Tiếng Việt | English

12/08/2020 - 16:34

Xin lỗi đúng lúc

Trong cuộc sống, không ai không mắc lỗi lầm. Dù lớn dù nhỏ, lỗi do ta gây ra cũng làm người khác phiền lòng. Lúc này, lời xin lỗi có thể hóa giải những mâu thuẫn. Chính người có lỗi sau khi xin lỗi cũng thấy nhẹ lòng hơn, còn đối phương cũng có thể dễ dàng bỏ qua khi nhận được lời xin lỗi. Từ nhỏ, chúng ta đã được cha mẹ, thầy cô dạy khi gây ra lỗi phải biết nhận lỗi và xin lỗi. Lời xin lỗi phải thể hiện được lòng chân thành, sự ăn năn, hối lỗi. Lời xin lỗi thật lòng luôn giúp những người trong cuộc cảm thấy nhẹ lòng hơn và dễ dàng bỏ qua, xí xóa lỗi lầm cho nhau. Còn nhớ, câu chuyện một cậu bé vô tình làm gãy kính xe ôtô nhưng không biết chủ nhân của chiếc xe ở đâu nên cậu dán một mảnh giấy nhỏ lên xe xin lỗi và để lại số điện thoại của cha mình để chủ nhân chiếc xe tiện liên lạc. Câu chuyện được lan truyền trên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của nhiều người. Ắt hẳn chủ xe sẽ không thể nào giận một cậu bé ngoan ngoãn, biết xin lỗi khi làm sai và sẵn sàng nhận trách nhiệm như vậy. Khác với sự thành khẩn là lời xin lỗi chiếu lệ thể hiện qua thái độ miễn cưỡng, không thấy lỗi của mình. Lúc này, lời xin lỗi dường như không có tác dụng và càng làm mâu thuẫn thêm sâu sắc.

Xin lỗi còn là nét văn hóa trong giao tiếp. Lời xin lỗi ở đầu câu dễ tạo thiện cảm với người đối diện, như “Xin lỗi, cho tôi hỏi mấy giờ rồi?”, “Xin lỗi, cho tôi hỏi đường nào đến chợ?”. Khi nghe được những câu hỏi nào có ai không vui vẻ trả lời không? Và tất nhiên, người đối diện sẽ có cái nhìn thiện cảm với người hỏi thăm.

Lời xin lỗi có một sức mạnh riêng của nó, có thể hóa giải được mâu thuẫn, làm mối quan hệ của con người trở nên tốt đẹp hơn. Đừng quên xin lỗi khi có lỗi và lời xin lỗi chân thành không chỉ giúp đối phương hài lòng mà còn làm người có lỗi nhẹ lòng hơn./.

Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết