Tiếng Việt | English

28/05/2017 - 19:41

Xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận Tổ về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, theo Tờ trình của Chính phủ thì quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, nguyên nhân được nhấn mạnh là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của xử lý nợ xấu.


Đại biểu Hoàng Văn Liên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu

Đại biểu Hoàng Văn Liên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu: Trong Dự thảo Nghị quyết có nhiều nội dung chưa được quy định trong pháp luật hiện hành; có nội dung khác so với quy định hiện hành trong một số luật.

Theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì Quốc hội có thẩm quyền ban hành Nghị quyết quy định: “Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”.

Do đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết nhằm áp dụng thí điểm một số chính sách mới để hỗ trợ xử lý nợ xấu là phù hợp và cần thiết. Về vấn đề cụ thể của Nghị quyết, Đại biểu đề nghị cần bổ sung một điều Luật riêng giải thích từ ngữ vì có nhiều thuật ngữ chuyên ngành để nhận thức và áp dụng thống nhất.

Điều 7, tên điều luật: Quyền thu giữ tài tài sản, nhưng lại thiết kế 3 nội dung lớn: Thứ nhất là quyền thu giữ tài sản; thứ hai là trình tự, thủ tục thu giữ; thứ ba là cơ chế bảo đảm việc thu giữ và xử lý trách nhiệm nếu có sự cản trở, chống đối. Vì vậy, đề nghị tách mỗi nội dung trên thành từng điều Luật khác nhau, dễ hiểu, dễ áp dụng.

Mặt khác, cần xem xét lại nội dung của Điều 7, như bổ sung nội dung: Nếu tài sản bảo đảm đang bị tranh chấp hoặc đang bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác hoặc đang kê biên trong vụ án hình sự, thì không tiến hành thu giữ tài sản. Về một số loại thời hạn, Dự thảo luật quy định là “10 ngày làm việc” là không hợp lý. Thực tế, 10 ngày làm việc thì đủ 2 tuần, nếu tính cả thứ 7 và chủ nhật là 14 ngày; do đó, để giải quyết thủ tục thu giữ tại các khoản tương ứng của điều Luật thì nên quy định là 15 ngày thì mới hợp lý.

Đồng thời, cần xem xét lại chủ thể được Tống đạt văn bản Thông báo thu giữ tài sản (Dự thảo chỉ quy định Niêm yết văn bản Thu giữ tài sản tại UBND xã và gửi Thông báo cho bên bảo đảm). Thực tế, nhiều trường hợp còn có cả người liên quan khác cần được thông báo về việc thu giữ tài sản, nhưng Dự thảo chưa quy định nên cần quy định bổ sung.

Điều 8, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm quy định, Đại biểu cho rằng nội dung Dự thảo khác với “Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn”(Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự). Do đó, cần giao cho Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn thi hành Điều 8 Nghị quyết, để áp dụng thống nhất pháp luật trong hệ thống Tòa án.

Tại cuộc họp, một số ý kiến đại biểu băn khoăn về việc nợ xấu gây tổn thất rất lớn cho xã hội và có những quyết định từ phía chủ ngân hàng, cổ đông, lẫn các cơ quan quản lý, gây ra tranh cãi. Do đó, quy định tại Nghị quyết phải bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, tránh bỏ sót trách nhiệm của các cá nhân gây sai phạm, để lại hậu quả nghiêm trọng. Các đại biểu cũng lưu ý cần phải xác định rõ ranh giới giữa việc gây ra nợ xấu và lợi dụng để phạm tội./.

Quốc Phan

Chia sẻ bài viết