Tiếng Việt | English

21/12/2016 - 09:16

Xích lô ngoài phố

Nếu ở những nơi phát triển du lịch, hình ảnh chiếc xích lô chở khách dạo quanh ngoài phố phổ biến thì ở TP.Tân An, tỉnh Long An hình ảnh chiếc xích lô khá hiếm. Những chiếc xích lô còn tồn tại đến ngày nay ở thành phố vừa là “cần câu cơm” của người lao động tự do, vừa là “ký ức”, nét văn hóa một thời còn lưu giữ đến hôm nay,...


Dù có thể đổi nghề nhưng các thành viên trong tổ xích lô ở Bến xe Long An vẫn gắn bó với loại xe thô sơ này

1. Bến xe Long An nhiều lần thay đổi! Tổ xích lô của bến xe gần 30 năm trước cũng biến động theo thời gian. “Hồi trước, tổ chúng tôi có mấy chục người đạp xích lô nhưng bây giờ, chỉ còn lại 10 người. Xe Honda ôm, xe taxi phát triển, khách ít đi xích lô nên mấy anh em trong tổ chuyển nghề chạy Honda ôm. Còn tụi tui, vì gắn bó với chiếc xích lô khá lâu nên không nỡ bỏ và “đeo” đến tận hôm nay” - ông Phan Văn Ra (56 tuổi) - Tổ trưởng Tổ xích lô ở Bến xe Long An cho biết.

10 người trong tổ, ông Út Lung (62 tuổi) là người lớn tuổi nhất, người “trẻ” nhất cũng xấp xỉ 50 - là anh Duy. Mỗi người mỗi cảnh nhưng họ đều là lao động nghèo, là những người đạp xích lô từ những năm 1990 còn “sót” lại đến bây giờ. Mỗi ngày, các thành viên trong tổ chia ca chạy theo thứ tự để bảo đảm mỗi người đều có thu nhập trang trải cuộc sống. Ông Ra nói thêm: “Trung bình mỗi người kiếm được 150.000 đồng/ngày, đủ để lo cơm nước phụ gia đình. Mấy anh em trong tổ cũng dành ra ít tiền đóng phí lại cho bến xe và đóng quỹ để đến tết tổ chức liên hoan hoặc khi có hữu sự, anh em thăm hỏi nhau”.

Những người đạp xích lô ở Bến xe Long An thân nhau như anh em trong gia đình! Lúc xích lô còn thịnh, họ cùng chung niềm vui. Khi xích lô thưa dần, họ cùng buồn, cùng tiếc nuối. Và dù xích lô không còn được chuộng như trước, họ vẫn “níu kéo” thời vàng son. Một thành viên trong Tổ xích lô cười nói: “Xích lô bây giờ chủ yếu chở hàng hóa cho khách quen chứ ít chở người như lúc trước. Biết là khó khăn nhưng chúng tôi không nỡ chuyển nghề khác”.

Nếu như 30 năm trước, mỗi ngày, một thành viên trong tổ chạy ít nhất 20 chuyến xích lô chở người thì bây giờ, những chuyến xích lô ngoài phố thưa dần. Mỗi người chạy chưa đến 10 chuyến/ngày với giá vài chục ngàn đồng/chuyến tùy khoảng cách gần, xa. Cũng có những lúc, người đạp xích lô nhận thù lao một chuyến cao gấp đôi, gấp ba khi chở khách Việt kiều tham quan TP.Tân An. “Đó là những người con của đất Tân An, xa quê và sinh sống tận trời Tây. Ngày về, họ muốn ngồi trên chiếc xích lô, dạo quanh thành phố thăm lại những nơi từng qua, từng gắn bó lúc còn ở quê nhà. Những người khách Việt kiều như được cảm nhận trọn vẹn những đổi thay, sự phát triển của quê hương trong từng vòng quay chậm rãi, thong dong, bình yên của xích lô.

“Lúc chở khách Việt kiều, ngoài việc đạp xích lô, chúng tôi còn là “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ, giới thiệu về những điểm thay đổi của Tân An. Và, thường vào những ngày cận tết, Việt kiều trở về quê khá nhiều nên những chuyến xích lô của chúng tôi đỡ vắng lặng hơn ngày thường” - ông Ra cho biết.

Cũng theo ông Ra, khách hàng chọn xích lô để đi lại ngày nay chủ yếu là người già, từng chứng kiến sự thăng trầm của xích lô theo thời cuộc. Một trong số đó là ông Bảy Trà, có tuổi đời ngoài 70, ở đất Chợ Lớn. “Hàng tuần, cứ đôi ba hôm, ông Bảy Trà lại đi xe buýt xuống Tân An bỏ trà cho các cửa hàng. Với mấy túi trà gọn, nhẹ, ông có thể đi xe Honda ôm cho nhanh nhưng ông vẫn đi xích lô với giá 30.000 đồng/chuyến. Ông Bảy Trà là một trong những khách hàng thân thiết và còn giữ niềm đam mê đi xích lô đến tận bây giờ” - ông Ra chia sẻ.

Với những người đạp xích lô, gặp những khách hàng như ông Bảy Trà là niềm vui. Vui vì trong cuộc sống hiện đại ngày nay, vẫn còn người chuộng xích lô như thế!


Khác với những năm trước, xích lô bây giờ ít chở người mà chủ yếu chở hàng hóa gọn, nhẹ, ít cồng kềnh

2. Khác với Tổ xích lô tại Bến xe Long An, chiếc xích lô của anh T. (xin giấu tên) ở phường 2, TP.Tân An “chuyên” chở hàng. Giữa trưa nắng gắt, hình ảnh người đàn ông tuổi gần 50, da đen, gầy nhom còng lưng đạp xích lô toát lên cái khổ cực của nghề này. Khổ cực nên phải có đam mê, có tình yêu mới có thể gắn bó hơn 20 năm với nghề! Anh T. bảo rằng: “Nhiều lần tôi chuyển nghề làm phụ hồ nhưng nhớ xích lô nên trở lại nghề cũ. Bây giờ, ngày nào không có khách gọi chở hàng, nhìn chiếc xích lô nằm im trong góc nhà, tôi lại thấy buồn”. Nghề đạp xích lô với anh T. vì thế tuy cực mà vui vì anh được tiếp tục giữ nghề yêu thích gắn bó từ thời trai trẻ.

Tuy nhiên, giữ nghề, ngoài vì đam mê mà còn vì kế mưu sinh. Những chuyến xích lô chở hàng hóa từ 7 giờ đến 18 giờ mỗi ngày dù chỉ mang về số tiền hơn 100.000 đồng nhưng đó là thành quả lao động chân chính. “Nhà tôi có 2 anh em nên số tiền này cũng đủ lo cơm nước hàng ngày. Cuộc sống người nghèo chỉ cần như thế là đủ!” - anh T. bộc bạch.

Có những hôm, khách yêu cầu chở hàng từ TP.Tân An đến tận thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành nhưng anh T. vẫn đồng ý. Bởi những chuyến đi xa, anh được trả tiền công gấp đôi (khoảng 60.000 đồng) so với các chuyến đi gần trong thành phố. Vì cuộc sống, nên có cực hơn anh T. vẫn cảm thấy vui!

Những chiếc xích lô “tuổi” gần 30 “nằm dài” một góc bến xe đợi khách hay chậm rãi từng vòng quay trên phố đều gợi lại một thời “hưng thịnh” của xích lô ngày trước. Và, dù cuộc sống có phát triển đến đâu, chiếc xích lô ngoài phố vẫn mang nét văn hóa đặc trưng, mang nét đẹp bình dị giữa vô vàn phương tiện hiện đại ngày nay!

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích