Tiếng Việt | English

14/03/2017 - 14:54

Ý chí vượt khó của thanh niên

Phong trào ‘‘Đồng hành với thanh niên (TN) lập thân, lập nghiệp’’ nhằm tạo việc làm cho TN nông thôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác Đoàn và phong trào TN. Đây là một trong những yếu tố nhằm tập hợp và thu hút TN nông thôn tham gia sinh hoạt Đoàn trong thời gian qua.

Vượt khó vươn lên

Ở tuổi 17, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Nguyễn Huỳnh Thảo, ngụ ấp 3, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, tỉnh Long An đành từ bỏ giấc mơ đến trường. Sau thời gian ngắn làm mướn nhưng công việc bấp bênh, anh đành trở về quê nhà học nghề thợ mộc. Gần 10 năm chuyên tâm học nghề, anh tích lũy kinh nghiệm và dành dụm được một số vốn nhỏ. Với quyết tâm tự làm chủ bản thân, cách đây 5 năm, anh mở cơ sở mộc.

Anh Nguyễn Huỳnh Thảo bên máy cưa liên hợp

Anh Thảo chia sẻ: “Gia đình tôi không có đất canh tác. Từ nhỏ, chứng kiến ba mẹ vất vả ngược xuôi nuôi 3 chị em, tôi dặn lòng khi lớn lên phải cố gắng làm việc để ba mẹ đỡ vất vả. Không có nhiều vốn nên tôi mở cơ sở nhỏ và nhận gia công những mặt hàng thông thường. Sau mấy năm tích góp, tôi mở rộng cơ sở và ngày càng có nhiều khách hàng hơn”.

Hiện tại, những khách hàng của anh không chỉ tại xã Hướng Thọ Phú mà còn có những địa phương khác: Tân Trụ, Bến Lức,... Khách đến cơ sở thường là những mối quen và họ truyền tai nhau về tay nghề của anh. Một mình anh vừa làm, vừa đi giao hàng.

Trong tất cả những đồ gỗ nội thất, đóng tủ quần áo là tốn nhiều thời gian và chi phí nhất. Bởi nó đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ đến từng chi tiết dù nhỏ nhất của người thợ. Mỗi tháng, anh nhận 6-7 đơn hàng. Thu nhập bình quân mỗi năm gần 200 triệu đồng. Nhờ cần cù, chịu khó, hiện anh xây dựng được căn nhà khang trang cho ba mẹ và vợ con.

Bí thư Đoàn xã Hướng Thọ Phú - Nguyễn Thanh Phúc nhận xét, anh Thảo dù xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất chịu khó, biết làm ăn và hiện có cuộc sống ổn định. Anh là tấm gương sáng để các bạn đoàn viên, TN học tập. Ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh còn tích cực tham gia phong trào TN do Đoàn xã phát động.

Làm giàu từ vùng đất "chết"

Trong khi nhiều TN nông thôn ở xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng phải rời làng quê đi lập nghiệp, anh Võ Hoàng Anh, ngụ ấp Ba Gò lại lựa chọn cho mình một hướng đi riêng. Có thời gian, anh theo bạn bè đi làm ăn xa nhưng không mang lại nguồn thu nhập ổn định. Về lại vùng biên giới đầy nắng bụi với biết bao khó khăn, thay vì trồng lúa như những hộ dân nơi đây, anh lại chọn trồng dừa để bắt đầu cuộc sống mới.

Đầu năm 2010, anh mua 150 gốc dừa trồng thí điểm. Đến mùa lũ năm 2011, do bị nước ngập lại chưa có kinh nghiệm, hơn một nửa vườn dừa của anh bị chết. Không nản lòng, anh tìm đến tận Bến Tre, Tiền Giang học tập về cách trồng dừa. Với vốn vay từ ngân hàng cùng số tiền mượn của gia đình, anh bắt đầu nhân giống lại. Đến nay, anh trồng 370 gốc dừa bao gồm dừa dứa, dừa lửa, dừa xiêm, dừa Đài Loan,... với diện tích hơn 1ha. Hiện tại, dừa của gia đình anh cho thu hoạch bình quân 50-70 trái/ngày với giá 10.000 đồng/trái.

Anh Võ Hoàng Anh thu nhập ổn định nhờ trồng dừa ăn trái

Anh chia sẻ: “Người dân quê tôi đời sống còn chật vật. Nguồn thu của họ chủ yếu làm lúa nhưng không ổn định vì diện tích ruộng của từng hộ khác nhau. Khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dừa, lúc đầu tôi cũng đắn đo suy nghĩ. Từ thất bại lần đầu cho tôi một bài học đắt giá. Khi làm công việc gì cũng vậy, đòi hỏi chúng ta phải chịu khó tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu. Thay vì phải mua dừa giống như trước đây, hiện tôi tự ươm cây con, tiết kiệm chi phí. Khách mua dừa hầu hết là những người dân trong xã và chủ các bến đò. Cũng có một vài tiệm giải khát, quầy tạp hóa đề nghị tôi bán dừa sỉ cho họ nhưng tôi chưa nghĩ đến vì nguồn dừa hiện tại vẫn không đủ cung cấp”.

Không chỉ trồng dừa, anh tận dụng diện tích mặt nước nuôi hơn 61.000 con cá tra đang trong giai đoạn thu hoạch. Sau 3 năm thực hiện, mô hình này mang lại thu nhập khá cao và ổn định - 250 triệu đồng/năm.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, Huyện đoàn Tân Hưng và Đoàn xã Hưng Điền giới thiệu, nhân rộng ra các ấp khác. Tại địa phương, cũng có những hộ đến tận gia đình anh học tập về cách trồng dừa. Anh sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, năng suất dừa của những gia đình này không cao và nước dừa lại không ngọt như vườn nhà anh nên lâu dần họ bỏ nghề.

Trong câu chuyện kể, anh cho chúng tôi biết, đang mua thêm đất để mở rộng vườn dừa với diện tích lên đến hơn 4ha. Anh mong muốn nhận được sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng, chắc chắn việc làm ăn của anh sẽ thuận lợi hơn.

Bí thư Tỉnh đoàn - Bùi Quốc Bảo cho biết, những năm qua, Tỉnh đoàn phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai nguồn vốn ủy thác cho Đoàn TN với tổng dư nợ trên 250 tỉ đồng, cho hơn 322 tổ vay vốn với trên 12.200 hộ TN, TN nông thôn vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cùng các đơn vị liên quan tư vấn, giới thiệu việc làm và mở những lớp dạy nghề cho TN,... Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả và gương TN sản xuất, kinh doanh giỏi./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết