Tiếng Việt | English

10/07/2017 - 11:11

Yêu sao người lính Cụ Hồ

Họ từng là những người lính vào sinh ra tử trên các mặt trận để chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hòa bình lập lại, trở về quê hương, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ đều có điểm chung là cố gắng lao động, sản xuất và trở thành tấm gương sáng giữa đời thường.

Ông Năm vui vẻ bên gia đình

1. Theo sự giới thiệu của cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Trụ, tỉnh Long An chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Đừng (thương binh 2/4, ngụ thị trấn Tân Trụ) mà người dân nơi đây quen gọi thân mật - ông Năm. Đón chúng tôi trong căn nhà tường khang trang cùng bình trà nóng, ông kể về những trận đánh ác liệt năm xưa và nhắc về những đồng chí, đồng đội: “Tham gia cách mạng, ban đầu, tôi chỉ làm nhiệm vụ đưa thư mật cho đồng chí Nguyễn Văn Ngạn và Huỳnh Văn Chọn (là liệt sĩ). Năm 1962, tôi thoát ly và tham gia bộ đội ở đơn vị C1, Tiểu đoàn 1. Tại đây, tôi tham gia 54 trận đánh lớn, nhỏ: Trận Hiệp Hòa, trận Đức Hòa,... Năm 1967, tôi bị thương và mất một cánh tay trong trận đánh ở quận Cần Đước (nay là huyện Cần Đước), đồng đội đưa tôi đưa về Đám lá tối trời điều trị. Đến năm 1969, tôi bị giặc bắt, tra tấn dã man và đày đi Côn Đảo. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi được trao trả”.

Kể đến đó, ông Năm nở nụ cười, rồi nắm tay người bạn đời của mình - bà Chung Thị Bảnh. Bà Bảnh tiếp lời ông: “Cũng nhờ lần trao trả đó mà chúng tôi mới có duyên gặp nhau và cùng xây dựng mái ấm gia đình. Năm đó, tôi được đơn vị phân công chăm sóc đoàn an dưỡng, trong đó có ông nhà. Sau thời gian chăm sóc, chúng tôi cảm mến nhau, được tổ chức chấp thuận và làm lễ tuyên bố tại Phòng Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh”.

 Hòa bình lập lại, ông Năm, bà Bảnh sinh được 3 người con. Hiện nay, các con của ông bà đều có việc làm ổn định. Gia đình ông bà nhiều năm liền là gia đình văn hóa tiêu biểu. Ông Năm cho biết: “Trong gia đình, chúng tôi luôn làm gương cho con, cháu từ cách cư xử đến lời ăn tiếng nói. Vợ chồng tôi tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương và hiến 310m2 đất làm đường giao thông nông thôn”.

Gia đình ông Trần Văn Sử thường xuyên được chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên2. Rời nhà ông Năm, chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Sử (cán bộ hưu trí, ngụ ấp Tân Hòa, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) để nghe ông kể về sự vượt khó của gia đình. Được biết, năm 1960, ông Sử tham gia cách mạng ở Cục Chính trị, Quân khu 8. Năm 1966, ông được đơn vị điều sang Tiểu đoàn Bảo vệ Quân khu 8 đến lúc hòa bình.

Chiến tranh kết thúc, ông sinh được 7 người con, trong đó, anh Trần Văn Cửu bị điếc vì nhiễm chất độc da cam/dioxin. Quyết vươn lên trong cuộc sống, ông Sử cho anh Cửu đi học nghề cơ khí để có việc làm ổn định, nhất là không phải nương tựa vào sự giúp đỡ của Nhà nước và người thân. Ông chia sẻ: “Dù gia đình có điều kiện đến mấy, cha mẹ có cho con nhiều ruộng đất thì cũng không bằng cái nghề. Nghĩ vậy nên tôi quyết tâm cho các con đi học, trong đó, đặc biệt quan tâm đến đứa con bị nhiễm chất độc da cam. Giờ đây, tôi cảm thấy rất mừng khi cháu Cửu có gia đình và việc làm ổn định, nhất là có khả năng lo cho kinh tế gia đình”.

Cũng như nhiều gia đình có người thân nhiễm chất độc da cam khác ở tỉnh, gia đình ông Sử luôn được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ. Bà Phạm Thị Lẻ (vợ ông Sử) cho biết: “Vào các dịp lễ, tết, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên, lãnh đạo xã thường xuyên thăm hỏi, động viên. Sự quan tâm của thế hệ hôm nay luôn mang đến niềm vui lớn cho gia đình, qua đó, động viên, khích lệ chúng tôi. Nhờ vậy mà cháu Cửu nay trở thành thợ bảo trì giỏi trong một công ty ở huyện Bến Lức”.

Chiến tranh lùi xa, thế hệ hôm nay chỉ biết đến chiến tranh qua sách vở. Giờ đây, được nghe ông Năm, ông Sử kể về cuộc chiến năm xưa mà lòng cảm thấy tự hào và yêu sao người lính Cụ Hồ. Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ sắp đến, chúng tôi - những người trẻ hôm nay, luôn trân trọng những gì mà thế hệ trước cố công vun đắp và xin chân thành tri ân những người đã ngã xuống, hy sinh một phần thân thể cũng như có nhiều đóng góp cho nền hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết