Tiếng Việt | English

07/06/2018 - 22:25

Yêu cầu quan trắc giám sát môi trường biển 4 tỉnh ven biển miền Trung

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

Bãi biển phường Quảng Thọ, Quảng Bình. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

Thông báo kết luận nêu rõ, sự cố môi trường biển Formosa xảy ra từ tháng 4/2016 tại 4 tỉnh ven biển miền Trung (gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) là hết sức nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta.

Sự cố trên gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống hơn 510 nghìn người, với 130 nghìn hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 4 tỉnh miền Trung.

Ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao để sớm có giải pháp nhanh nhất ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho nhân dân các tỉnh.

Đến nay, sau 2 năm công tác khắc phục sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung cơ bản hoàn thành. Hơn 99% người dân bị ảnh hưởng đã nhận được tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại...

Phát huy kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới các Bộ ngành và địa phương cần tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường; nâng cao năng lực của đội ngũ thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp.

Từ sự cố môi trường biển này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp phù hợp để giữ gìn được môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng, cả trước mắt và lâu dài. Hệ thống quan trắc đánh giá môi trường phải được tập trung đầu tư xây dựng trên toàn quốc nhất là các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao, thường xuyên được kiểm tra, giám sát.

Sau khi quan trắc, kết quả phải được công khai, minh bạch để dân giám sát. Công khai bộ chỉ số đánh giá. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư vào các dự án năng lượng xanh, các dự án bảo vệ môi trường.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng thị trường mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất xây dựng thuế môi trường đối với các doanh nghiệp có vi phạm về bảo vệ môi trường.

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, và các cơ quan liên quan khác tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương tiếp tục giám sát, theo dõi chất lượng môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định; theo dõi, quan trắc giám sát môi trường biển các tỉnh ven biển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá tại 4 tỉnh từ nguồn kinh phí bồi thường của Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).

Về phía địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tập trung chỉ đạo chi trả hết số tiền hỗ trợ thiệt hại còn lại (khoảng 0,9%) không để phát sinh khiếu kiện; hoàn thành hồ sơ, thủ tục quyết toán theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính; hoàn thành trước ngày 30/8/2018.

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự số Formosa triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá đúng quy định và đảm bảo hiệu quả.

Đồng thời, các tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; có giải pháp bảo đảm môi trường góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết