Tiếng Việt | English

10/03/2018 - 08:26

Xuất khẩu gạo khởi sắc

2 tháng đầu năm 2018, lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) tại Long An ước khoảng 75.000 tấn. Theo nhiều DN, hợp đồng thương mại xuất khẩu gạo hiện rất khả quan và dự báo có nhiều khởi sắc trong năm 2018.

Tại doanh nghiệp xuất khẩu gạo, công nhân hối hả làm việc để kịp chuyến hàng xuất khẩu

Dấu hiệu khởi sắc

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu hơn 860.000 tấn gạo. So cùng kỳ năm ngoái, gạo xuất khẩu tăng 17% về lượng, 34% về giá trị nhờ giá tăng. Hiện, Long An có 21 DN được phép xuất khẩu gạo. 2 tháng đầu năm 2018, các DN này xuất khẩu ước đạt 75.000 tấn, chiếm hơn 8,7% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Lý giải việc xuất khẩu gạo tăng trong những tháng đầu năm 2018, Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Lương thực Thực phẩm Long An (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) - Đặng Thị Liên cho rằng: “Hiện, thời tiết không thuận lợi cho trồng trọt nên nhu cầu thu mua gạo của một số nước khá cao. Bên cạnh đó, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đa số là gạo chất lượng cao, gạo thơm nên tạo được uy tín, niềm tin với đối tác”. Đến cuối tháng 02-2018, Cty của bà Liên xuất khẩu 14.000 tấn gạo và nếp sang các thị trường: Trung Quốc, Malaysia, Singapore,...

Những ngày này, Cty TNHH Việt Thanh có nhiều khách hàng đến từ một số nước tham quan dây chuyền sản xuất gạo cũng như điện thoại tìm hiểu về nguồn cung. Giám đốc Cty - Đặng Văn Thanh cho biết: Đến hết tháng 02-2018, Cty xuất khẩu hơn 10.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc, Indonesia, Philippin,... Dự kiến, năm 2018, Cty xuất khẩu khoảng 100.000 tấn.

Bà Đặng Thị Liên cho biết thêm, nếu trước đây, Trung Quốc là thị trường chính nhập khẩu gạo của Việt Nam thì nay, thị trường phong phú hơn. Điều này có nghĩa, DN Việt Nam đang giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường chính.

Cần sự chung tay

Nguồn cung gạo dành cho xuất khẩu tăng nên giá thu mua lúa trong tỉnh cũng tăng, nông dân rất phấn khởi. Theo số liệu thống kê từ Sở Công Thương, 2 tháng đầu năm 2018, các DN kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh mua khoảng 84.000 tấn lúa. Những ngày đầu tháng 3, giá lúa, gạo tuy có chiều hướng giảm do nông dân bắt đầu thu hoạch rộ vụ Đông Xuân nhưng vẫn ở mức cao so những năm trước. Hiện, giá xuất khẩu tăng khoảng 15% so với năm 2017.

Cụ thể, thời điểm cuối tháng 02, lúa tươi: OM 4900 giá 5.700 đồng/kg, lúa OM 5451 5.600 đồng/kg (giảm 700-800 đồng/kg); giá lúa khô: OM 6976 6.250 đồng/kg và IR 50404 6.150 đồng/kg (giảm 450 đồng/kg); giá gạo loại 5% - 15% - 25% tấm lần lượt là 8.900 - 8.700 - 8.500 đồng/kg (giảm 700 đồng/kg); gạo Nàng Hoa 12.200 đồng/kg và gạo Jasmine 12.200 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg), nếp 10% 10.800 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg). Giá xuất khẩu gạo loại 5% - 10% - 15% - 25% tấm lần lượt là 410 - 405 - 400 - 390 USD/tấn (giảm 30-35 USD/tấn) và gạo thơm Jasmine 575 USD/tấn (giảm 5 USD/tấn),...

Bà Đặng Thị Liên cho biết: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có đưa ra giá sàn xuất khẩu gạo nhưng một số DN lại không thống nhất giá bán mà ngấm ngầm bán giá rẻ. Khách hàng dù thân thiết đến mấy nhưng vì lợi nhuận vẫn sẵn sàng quay lưng, bắt tay với DN bán với giá rẻ hơn.

Cũng theo bà Liên, DN xuất khẩu cùng ngành nghề nên đoàn kết, cùng thống nhất giá bán tốt nhất cho khách hàng. Nếu DN bán được giá cao thì tất nhiên sẽ thu mua giá lúa từ nông dân cao và ngược lại, bán giá quá thấp thì dễ xảy ra tình trạng ép giá nông dân lẫn thương lái./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết