Tiếng Việt | English

22/07/2018 - 06:33

Yên Bái, Lào Cai thiệt hại nặng nề về người và của do bão số 3

Người dân đang tích cực thu dọn khắc phục hậu quả do mưa lũ tàn phá. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Người dân đang tích cực thu dọn khắc phục hậu quả do mưa lũ tàn phá. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đến 16 giờ ngày 21/7, tại Yên Bái, mưa lũ đã làm 11 người chết, 8 người mất tích và 11 người bị thương. 

Toàn tỉnh có 4.170 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 119 nhà bị sập, trôi hoàn toàn; 161 nhà bị thiệt hại nặng; 3.356 nhà bị ngập nước, tốc mái, hư hỏng; đã di dời khẩn cấp 691 hộ đến nơi an toàn. 

Ngoài ra, trên 2.100ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, 1.258 con gia súc, gia cầm, trên 198ha thủy sản bị thiệt hại và 422 tuyến đường, cầu, cống bị hư hỏng, sập, trôi. Ước tính thiệt hại là trên 200 tỉ đồng. 

Các địa phương đã tìm được 11 thi thể và cứu hộ kịp thời bảy người bị cô lập tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn; còn tám người mất tích vẫn đang được các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tuyến đường đến trung tâm xã cơ bản đảm bảo giao thông thông suốt, các hộ dân bị mất nhà được bố trí nơi ở tạm an toàn. 

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Yên Bái, thời tiết trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa rào, có nơi mưa to và giông lốc, lượng mưa nhiều nơi trên 100mm. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, các địa phương, đơn vị, cơ quan thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, ứng trực 24/24 giờ, tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi những gia đình bị thiệt hại, di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn, kiểm tra, cảnh báo những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, những công trình giao thông, thủy lợi mất an toàn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại Lào Cai đã xuất hiện mưa lớn gây lũ tại một số địa phương, trong đó huyện Văn Bàn và Sa Pa bị thiệt hại nặng nề nhất, ước tính khoảng gần 300 tỉ đồng. Ngay sau khi mưa giảm, lũ trên các sông suối bắt đầu xuống, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã khẩn trương huy động lực lượng tham gia hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, tổ chức kiểm tra, thống kê thiệt hại, lên phương án hỗ trợ, sớm ổn định đời sống cho người dân. 

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Văn Bàn đã có 52 ngôi nhà bị ảnh hưởng mưa lũ, trong đó có hai nhà phải di chuyển khẩn cấp, 318ha lúa bị thiệt hại, một cầu treo bị cuốn trôi hoàn toàn, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng...

Nước trên sông, suối tại nhiều địa phương trong tỉnh dâng cao gây sạt lở, lũ quét, tàn phá nhiều nhà cửa, công trình, cây cối hoa màu của người dân. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Nước trên sông, suối tại nhiều địa phương trong tỉnh dâng cao gây sạt lở, lũ quét, tàn phá nhiều nhà cửa, công trình, cây cối hoa màu của người dân. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ước tính tổng thiệt hại trên địa bàn toàn huyện Văn Bàn trong đợt mưa lũ vừa qua là trên 230 tỉ đồng. Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai và huyện Văn Bàn đã huy động lực lượng với phương châm 4 tại chỗ, hỗ trợ người dân di chuyển nhà cửa, tài sản cũng như kiểm tra, thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ cho người dân. Đến chiều 21/7, các hộ dân có nhà bị ngập nước đã trở về, tổ chức dọn dẹp vệ sinh, ổn định cuộc sống 

Tại huyện Sa Pa, mưa lũ cũng gây nhiều thiệt hại cho người dân địa phương. Khoảng 11 giờ ngày 21/7, mưa lũ đã cuốn trôi một người là anh Phàn Láo Lở, dân tộc Dao (sinh năm 1997), ở thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ. Sau khi nhận được thông tin, chính quyền huyện Sa Pa đã huy động lực lượng tổ chức trục vớt thi thể người bị nạn đưa về gia đình mai táng.

Ngoài ra, mưa lũ cũng gây thiệt hại về tài sản, hoa màu và cơ sở hạ tầng giao thông. Cụ thể, có ba vụ sạt lở lớn tại các tuyến đường đi thôn Ma Quái Hồ với khoảng 2.000m3 đất; sạt lở tại tuyến đường Sa Pa xuống khu du lịch Cát Cát thuộc xã San Sả Hồ với hơn 350m3 gây ách tắc cục bộ; sạt lở tại đường liên thôn Sín Chải xã Bản Khoang với khoảng 100m3. Ngoài ra còn có ba điểm sạt lở nhỏ tại tuyến đường liên thôn xã Thanh Phú, đường Hoàng Diệu, đường N2 chợ văn hóa bến xe...

Mưa to cũng khiến cho tuyến đường tỉnh lộ 152 đi các xã bị ách tắc cục bộ do nước tràn ra đường; trên các tuyến đường trung tâm thị trấn Sa Pa như Xuân Viên, Fan Si Pan, Ngõ Hùng Hồ cũng bị nước tràn ra đường, tràn vào một số nhà dân ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như đi lại của người dân và du khách. 

Hiện nay, tỉnh Lào Cai và các địa phương chịu thiệt hại do mưa lũ đang tập trung gia cố lại các đường giao thông bị sụt sạt, huy động máy móc san gạt những điểm bị đất đá sạt lở gây ách tắc; làm lại cầu mới cho người dân, sửa chữa lại các phòng học bị hư hỏng, vệ sinh đồng ruộng, sửa chữa các công trình thủy lợi phục vụ lại sản xuất...

Tỉnh cũng tiếp tục rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở sau mưa lũ để có phương án di chuyển và hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai tăng cường tuyên truyền vận động người dân cảnh giác với diễn bất thường của thời tiết, không ra sông suối vớt củi, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Hàng trăm ngôi nhà bị ngập chìm trong nước tại huyện Tam Nông. (Ảnh Tạ Toàn/TTXVN)

Hàng trăm ngôi nhà bị ngập chìm trong nước tại huyện Tam Nông. (Ảnh Tạ Toàn/TTXVN)

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, mưa lũ tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Ba, Yên Lập, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì đã làm thiệt hại nặng nề cho người dân.

Mưa lũ đã làm hai người chết do sạt lở đất là bà Hà Thị Tất 81 tuổi và cháu Hà Tuấn Kiệt, 11 tuổi thuộc xã Long Cốc (huyện Tân Sơn); 1 người mất tích do bị nước cuốn trôi là ông Nguyễn Hồng Tư, khu 1, xã Tề Lễ, huyện Tam Nông; 1.244 hộ bị ngập nhà phải di dời; 77 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 1.299 nhà bị ngập nước; 5 nhà bị hư hỏng; 2.326ha lúa và hoa màu bị đổ ngập; 231,5ha diện tích cây hằng năm bị ngập; 3.700m đê cấp 4 bị tràn; 205m đường giao thông bị sạt lở; 731ha ao nuôi trồng thủy sản bị tràn cùng nhiều thiệt hại khác. 

Tại các địa phương bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ cùng một số sở, ngành liên quan đã xuống các địa phương kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Tại huyện Tam Nông và Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu cho hay, nhiệm vụ cấp thiết lúc này là huy động toàn lực lượng để sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và tìm kiếm người đang bị mất tích; giải cứu những người dân đang ở vị trí bị cô lập, đồng thời thực hiện tốt các chính sách cho người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai. 

Các địa phương bố trí lực lượng kiểm tra những vị trí xung yếu ở các xã, nơi đang bị tràn đê, ngập nước, nơi có nguy cơ sạt lở đất; vị trí giao thông, thủy lợi xung yếu để có phương án cảnh báo kịp thời. 

Tỉnh cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục huy động phương tiện máy móc để khắc phục hệ thống giao thông bị ngập, sạt lở nhằm đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc thông suốt và khắc phục hệ thống điện một cách nhanh nhất có thể; đảm bảo công tác hậu cần kỹ thuật phục vụ cho việc cứu hộ, cứu nạn; thống kê số liệu, báo cáo tình hình thiệt hại và công tác khắc phục của tỉnh. 

Ban Chỉ huy các huyện, thành, thị xuống kiểm tra hiện trường, đồng thời chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã huy động lực lượng, xử lý các sự cố công trình, chuẩn bị vật tư phương tiện để phòng chống lũ; kịp thời sơ tán nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất và vùng trũng thấp để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Đồng thời, thường xuyên theo dõi thông báo xả nước hồ chứa và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên khai thác công trình Thủy lợi Phú Thọ chủ động vận hành các trạm bơm để bơm tiêu, đảm bảo tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to khiến mực nước sông lên cao. Tính đến 9 giờ ngày 21/7, mực nước Sông Thao tại Ấm Thượng đạt 27,10m (trên báo động 3 là 1,10m), thị xã Phú Thọ đạt 18,54m (trên báo động 2 là 0,34m); sông Lô tại xã Vụ Quang đạt 12,02m (dưới báo động 1 là 1,64m); sông Hồng tại thành phố Việt Trì đạt 12,06m (dưới báo động 1 là 1,64m); sông Bứa tại Thanh Sơn là 29,58m (trên báo động 3). Dự báo mực nước các sông đang đứng và có xu thế xuống chậm./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết