Tiếng Việt | English

28/06/2017 - 11:08

Xây dựng vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 12/7/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Đước, tỉnh Long An về phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững, UBND huyện xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên địa bàn huyện từ năm 2016 -2020 nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Xây dựng vùng rau công nghệ cao

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Quyết tâm của Cần Đước là xây dựng vùng sản xuất rau ƯDCNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu phát triển, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện. Từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân trong vùng theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường”.

Phấn đấu đến năm 2020, được tỉnh công nhận 700ha là vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao

Theo kế hoạch, cuối năm 2020, huyện đề nghị tỉnh công nhận 700ha là vùng sản xuất rau ƯDCNC, trong đó các xã: Long Khê 220ha, Long Trạch 220ha, Long Hòa 100ha, Phước Vân 160ha; 85% nông dân trồng rau trong vùng thực hiện đề án được tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau an toàn; 70% diện tích sản xuất rau trong vùng dự án bằng phân hữu cơ; hơn 50% hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp có liên kết với nông dân; Hơn 50% sản lượng sản xuất rau an toàn ƯDCNC được hợp đồng tiêu thụ.

Để tiến đến vùng rau ƯDCNC vào năm 2020, hiện nay, có khoảng 700ha chuyên canh rau tập trung tại các xã: Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Phước Vân, Tân Trạch, Long Cang, Long Sơn, năng suất bình quân 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 150.000 tấn/năm. Chủ yếu rau ăn lá chiếm 85% (cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, bồ ngót, rau muống,...); rau gia vị chiếm 5% (hành lá, húng lủi, húng cây, rau diếp, quế, tía tô,...); rau ăn quả chiếm 10% (dưa leo, bầu, bí, mướp, đậu bắp,...).

Vào mùa khô, diện tích sản xuất rau giảm do thiếu nước tưới, chỉ còn khoảng 500ha. Nhiều mô hình sản xuất rau đạt hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGAP là 16,75ha (HTX Rau an toàn Phước Hòa, HTX Rau an toàn Long Khê, HTX Rau an toàn Đồng Thuận, HTX Rau an toàn Việt).

“Đến nay, việc thực hiện đề án hoàn thành công tác xây dựng 5 mô hình ƯDCNC trồng rau bằng phân hữu cơ sinh học tại 4 xã: Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Phước Vân (mỗi mô hình khoảng 1ha); xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông về rau ƯDCNC năm 2017 và giai đoạn 2017-2020; thống nhất với Tổ công tác của tỉnh về phân cấp quản lý, xác định các mô hình và nguồn kinh phí triển khai thực hiện mô hình; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại TP.HCM; mở 1 điểm thí nghiệm bán rau an toàn tại thị trấn Cần Đước” - ông Nguyễn Hồng Chương cho biết thêm.

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân) - Kiều Anh Dũng thông tin: “HTX được thành lập vào năm 2006. Chủng loại rau được trồng rất phong phú, bao gồm các loại rau ăn lá: Cải xanh, cải ngọt, cải bông, rau mồng tơi, rau muống, rau dền,... chiếm 60% diện tích; các loại rau ăn trái: Khổ qua, dưa leo, đậu, bầu, bí, mướp, cà chua,... chiếm khoảng 30% diện tích; các loại rau gia vị: Ớt, hành, húng cây, húng quế, tía tô,... chiếm 10% diện tích. Nhờ sản xuất rau theo hướng an toàn, tạo ra sản phẩm sạch nên đầu ra tương đối ổn định. Hiện nay, ngoài Siêu thị Co.opmart trên địa bàn TP.Tân An, chỉ có 1 cửa hàng bán rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP của HTX Rau an toàn Phước Hòa tại phường 2, TP.Tân An; đây là địa điểm đáng tin cậy để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sạch, an toàn. HTX Phước Hòa là đơn vị cung cấp rau, củ, quả sạch VietGAP các loại cho Trung tâm Phân phối SATRA (thuộc chi nhánh Công ty Thương mại Sài Gòn). Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp cho Trung tâm Phân phối SATRA trên 1 tấn rau, củ, quả các loại. Nhờ vậy mà nông sản ổn định đầu ra, nông dân an tâm sản xuất”.

Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Mười Hai (xã Long Khê) - Lê Văn Giấy chia sẻ: “Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, các thành viên trong THT chú trọng ứng dụng công nghệ, đó là trồng rau bằng phân hữu cơ sinh học, dùng phương pháp che phủ lưới và hệ thống tưới tự động. Không những sản xuất sản phẩm sạch mà còn áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, hạn chế cỏ dại, sâu, bệnh và đặc biệt là bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bảo vệ môi trường. Hiện nay, toàn bộ thành viên THT đều sử dụng hệ thống tưới tự động. Áp dụng phương pháp tưới này có thể giảm sử dụng thuốc trừ sâu khoảng 50% và rút ngắn thời gian thu hoạch rau từ 5-6 ngày”.

Mục tiêu thời gian tới

Cũng theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Hồng Chương: “Mục tiêu xây dựng đề án trong năm 2017 là xây dựng thêm 3 mô hình trình diễn sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học trong sản xuất trên rau ăn lá và gia vị tại các xã: Long Khê (1 mô hình), Long Trạch (1 mô hình), Phước Vân (1 mô hình) và thực hiện nhân rộng 150ha: Xã Long Khê 50ha, Long Trạch 50ha, Phước Vân 50ha; xây dựng 3 điểm ứng dụng tưới tiết kiệm, mỗi điểm 500m2 ở các xã: Long Khê, Long Trạch, Phước Vân. Năm 2018, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, giảm lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác rau; nhân rộng 3 điểm ứng dụng tưới tiết kiệm, mỗi điểm 500m2 ở xã Long Khê, Long Trạch, Phước Vân; xây dựng 5 mô hình sử dụng phân hữu cơ và nhân rộng 200ha. Năm 2019, tiếp tục xây dựng 7 mô hình sử dụng phân hữu cơ và nhân rộng 250ha. Phấn đấu đến năm 2019, toàn huyện có 600ha sản xuất rau bằng phân hữu cơ; đến năm 2020, toàn huyện có 700ha sản xuất rau bằng phân hữu cơ; 80ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP, cuối năm 2020, được tỉnh công nhận 700ha là vùng sản xuất rau ƯDCNC”.

Từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân trong vùng

Theo Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường, xây dựng vùng sản xuất ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững là sự liên kết chặt chẽ giữa HTX, THT, doanh nghiệp với nông dân, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường; phát triển toàn diện đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.

Song song đó, thời gian tới, các ngành chuyên môn thường xuyên sâu sát, đồng hành cùng HTX giữ vững mô hình trồng rau theo VietGAP, mở rộng diện tích trồng rau sử dụng phân hữu cơ sinh học, quy hoạch vùng rau chất lượng và quy mô nhằm cung cấp cho thị trường, bảo đảm yêu cầu của người tiêu dùng, xúc tiến giới thiệu rau an toàn của địa phương tại các điểm bán ở các chợ, siêu thị, các trung tâm trong và ngoài huyện. Quyết tâm của Huyện ủy, UBND huyện Cần Đước là thực hiện hiệu quả Chương trình đột phá Phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích