Tiếng Việt | English

02/06/2017 - 10:26

Xây dựng và phát triển văn hóa: Con người là “gốc”

“Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo...”. Đó là một trong những quan điểm của Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, xây dựng, phát triển văn hóa phải từ “gốc” là con người.


Chiến dịch Mùa hè xanh - Môi trường để tuổi trẻ rèn luyện, cống hiến và trưởng thành

Những người làm đẹp cho đời

Cơn mưa chiều vừa dứt, những hộ dân ở ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An lại xắn quần, mang cuốc ban đất con đường đang thi công trước nhà. “Đồng hành” với mọi người có ông Nguyễn Văn Bền, 77 tuổi. Tuổi cao, không thể trực tiếp cầm cuốc nhưng từ ngày thi công con đường, ông chưa bao giờ vắng mặt mà luôn theo sát động viên, đôn đốc mọi người làm việc.

“Con đường này sẽ được đổ bêtông, có chiều dài hơn 500m do “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ngày thường có thợ đến làm nhưng bữa nay trời mưa nên họ nghỉ. Thấy vậy, người dân trong xóm mang cuốc ra ban đất bằng phẳng để hôm sau nắng ráo, thợ làm dễ và nhanh hơn. Ai cũng mong con đường hoàn thành sớm nên cùng nhau góp sức” - ông Bền nói.

Không những góp sức, mọi người còn góp của. Khi vận động hiến đất, góp tiền nâng cấp đường, mọi người đều đồng ý. Ông Bền nói rằng: “Tôi hiến 480m2 đất ruộng và góp 6 triệu đồng. Trước đây, con đường này là lối đi nhỏ nên khi vận động mở rộng mặt đường 4m, đổ bêtông, mọi người đồng ý ngay vì thấy được lợi ích của việc đầu tư xây dựng giao thông nông thôn”.

Ngoài hiến đất làm đường, ông Bền từng hiến 100m2 đất xây dựng giếng nước sạch cho người dân sử dụng. Với những đóng góp cho địa phương, ông được UBND huyện Châu Thành biểu dương là điển hình tiên tiến Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016. Ông cùng người dân xã Hòa Phú - những người luôn vì lợi ích cộng đồng, tạo thành sức mạnh nội sinh, xây dựng thành công xã văn hóa, nông thôn mới.


Ông Nguyễn Văn Bền (người chỉ tay) trò chuyện, động viên người dân chung sức làm đường để đi lại thuận lợi hơn

Làm đẹp cho đời, mỗi người một cách như việc hiến đất của ông Bền hay niềm đam mê làm từ thiện của chị Huỳnh Thị Rẫy, 33 tuổi, ngụ ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Quê ở tỉnh Tiền Giang, chị Rẫy làm thuê trong một cửa hàng kinh doanh gas ở xã 7 năm nay. Với mức lương 7 triệu đồng/tháng, phải lo cho con ăn học và chi phí sinh hoạt trong gia đình nhưng chị vẫn sẵn lòng làm từ thiện. Chị Rẫy bộc bạch: “Khi địa phương vận động, tôi đều ủng hộ. Sinh ra trong cảnh nghèo nên thấy những hoàn cảnh cực khổ, kém may mắn, tôi rất đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ”.

Mỗi lần ủng hộ không nhiều, chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng đó là tấm lòng của chị. Chị hỗ trợ tiền cho các hoạt động từ thiện: Thùng nước miễn phí, thức ăn miễn phí và ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, học sinh nghèo hiếu học của xã. Bất cứ hoạt động nào, chỉ cần địa phương “lên tiếng”, chị đều vui lòng hỗ trợ. “Của ít lòng nhiều”, chị vui và hạnh phúc khi làm việc thiện, góp thêm việc làm ý nghĩa cho cuộc sống.

Cùng với lối sống “mình vì mọi người” như ông Bền, chị Rẫy còn là những người bản lĩnh, vượt qua gian khổ và thành công trong cuộc sống. Đó là câu chuyện chinh phục vùng đất khó của vợ chồng anh Trần Hoàng Thông, ở xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Long An năm 1998, về giảng dạy tại xã biên giới xa xôi, hẻo lánh, đi lại khó khăn nên đôi lần, vợ chồng anh cũng nản lòng. Nhưng rồi, nhìn những em học trò nghèo ham học nên vợ chồng anh vẫn bám đất, bám trường. Vững lòng bám trụ dạy chữ cho các em ở vùng biên suốt mấy chục năm, vợ chồng anh chị đều là giáo viên dạy giỏi.

Ngoài ra, để cải thiện đời sống trong những ngày chật vật vì lương giáo viên còn ít, vợ chồng anh Thông tiết kiệm, tích góp và vay mượn họ hàng, bè bạn mua đất trồng lúa. Từ 2ha ban đầu, bây giờ, diện tích đất ruộng mà anh chị sở hữu ở Tân Hiệp hơn 20ha, hàng năm, có thu nhập trên 500 triệu đồng. “Tân Hiệp bây giờ là quê hương thứ 2 thân thương của chúng tôi. Ở đây, tình yêu với nghề dạy học ngày càng sâu nặng và rèn cho tôi bản lĩnh vượt qua gian khó” - anh Thông chia sẻ.


Đường về xóm, ấp được bêtông hóa. Trong đó, có sự đóng góp của người dân - những người luôn ý thức cao trong việc cùng địa phương xây dựng quê hương ngày càng phát triển

Con người là chủ thể

Theo báo cáo kết quả thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2016, trong tỉnh có trên 1.000 cá nhân được biểu dương, khen thưởng trong các phong trào thi đua yêu nước. Đó là những tấm gương người tốt - việc tốt trong nhiều phong trào: Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, Người con hiếu thảo, Vượt khó học giỏi, Tuổi trẻ sống đẹp, Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Tương thân tương ái, Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, Uống nước nhớ nguồn, giảm nghèo, đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, các công trình phúc lợi xã hội,... gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Người tốt, việc tốt ngày càng nhiều, lan tỏa trong xã hội là kết quả mà Nghị quyết số 33-NQ/TW mang lại khi đi vào đời sống. Trong đó, cụ thể là Chương trình số 38-CTr/TU, ngày 17-10-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW xác định mục tiêu cụ thể cần hướng đến: Tạo môi trường thuận lợi để cá nhân phát triển về nhân cách, đạo đức, lối sống, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật,...

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng nâng chất. Diện mạo nông thôn khởi sắc qua việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tinh thần tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước;... ngày càng lan tỏa. Những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dân tộc tiếp tục được gìn giữ, phát huy.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Dũng, để con người thật sự văn minh, văn hóa, phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những phong trào thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, phải kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt - việc tốt để nhân rộng những nhân tố điển hình, tích cực, đẩy lùi những cái xấu. Song song đó, cần xây dựng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh như gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa,... nhằm hướng con người đến những giá trị tốt đẹp, tránh xa thói hư, tật xấu, đẩy lùi tệ nạn xã hội và kéo giảm tình trạng đạo đức xuống cấp như hiện nay. Khi đó, con người sẽ phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Khẳng định vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội; trong đó, con người là trung tâm, chủ thể để xây dựng, Nghị quyết 33-NQ/TW đề cao yếu tố con người trong quá trình xây dựng nền văn hóa nói chung và phong trào xây dựng đời sống văn hóa nói riêng. Khi hội tụ, rèn luyện đủ đầy những phẩm chất tốt đẹp, con người sẽ là nhân tốt tích cực, nền tảng vững chắc trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bến Lức - Nguyễn Thị Thanh Bình:

Văn hóa và con người không thể tách rời và có tác động qua lại với nhau. Nếu con người là chủ thể xây dựng, phát triển văn hóa thì ngược lại, môi trường văn hóa hình thành những nhân cách tốt. Vì vậy, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, huyện Bến Lức thực hiện nhiều việc làm: Xây dựng cơ sở thờ tự văn hóa, học làm người con hiếu thảo, giáo dục truyền thống trong nhà trường,...

Ông Nguyễn Văn Bền, ngụ ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành:

Để là con người tốt, mỗi người phải tuân thủ pháp luật và làm gương cho các thành viên trong gia đình, cùng nhau xây dựng gia đình văn hóa./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích