Tiếng Việt | English

12/10/2016 - 15:56

Xây dựng văn minh thương mại ở chợ Tân An

“Xây dựng văn minh thương mại ở các chợ cũng góp phần xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa ở địa phương đó. Bởi, chợ không chỉ là nơi mua, bán mà còn là nơi thể hiện thái độ, cách ứng xử của người bán, người mua một cách lịch sự, có văn hóa”.

Đây là ý kiến của một đại biểu huyện Cần Đước, tỉnh Long An, trong một lần thảo luận tổ của kỳ họp HĐND tỉnh, khi nhắc đến việc xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại chợ Tân An, tình trạng nói thách giá, bán hàng kém chất lượng hay to tiếng quát mắng khách hàng vẫn còn xảy ra,...


Quầy bán trái cây nằm gần khu vực rác thải

Vui lòng khách đến, buồn rầu khách đi

Câu nói “Vui lòng khách đến, buồn rầu khách đi” là lời nhận xét tưởng như đùa nhưng lại rất chân thật của Trưởng ban Quản lý chợ Tân An - Nguyễn Văn Luông. Theo ông Luông, chợ Tân An (gồm cả chợ ở phường 2 và phường 1, TP.Tân An) có hơn 1.000 hộ kinh doanh đầy đủ các mặt hàng. Thời gian qua, đa số tiểu thương phục vụ khách hàng khá tốt. Tuy nhiên, cũng có những tiểu thương còn gây phiền hà cho khách khi nói thách giá, cân thiếu, bán không đúng chủng loại,...

Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý chợ Tân An ghi nhận hơn 10 trường hợp khách hàng phản ánh việc cân thiếu. Điều này chủ yếu xảy ra với trường hợp những người kinh doanh nhỏ, không có quầy, sạp tại chợ. Các trường hợp này đều được giải quyết xác đáng để đem đến sự hài lòng cho khách.

Theo ông Luông, việc cân thiếu trọng lượng hàng hóa còn kiểm tra được; còn việc nói thách giá thì rất khó quản lý. Điều này do sự trung thực của mỗi tiểu thương, đừng nên nói thách, gây mất lòng tin với khách hàng. Tuy nhiên, theo ghi nhận, việc nói thách giá vẫn xảy ra ở những sạp bán giày dép, áo quần.


Xây dựng văn minh thương mại từ ý thức và tính trung thực của tiểu thương

Chị N.T.H, ở phường 6, TP.Tân An cho biết: “Tôi từng mua một cái áo ở chợ phường 1. Người bán nói 180.000 đồng nhưng tôi trả giá 150.000 đồng, chủ cửa hàng đồng ý bán”. Qua đó cho thấy, một số tiểu thương tự ý kê giá, nếu khách hàng không trả giá thì mua phải hàng không đúng giá cả.

Ngoài ra, thực hiện văn minh thương mại, các chủng loại hàng hóa ở chợ phải được sắp xếp gọn gàng, bắt mắt. Tuy nhiên, ngoài những cửa hàng bách hóa, kinh doanh mỹ phẩm ở chợ quan tâm việc sắp xếp các mặt hàng thì đa số hàng hóa ở các quầy, sạp khác đều lộn xộn, lộn xộn nhất là các quầy, sạp kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả.

Có tiểu thương chỉ cần đổ rau, củ lên một tấm nylon lót dưới lề đường, lòng đường rồi ngồi bán vô tư. Cùng với đó, vệ sinh môi trường không bảo đảm, khu vực chợ cá ở điểm phường luôn có mùi hôi tanh, thường đọng nước nên rất nhếch nhác. Vì vậy, thời gian tới, khu chợ cá phải được cải tạo hệ thống thoát nước để bảo đảm vệ sinh môi trường” - ông Luông cho biết thêm.

Xây dựng văn minh thương mại là cần thiết

Thời gian qua, Ban Quản lý chợ phối hợp Phòng Kinh tế TP.Tân An tổ chức hội thi kiến thức an toàn thực phẩm cho 50 tiểu thương nhằm nâng cao hiểu biết, bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh. Bên cạnh đó, ở chợ Tân An, việc thực hiện văn minh thương mại chủ yếu được tuyên truyền qua hệ thống loa đài để nhắc nhở người bán, người mua cùng có thái đội hài hòa, vui vẻ khi mua - bán hàng hóa.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ. Bởi, theo ông Nguyễn Văn Luông, văn minh thương mại đâu chỉ có lời cảm ơn, nụ cười vui vẻ dành cho khách mà còn thể hiện ở nhiều mặt khác như cách sắp xếp hàng hóa, bán hàng đúng chủng loại, bảo đảm vệ sinh môi trường, thực hiện an toàn thực phẩm,... Văn minh thương mại có nhiều nội dung nhưng các tiểu thương ở chợ chưa được tập huấn để cùng nâng cao nhận thức và thực hiện tốt.


Khu vực chợ cá ở phường 2 chưa bảo đảm vệ sinh môi trường

Ngày nay, khi hệ thống các siêu thị, cửa hàng bách hóa phát triển ngày càng nhiều với lối phục vụ chuyên nghiệp, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, giá cả được niêm yết nên “sức hút” của các chợ truyền thống giảm dần. Nhiều người tiêu dùng cho rằng, ra chợ phải trả giá, lại không an tâm vì chưa rõ xuất xứ của hàng hóa nên họ chọn phương án vào siêu thị. Vì thế, việc thực hiện văn minh thương mại ở các chợ là điều cần thiết nhằm giữ chân khách hàng và nâng cao uy tín của chợ truyền thống.

Để thực hiện điều này, theo ông Luông, ngoài việc các tiểu thương tự nâng cao ý thức và tính trung thực trong mua bán cũng cần quan tâm công tác tập huấn về văn minh thương mại. Có như vậy, tiểu thương mới nắm bắt các tiêu chí và cùng thực hiện.

Khi văn minh thương mại ở chợ được quan tâm, thực hiện tốt sẽ góp phần xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa. Và hơn hết, việc mua bán sẽ vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Chợ truyền thống cũng sẽ không giảm "sức hút", nơi đáng tin cậy để khách hàng tìm đến./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích