Tiếng Việt | English

23/08/2016 - 11:40

Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em - Đừng chạy theo thành tích

Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (XPTTPHVTE) là một trong những phong trào mang lại hiệu quả nhất, góp phần tạo cho trẻ môi trường sống an toàn và lành mạnh, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Kết quả bước đầu

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết: “Thời gian đầu khi mới phát động phong trào xây dựng XPTTPHVTE, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác triển khai và đăng ký tham gia thực hiện; kế hoạch chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn mang tính hình thức; một số tiêu chí để đạt được cần nguồn kinh phí lớn,…”.

Trước tình hình đó, sở mạnh dạn tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, trong đó có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc xây dựng XPTTPHVTE nhằm phân công trách nhiệm cho từng thành viên. Sở cũng phối hợp các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng XPTTPHVTE và vận động các ngành chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Trẻ em là đối tượng cần được tạo môi trường sống, an toàn và lành mạnh

Sau 5 năm thực hiện, toàn tỉnh có 7 huyện, thị xã có 100% XPTTPHVTE như: Cần Đước, Cần Giuộc, Mộc Hóa, Đức Hòa,... Đặc biệt, Thạnh Hóa là huyện vùng sâu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi tỉnh phát động phong trào xây dựng XPTTPHVTE, huyện tích cực đăng ký tham gia. Qua 5 năm, Thạnh Hóa không ngừng nâng chất và giữ vững danh hiệu XPTTPHVTE. Kết quả, huyện có 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Còn khó khăn

Bên cạnh những kết quả đã đạt, phong trào xây dựng XPTTPHVTE còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, một số tiêu chí được công nhận nhưng còn mang tính hình thức. Điển hình như tiêu chí 15 - thực hiện mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn thiếu bền vững. Ngoài ra, tiêu chí 14 - điểm vui chơi, giải trí của trẻ em chưa đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ, nhất là trong dịp hè.

Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức - Đào Bá Lộc cho biết: “Hầu hết những xã được công nhận nông thôn mới thì mới có điểm vui chơi, giải trí cho trẻ tại trung tâm văn hóa-thể thao và học tập cộng đồng. Tuy nhiên, các trung tâm cũng chỉ có “cái vỏ” vì không trang bị đồ chơi cho trẻ. Hiện nay, vấn đề thiếu sân chơi cho trẻ luôn là tình trạng nan giải của địa phương, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Tình trạng huy động trẻ đến nhóm trẻ, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường mẫu giáo, trường mầm non cũng đạt tỷ lệ rất thấp, vì gia đình không có điều kiện, các lớp, nhóm trẻ chưa đáp ứng đủ nhu cầu,...”.

Phong trào xây dựng XPTTPHVTE là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần tạo điều kiện cho trẻ có được môi trường sống an toàn và lành mạnh. Vì vậy, để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, cần sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành. Đặc biệt, các đoàn kiểm tra cần đánh giá các tiêu chí XPTTPHVTE phải trung thực, rõ ràng và không chạy theo thành tích. Có như vậy, trẻ em mới thực sự có điều kiện phát triển toàn diện.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích