Tiếng Việt | English

24/11/2016 - 16:02

Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Nâng chất lượng giáo dục toàn diện

Với mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) ở các trường học trong tỉnh Long An luôn được các cấp, các ngành và người dân đặc biệt quan tâm. Xây dựng trường CQG không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bảo đảm chất lượng phổ cập giáo dục mà còn từng bước hiện đại hóa nhà trường.

Được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, tỷ lệ các bé đến lớp tại Trường Mầm non xã Phước Lợi ngày càng tăng

Động lực nâng cao chất lượng dạy và học

“Trước thời điểm năm học 2013-2014, các bé theo học mẫu giáo ở xã Phước Lợi, huyện Bến Lức chỉ được học 1 buổi/ngày. Cơ sở vật chất trường lớp, ngoài những căn nhà được xây dựng với vỏn vẹn khoảng 24m2/căn và một số đồ dùng học tập do các cô tự tạo thì hầu như các bé không được vui chơi nhiều. Toàn xã có 5 điểm trường được xây dựng tại mỗi ấp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của 300-350 em mỗi năm” - cô Trần Thị Thu Gương - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Lợi nhớ lại.

Trước thực tế đó, qua nhiều lần kiến nghị, năm 2013, Trường Mẫu giáo Phước Lợi được đầu tư hơn 14,7 tỉ đồng để xây dựng và bắt đầu phục vụ năm học 2013-2014. Theo cô Trần Thị Thu Gương, từ khi có trường mới, việc dạy và học của cô, trò có những bước tiến đáng tự hào.

Từ chỗ hàng năm chỉ có từ 300-350 em theo học, năm học 2016-2017, trường đón nhận 700 em với 17 lớp học từ lớp mầm đến lớp lá. Sau khi được đầu tư xây dựng, với sự nỗ lực, phấn đấu, tháng 12-2013, trường chính thức được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận trường đạt CQG giai đoạn 1. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu học tập của các bé, năm 2015, trường tiếp tục được đầu tư thêm 4,7 tỉ đồng, xây mới thêm 4 phòng học và trang bị dụng cụ, đồ chơi cho các bé. Đến nay, tất cả các bé tại 2 lớp mầm, 7 lớp chồi và 8 lớp lá đều được học bán trú 2 buổi/ngày, giúp phụ huynh tin tưởng, yên tâm khi cho con em theo học.

Không những vậy, trường đạt CQG, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng lên không ngừng. Trong tổng số 37 cô đang trực tiếp dạy các bé và làm công tác quản lý thì chỉ còn 4 cô đạt chuẩn, còn lại đều vượt chuẩn.

Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên tại những trường đạt chuẩn quốc gia

Huy động các nguồn lực

Trong số các địa phương có tỷ lệ trường đạt CQG cao thì hiện nay, huyện Tân Trụ là một trong những minh chứng rõ nét khi có tới 31/32 trường đạt CQG giai đoạn 2010-2015.

Đến nay, trong tổng số 654 trường từ bậc mầm non đến THPT và 18 cơ sở giáo dục thường xuyên, có 179 trường đạt CQG theo tiêu chí mới, chiếm 27,3%.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Trụ - thầy Trương Thế Hiền cho biết: “Bắt tay vào xây dựng trường CQG, địa phương cũng gặp những khó khăn khi cơ sở vật chất ở nhiều trường chưa đáp ứng được so với chuẩn. Trong khi đó, vốn đầu tư xây dựng hàng năm có tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục. Điển hình là việc thiếu phòng học 2 buổi/ngày, lớp bán trú và các phòng chức năng còn diễn ra tại nhiều trường.

Trước thực tế đó, huyện tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, bằng nhiều nguồn vốn huy động từ ngân sách của Trung ương, tỉnh, huyện và của các tổ chức xã hội, việc xây dựng trường CQG trên địa bàn huyện thật sự có những bước tiến đáng tự hào. Đến cuối năm 2015, 31/32 trường được công nhận đạt CQG. Trong đó, có 6 trường đạt chuẩn mức độ 2. Tính theo tiêu chí mới thì Tân Trụ có 8 trường đạt chuẩn. Kết quả đó góp phần giúp ngành giáo dục huyện giữ vững phổ cập bậc tiểu học và THCS”.

Bên cạnh việc được các cấp, các ngành liên quan quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, nhiều năm qua, Tân Trụ là một trong số ít huyện phát huy được nguồn lực của nhân dân thông qua chủ trương xã hội hóa giáo dục. Nhiều hạng mục nhà trường được xây dựng từ nguồn quỹ huy động của mạnh thường quân, doanh nghiệp và của nhân dân.

Trường THPT Tân Trụ, một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của huyện Tân Trụ

Trong giai đoạn 2012-2015, nguồn huy động từ công tác xã hội hóa của huyện đạt trên 6,6 tỉ đồng. Điển hình như Trường Tiểu học Võ Văn Vọng trước đây là điểm phụ tại ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh, nhờ xã hội hóa đóng góp trên 3,8 tỉ đồng để xây mới và thành lập Trường Tiểu học Võ Văn Vọng như hiện nay; xây mới nhà ăn và tráng xi măng lối đi cho Trường Tiểu học Bình Trinh Đông với số tiền trên 2 tỉ đồng,...

“Song song với việc được đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Trụ còn tập trung tuyên truyền, phối hợp 3 môi trường giáo dục trong việc giáo dục học sinh, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, nâng cao chất lượng dạy và học” - thầy Trương Thế Hiền cho biết thêm.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, trong tổng số 654 trường từ bậc mầm non đến THPT và 18 cơ sở giáo dục thường xuyên, có 179 trường đạt CQG theo tiêu chí mới, chiếm 27,3%. Việc xây dựng trường đạt CQG là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến một nền giáo dục hoàn thiện, tạo cơ hội bình đẳng về điều kiện học tập cho mọi trẻ em ở các vùng KT-XH khác nhau, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của ngành./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết