Tiếng Việt | English

10/10/2017 - 09:44

Y tế trường học - Cần được quan tâm đúng mức

Y tế trường học (YTTH) là nơi chăm sóc sức khỏe; phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh (HS) trong những trường hợp tai nạn, thương tích trước khi chuyển đến bệnh viện. Vì vậy, việc triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe HS trong trường học là rất cần thiết.

Nhân viên y tế chú trọng tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách

Tầm quan trọng của y tế trường học

HS ở độ tuổi đến trường hàng ngày phải đối diện với rất nhiều nguy cơ bệnh tật. Ở trẻ nhỏ thì cảm sốt, nôn trớ, đau bụng; trẻ lớn thì nghịch ngợm, leo trèo dẫn đến xây xát, gãy tay, gãy chân,... cho nên, YTTH có vai trò rất quan trọng.

Chị Nguyễn Thị Bé, ngụ ấp Phú Xuân 1, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, bày tỏ: “Bậc học nào cũng cần có nhân viên y tế (NVYT). Nếu HS có bệnh, xảy ra thương tích thì có người chăm sóc, xử lý kịp thời. Nếu trường học có NVYT chuyên trách, phụ huynh sẽ an tâm hơn”.

Trường Tiểu học Trần Văn Ngạn (xã Phú Ngãi Trị) hiện có 11 lớp, 370 HS, 100% HS học bán trú. Việc chăm sóc sức khỏe HS luôn đồng hành cùng công tác giáo dục của nhà trường. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ngạn - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Nếu để giáo viên (GV) kiêm nhiệm công tác YTTH cũng khó, vì GV chỉ được tập huấn, không đủ chuyên môn xử lý khi trẻ bị bệnh hay bị tai nạn thương tích hoặc tai nạn, thương tích cho HS. Trước đây, không có NVYT, trường thành lập Đội Chữ thập đỏ xung kích. Khi đó, nếu HS có vấn đề về sức khỏe đều được đội này đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ, cấp cứu. Từ ngày có NVYT, hoạt động sơ, cấp cứu và điều trị các bệnh thông thường: Cảm, sốt, đau bụng, ho,... được thực hiện kịp thời tại trường nên thuận lợi hơn trước”.

Đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thì YTTH càng quan trọng hơn. Do phần lớn thời gian ban ngày các em ở trường nên chế độ ăn uống, dinh dưỡng và tình hình sức khỏe phải được chú trọng. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, sơ, cấp cứu rất cần thiết.

Tại Trường Mầm non thị trấn Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa), công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ luôn được NVYT quan tâm. Vì vậy, nhiều năm qua, trường không xảy ra dịch bệnh. Trường có 12 lớp với 437 trẻ, 100% trẻ học bán trú. Hàng tháng, NVYT cân, đo cho trẻ vượt cân, béo phì; hàng quí thì cân, đo cho trẻ có sức khỏe bình thường. Từ đó, trường kịp thời cân đối dinh dưỡng phù hợp cho trẻ suy dinh dưỡng, vượt cân.

NVYT còn theo dõi và cấp phát thuốc, vật dụng y tế cho từng lớp; tham gia kiểm tra các bước chế biến thức ăn, bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời, giám sát vệ sinh ở bếp ăn, nhà ăn và lưu mẫu thức ăn hàng ngày. NVYT còn chú trọng công tác nha học đường, hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách. Việc cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, tham mưu hiệu trưởng triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe, phòng, chống dịch cũng được NVYT quan tâm.

Ngoài ra, thực hiện công tác YTTH, mỗi năm học, các trường tổ chức khám sức khỏe cho HS. Cơ sở giáo dục mầm non có nhiều biện pháp phòng, chống tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ, tổ chức uống vitamin A, tẩy giun định kỳ.

Cấp tiểu học, lồng ghép dạy chương trình nha học đường với 3 nội dung: Giáo dục vệ sinh răng miệng; súc miệng với Fluor; khám và điều trị răng miệng cho HS, kết hợp đoàn khám sức khỏe hướng dẫn HS điều trị tại các chuyên khoa nha. Cấp phổ thông, giáo dục, tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho HS.

Công tác y tế trường học được triển khai hiệu quả sẽ chăm sóc tốt sức khỏe học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường học

Vai trò của công tác y tế trường học rất quan trọng, là nhu cầu thiết thực. Bởi, trong y học, sơ cấp cứu ban đầu còn quan trọng hơn cả điều trị. Đây là lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện thể chất, tinh thần và rất dễ mắc bệnh tật. Môi trường trường học tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Nếu công tác chăm sóc sức khỏe HS giao cho cán bộ y tế ở trạm thì không đảm đương được và cũng không thể sát cánh nhà trường quản lý sức khỏe HS. Nếu HS xảy ra bệnh tật, tai nạn, thương tích mà không có nhân viên y tế cấp cứu kịp thời thì rất nguy hiểm. GV không đủ chuyên môn để quản lý sức khỏe và sơ cấp cứu theo quy trình mà cần phải có nhân viên y tế trình độ thấp nhất là trung cấp Y.

Phó Giám đốc Sở Y tế Long An - Bác sĩ Lê Văn Hậu

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy vai trò YTTH rất quan trọng nhưng thực tế, công tác này đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Ở một số trường, việc chăm sóc sức khỏe HS chưa được quan tâm đúng mức.

Cụ thể, Trường Tiểu học Long Hậu (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) là một trong những trường gặp nhiều khó khăn trong công tác YTTH. Phòng Y tế của trường chưa đạt chuẩn, GV Tổng phụ trách kiêm nhiệm NVYT. Trường cách Trạm Y tế Long Hậu khoảng 4km. Do vậy, HS của trường chịu nhiều “thiệt thòi” trong chăm sóc sức khỏe.

Thầy Phan Đình Hiếu - GV kiêm nhiệm NVYT Trường Tiểu học Long Hậu, chia sẻ: “Vì không có chuyên môn nên tôi không dám phát thuốc cho HS khi các em bị bệnh. Nếu thấy tình hình không ổn thì thầy, cô lập tức chở HS đến trạm y tế. Phòng Y tế của trường hiện chỉ có dầu gió, bông gòn, băng gạc, thuốc đỏ, oxy già và băng cá nhân, xử lý các trường hợp HS bị trầy xước nhẹ. Mặc dù hàng năm, trường mời cán bộ y tế đến tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho HS nhưng công tác này cũng còn nhiều hạn chế so với trường có NVYT”.

Được biết, Trường Tiểu học Long Hậu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với 360/792 HS ăn trưa tại trường. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm rất quan trọng. Trong khi đó, GV kiêm nhiệm NVYT chỉ có thể quan sát, kiểm tra thực phẩm theo sự hiểu biết của mình. Với tổng số HS khá đông, thiếu NVYT chuyên trách nên trường gặp nhiều khó khăn trong xử lý các vấn đề về sức khỏe HS.

Khó khăn phải kể đến nữa là NVYT trường học chưa được quan tâm đúng mức; một số NVYT kiêm nghiệm chưa được bồi dưỡng chuyên môn. NVYT Trường Mầm non thị trấn Thạnh Hóa - điều dưỡng Nguyễn Thành Tâm mong muốn: “NVYT cần được quan tâm nhiều hơn. Cấp trên cần tạo điều kiện để chúng tôi được dự nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn để chăm sóc sức khỏe cho trẻ tốt hơn. NVYT tuy công việc ít nhưng thời gian làm việc nhiều, vì không biết trẻ bệnh tật, thương tích lúc nào nên phải túc trực 24/24, nhưng lương và chế độ thấp. Chính vì vậy, nhiều người bỏ việc vì mức lương không bảo đảm cuộc sống”.

Công tác YTTH được triển khai hiệu quả sẽ chăm sóc tốt sức khỏe HS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường học. Do đó, các cấp, các ngành cần có giải pháp để YTTH được quan tâm đúng mức. Chất lượng chăm sóc sức khỏe HS tăng lên sẽ góp phần quan trọng trong phát triển thể chất lẫn trí tuệ của thế hệ trẻ - nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Mặc dù được quan tâm hơn so với trước đây nhưng YTTH hiện còn rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất còn thiếu so với nhu cầu về công tác YTTH. Đội ngũ NVYT còn nhiều kiêm nhiệm, một số người chưa được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ YTTH.

Ngoài ra, một số NVYT chuyên trách chưa thực hiện hết vai trò, chức trách, nhiệm vụ; nhiều bếp ăn và căn tin của trường chưa có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh hiện có 672 đơn vị: Cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp, cao đẳng và đại học với 672 phòng y tế, trong đó 454 phòng y tế đạt chuẩn, 218 phòng y tế chưa đạt chuẩn. Toàn tỉnh có 673 NVYT (488 chuyên trách và 185 kiêm nhiệm)./.

Ngọc Mận-Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích