Tiếng Việt | English

24/01/2018 - 09:50

Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em: Còn lắm khó khăn

Mục đích của việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (XDXPTTPHVTE) là tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh, xóa dần mức sống chênh lệch giữa trẻ em thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình XDXPTTPHVTE của tỉnh Long An còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành.

Từ khi tham gia Câu lạc bộ Quyền trẻ em, em Trinh (thứ 2, từ trái qua) mạnh dạn trong giao tiếp

Hiệu quả từ một mô hình

Năm 2011, Long An phát động mô hình XDXPTTPHVTE và nhận được sự thống nhất của các cấp, các ngành. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PHVTE. Kết quả này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu của các địa phương; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Cụ thể, năm 2017, toàn tỉnh có 2.669 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc bằng các hình thức: Hưởng trợ cấp hàng tháng, thăm hỏi, tặng quà, khám lọc bệnh, cấp thẻ bảo hiểm y tế, cấp học bổng,... Em Lê Thị Ngọc Trâm (ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Ba mẹ em chia tay nhau, mẹ đi lấy chồng khác. Ba phải làm thuê kiếm tiền nuôi 3 anh em em. Biết được hoàn cảnh gia đình em, nhà trường và địa phương thường xuyên hỗ trợ học bổng, tập sách giúp chúng em vượt qua khó khăn”.

Nhờ sự giúp đỡ của nhà trường và chính quyền địa phương, em Lê Thị Ngọc Trâm (thứ 3, hàng đầu, phải qua) được nhận nhiều suất học bổng cùng những phần quà ý nghĩa

Điểm nổi bật của mô hình là tổ chức được nhiều diễn đàn trẻ em, thành lập được 14 câu lạc bộ (CLB) Quyền trẻ em. Qua đó, giúp các cấp, các ngành và phụ huynh nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của trẻ em để có cách giải quyết phù hợp. Thị xã Kiến Tường là một trong những địa phương đầu tiên thành lập CLB Quyền trẻ em.

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thị xã Kiến Tường - Nguyễn Thanh Long cho biết: “Thị xã chọn xã Bình Hiệp làm điểm thành lập CLB Quyền trẻ em. Tại đây, các em được vui chơi, giải trí, phát biểu ý kiến, tư vấn về các kỹ năng sống. Sau thời gian thực hiện, nhiều trẻ em mạnh dạn trao đổi với cha mẹ, người thân về quyền, bổn phận và những ước mơ của mình”.

Sau khi tham gia CLB Quyền trẻ em, em Nguyễn Thị Mai Trinh (học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) được tìm hiểu về luật giao thông đường bộ, kỹ năng giải quyết xung đột,... Đặc biệt, em không còn rụt rè, sống khép kín với bạn bè và người thân mà ngược lại, rất vui vẻ, hòa đồng trong giao tiếp và thành tích học tập ngày càng tốt hơn.

Còn lắm khó khăn

Bên cạnh những kết quả, mô hình XDXPTTPHVTE ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh - Nguyễn Mạnh Cang cho biết: “Hiện nay, nhu cầu về sân chơi cho trẻ em rất lớn. Để giải quyết tình trạng trên, địa phương tận dụng sân chơi trong trường học cho học sinh tiểu học vui chơi, còn học sinh THCS sinh hoạt trong nhà văn hóa ấp hoặc trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã. Tuy nhiên, Trường Tiểu học Tân Lập B, các nhà văn hóa ấp và trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã không được trang bị đồ chơi ngoài trời. Do đó, các em cũng không có được một sân chơi đúng nghĩa”.

Việc tận dụng sân chơi trong các trường học chỉ có thể giải quyết cục bộ một phần khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí 14 về điểm vui chơi, giải trí và tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, rèn luyện thể chất cho trẻ em.

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết thêm: "Một số đồ chơi trong các trường học ở thị xã Kiến Tường xuống cấp và không đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em. Trước tình hình đó, Phòng LĐ-TB&XH nhiều lần kiến nghị các ngành liên quan sớm sửa chữa lại các dụng cụ, nhằm phục vụ một phần nhu cầu vui chơi, giải trí của các em, nhất là trẻ em vùng sâu, nhưng vẫn chưa có câu trả lời".

Không chỉ gặp khó khăn về sân chơi cho trẻ em, một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí 11 “Tỷ lệ huy động trẻ em đến trường, lớp mầm non”. Cụ thể, năm 2017, toàn tỉnh có 11,67% trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ, nhóm trẻ.

Bà Nguyễn Thị Thảo - cán bộ LĐ-TB&XH xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Từ khi thực hiện mô hình XDXPTTPHVTE, xã luôn bị trừ điểm ở tiêu chí số 11. Bởi, hầu hết trẻ em từ 0-2 tuổi đều được ông bà, cha mẹ giữ nên việc huy động ra lớp rất khó, trong khi đó, kinh tế của những gia đình này cũng gặp nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, các ngành chức năng sớm có biện pháp cùng địa phương tháo gỡ khó khăn ở tiêu chí này”.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết: “Thời gian qua, các tiêu chí XDXPTTPHVTE được UBND tỉnh phân công cụ thể cho các ngành, đoàn thể phụ trách. Tuy nhiên, một số ngành vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc XDXPTTPHVTE, đồng thời, một số địa phương xây dựng mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn mang tính hình thức, chất lượng mô hình chưa đạt yêu cầu. Nhằm nâng cao chất lượng XDXPTTPHVTE, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh củng cố, kiện toàn tổ chức và phát huy vai trò của ban chỉ đạo XDXPTTPHVTE các cấp; tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em,... 

Đặc biệt, ngành tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; theo dõi chỉ đạo và tổ chức thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm đến quyền và lợi ích của trẻ em”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết