Tiếng Việt | English

20/05/2018 - 08:42

Xứng đáng với danh hiệu chiến sĩ thi đua

Năm 2017, toàn tỉnh có 82 cá nhân có thành tích xuất sắc, được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Họ chính là những cá nhân điển hình, tiêu biểu nhất trong phong trào Thi đua yêu nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Vì đàn em thân yêu

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An năm 1992, cô Lê Kim Phương (quê xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) tình nguyện về công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dinh, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa. Trải qua ngần ấy năm với nhiều nỗ lực, đóng góp trong công tác giảng dạy, cô Phương đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2005 và năm 2017, được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Với tình yêu nghề, cô Lê Kim Phương kiên trì bám trụ với vùng  đất khó trong sự nghiệp trồng người gần 26 năm qua

Với tình yêu nghề, cô Lê Kim Phương kiên trì bám trụ với vùng  đất khó trong sự nghiệp trồng người gần 26 năm qua

Cô Phương tâm sự: “Trước đây, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dinh là một trong những ngôi trường vùng sâu của huyện Mộc Hóa. Ngày ấy, việc đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, học sinh, giáo viên phải di chuyển bằng xuồng, ghe. Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học còn thiếu thốn, tạm bợ. Với đồng lương ít ỏi, đời sống của giáo viên vô cùng chật vật. Nhiều đồng nghiệp cùng thời với tôi phải bỏ nghề, tìm công việc khác mưu sinh”. Khó khăn, trở ngại là thế nhưng với tình yêu nghề, gần 26 năm, cô Phương vẫn kiên trì bám trụ với vùng đất khó. “Ngoài giờ lên lớp, tôi luôn cố gắng học hỏi thêm từ sách, báo, Internet để tìm những phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi chủ động tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, sức học của từng em để kịp thời hỗ trợ các em trong học tập” - cô Phương chân tình nói.

Là Tổ trưởng Tổ chuyên môn khối lớp 3, cô Phương lập kế hoạch, lựa chọn nội dung, tổ chức sinh hoạt khối theo tinh thần đổi mới, áp dụng nhiều sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Nổi bật là đề tài Biện pháp giúp học sinh thực hiện tốt phép tính chia lớp 3 hay Nâng cao hiệu quả học toán cho học sinh lớp 3 thông qua trò chơi học tập,... Các đề tài này đều được ứng dụng hiệu quả vào thực tế, mang lại hiệu quả cao. Năm học 2016-2017, 100% học sinh lớp cô Phương chủ nhiệm hoàn thành chương trình học, trong đó có 10 học sinh hoàn thành xuất sắc.

Sáng tạo trong công việc

Anh Lê Thanh Duẫn (SN 1989) công tác tại Phòng Dự án - Phần mềm, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, gần 6 năm.

Hàng năm, anh Lê Thanh Duẫn đều có các sáng kiến cải tiến công việc

4 năm liền (2013 đến 2016), anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, năm 2017 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Với sức trẻ, niềm đam mê tìm tòi, sáng tạo, hàng năm, anh đều xây dựng các đề tài sáng kiến cải tiến công việc, góp phần làm nên thành công chung cho đơn vị. Gần đây nhất có thể kể đến sáng kiến Xây dựng phần mềm một cửa cho Trung tâm Phục vụ hành chính công theo mô hình liên thông kết nối với phần mềm một cửa của các sở, ngành. Anh Duẫn cho biết: “Phần mềm xây dựng tính năng luân chuyển hồ sơ theo quy trình động ứng với quy trình xử lý của từng loại thủ tục hành chính đã được cấu hình trước, có thể dễ dàng thay đổi khi có yêu cầu thực tế phát sinh. Phần mềm cũng được thiết kế mở giúp dễ dàng cập nhật, nâng cấp”. Việc áp dụng phần mềm này giúp giảm thời gian đi lại cho tổ chức, cá nhân, đồng thời giảm thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho cán bộ của Trung tâm Phục vụ hành chính công, tăng hiệu suất, hiệu quả làm việc của trung tâm và còn làm tăng tính minh bạch trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ.

Trước đó, vào năm 2015, anh Duẫn đưa ra sáng kiến Xây dựng phần mềm và dịch vụ công cấp độ 3 quản lý chứng chỉ hành nghề dược, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Với phần mềm này, người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến và chỉ phải đến duy nhất 1 lần (thay vì phải đến nhiều lần như trước đây) để thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại bộ phận “một cửa”. “Phần mềm này sẽ tự động thông báo kết quả xử lý cho người dân, doanh nghiệp qua email khi hồ sơ được giải quyết. Người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu để biết được tình trạng xử lý hồ sơ của mình. Cán bộ chuyên môn có thể quản lý, tra cứu chứng chỉ, chứng nhận dễ dàng trên phần mềm so với sổ sách trước kia. Ngoài ra, phần mềm cũng hỗ trợ tự động xuất các biểu mẫu chứng chỉ, chứng nhận, các mẫu báo cáo, thống kê số liệu” - anh Duẫn thông tin thêm.

Hết lòng vì người bệnh

Với những cố gắng không mệt mỏi trong công tác cũng như nghiên cứu khoa học cùng sự tận tụy, hết lòng vì người bệnh, bác sĩ Phạm Văn Tựu - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền và được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, huyện. Năm 2017, bác sĩ Tựu đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Bác sĩ Phạm Văn Tựu - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc, khám cho bệnh nhân

Bác sĩ Phạm Văn Tựu - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc, khám cho bệnh nhân

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM năm 1989 chuyên ngành Nhi khoa, bác sĩ Tựu về công tác tại Bệnh viện huyện Tân Thạnh. Hơn 20 năm làm việc tại Tân Thạnh, gần 9 năm chuyển về công tác tại Cần Giuộc, dù ở bất cứ vị trí nào, ông cũng không ngừng học hỏi, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào khám và điều trị nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Trên cương vị Trưởng khoa Cấp cứu, ông từng bước củng cố hoạt động của khoa, không để xảy ra sai sót chuyên môn ảnh hưởng đến bệnh nhân. Nhằm nâng cao chất lượng điều trị, chất lượng phục vụ bệnh nhân, bác sĩ Tựu và các nhân viên trong khoa thường xuyên cập nhật thông tin, kỹ thuật lâm sàng mới, áp dụng điều trị hiệu quả, hạn chế tai biến chuyên môn, tạo niềm tin đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Theo bác sĩ Tựu, mỗi ngày, khoa cấp cứu tiếp nhận khoảng 60 bệnh nhân, trong khi chỉ có 3 bác sĩ. Mặc dù áp lực công việc tương đối lớn nhưng ông vẫn dành thời gian nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ công việc. Năm 2015, ông thực hiện đề tài cải tiến bệnh án điều trị cắt cơn nghiện ma túy thành bệnh án xác định tình trạng nghiện ma túy nhóm Opiats; năm 2016, ông xây dựng đề tài Tình hình tai nạn, thương tích tiếp nhận cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cần Giuộc;... Hiện, các đề tài, sáng kiến của bác sĩ Phạm Văn Tựu đều phát huy tốt, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân, tạo uy tín cho bệnh viện.

Dù công tác ở những lĩnh vực khác nhau nhưng điểm chung ở họ là sự nỗ lực, tận tụy, sáng tạo trong công việc. Họ là những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực mình công tác, xứng đáng là chiến sĩ thi đua./.

Năm 2017, công tác tổ chức thi đua và khen thưởng tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực, phát triển sâu rộng đến các thành phần, các tầng lớp nhân dân, kiều bào và đội ngũ công nhân, lao động trực tiếp. Nổi bật là các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thi đua ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính;...

Năm qua, toàn tỉnh có 5.184 trường hợp được khen thưởng, gồm: 4.584 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 82 Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 111 cờ thi đua của UBND tỉnh, 407 tập thể lao động xuất sắc. Tỉnh đề nghị và được Trung ương khen thưởng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với 202 trường hợp; khen cống hiến 10 cá nhân; 1 tập thể nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất; 7 tập thể nhận Huân chương Lao động các hạng; 4 tập thể nhận cờ thi đua của Chính phủ; 8 tập thể và 83 cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết