà ông Long. Thế nhưng, sau khi buổi hòa giải kết thúc, ông Long lại đổi ý và không đồng ý cho ông Vân tô vách tường. Nhiều lần chính quyền địa phương mời hộ ông Long lên hòa giải và vận động thỏa thuận cho hộ ông Vân khắc phục tô vách tường nhưng ông Long báo bận việc và không có ở địa phương nên vụ việc tiếp tục kéo dài.

Chưa thể chế tài và cụ thể hóa 

Khi hỏi về biện pháp giải quyết vụ việc trên, Chủ tịch UBND xã Long Thượng - Ngô Thanh Tuấn cho biết: “Khi xảy ra việc tranh chấp, chúng tôi cử cán bộ xuống địa bàn để nắm tình hình, hòa giải, xử lý vụ việc theo thẩm quyền. Tại cuộc họp giải quyết tranh chấp với đủ thành phần của địa phương dự, dù chúng tôi đã giải thích, đưa ra nhiều hướng giải quyết để hàn gắn tình làng, nghĩa xóm nhưng cả hai phía đều không thống nhất. Do đó, tới đây phải nhờ đến cơ quan thẩm quyền có quyết định giải quyết cuối cùng”. 

Luật Dân sự 2015 nêu rõ tại khoản 2, Điều 175 về Ranh giới giữa các bất động sản: “Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh đất trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác…”. Như vậy, những người sử dụng đất liền kề có thể thỏa thuận về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn. Do pháp luật chưa có chế tài và cụ thể hóa hướng dẫn về ranh giới đất, nên trong xây dựng hầu hết các hộ liền kề đều thỏa thuận nhau để tạm thời “mượn” khoảng không gian bắt giàn giáo, thang hay nhờ tô vách tường nhà và hầu như đều được chấp nhận. Tuy nhiên, người nhờ phải bảo đảm không làm hư hại, ảnh hưởng đến tài sản, sinh hoạt của gia đình hộ liền kề. Trường hợp trên, nếu 2 bên không thỏa thuận được, có thể khởi kiện đến tòa án để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Từ vụ việc trên, đối chiếu với những quy định tại Điều 174 và 175 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng và ranh giới giữa các bất động sản thì cách hành xử của ông Long không sai nhưng xét về quan hệ xóm giềng thì có chút lấn cấn. Vì theo truyền thống đạo lý của dân tộc ta “tình làng, nghĩa xóm” được đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, chỉ vì chút mâu thuẫn trong việc ông Vân không chủ động trực tiếp nói chuyện với ông Long mà kêu con qua nói chuyện, ông Long đã “làm khó” hàng xóm của mình. Mong rằng, những mâu thuẫn trên sẽ sớm được hóa giải để 2 nhà thêm thắt chặt tình xóm giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”, đây cũng là nội dung trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hiện nay”./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích