Tiếng Việt | English

20/03/2018 - 10:31

Yêu thương và sẻ chia - Khơi nguồn hạnh phúc

Mỗi người có quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Hạnh phúc có thể là thành công trong công việc, sự sẻ chia và sống vì người khác hoặc những rung động từ trái tim,...

Hạnh phúc từ sự “đồng cam, cộng khổ”

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hai và bà Trần Thị Yến - gia đình văn hóa và hiếu học tiêu biểu ở khu phố Thủ Khoa Thừa 3, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Dù bước sang tuổi 80 nhưng ông Hai, bà Yến vẫn gọi nhau “anh, em” rất ngọt ngào. Ông Hai cho biết: “Vợ chồng tôi gọi như thế từ lúc mới cưới. Bây giờ lớn tuổi, chúng tôi càng quan tâm, chăm sóc nhau nhiều hơn”.

Hạnh phúc gia đình ông Hai còn là sự hy sinh âm thầm của bà Yến. Dù sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả nhưng từ khi kết hôn với ông giáo nghèo, bà Yến không ngại gian nan, vất vả cùng chồng vượt qua gian khó, nuôi 6 người con ăn học thành tài. Bà Yến tâm sự: “Có chồng phải theo chồng! Dù cuộc sống cực khổ, chỉ cần vợ chồng cùng nhìn về một hướng, cố gắng, phấn đấu thì những điều tốt đẹp sẽ đến. Lấy chồng nghèo, phải bươn chải mưu sinh nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn lớn hay giận nhau lâu, ngược lại, luôn yêu thương và sẵn sàng hy sinh cho nhau”.

Đến bây giờ, ông Hai vẫn không quên những năm tháng bà Yến tảo tần, vất vả vì chồng, con. Ông Hai rưng rưng nước mắt: “Trước đây, vợ chồng tôi là giáo viên nhưng tiền lương không đủ lo cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định chuyển sang làm nghề rèn. Lúc đó, tôi rèn, còn vợ lặn lội đi bán khắp nơi, về đến nhà lại chăm sóc con nhỏ”. Hiện tại, 6 người con của ông bà đều có việc làm ổn định. Giờ đây, các con thành đạt, gánh mưu sinh không còn, ông Hai, bà Yến có điều kiện đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội.

Vợ chồng ông Huỳnh Văn Út, bà Bùi Thị Sánh luôn “đồng cam, cộng khổ” để đi đến bến bờ hạnh phúc

Vợ chồng ông Huỳnh Văn Út, bà Bùi Thị Sánh luôn “đồng cam, cộng khổ” để đi đến bến bờ hạnh phúc 

Dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng gia đình ông Hai, bà Yến; ông Út, bà Sánh vẫn “đồng cam, cộng khổ”. Sự yêu thương, chia sẻ là bí quyết giúp các gia đình giữ lửa hạnh phúc, sống đến “răng long, đầu bạc””.

Còn hạnh phúc của gia đình ông Huỳnh Văn Út (ngụ ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) là có được người vợ hiền, dâu thảo. Hơn 20 năm làm dâu, thay chồng chăm sóc ba chồng bệnh tật nhưng chưa bao giờ, bà Bùi Thị Sánh (vợ ông Út) than vãn. Bà Sánh chia sẻ: “Nhà nghèo, chồng tôi thường xuyên đi làm ăn xa nên tôi quán xuyến mọi việc trong gia đình để chồng an tâm làm việc. Cực khổ, vất vả nhưng tôi không hối hận khi về làm vợ ông ấy”.

Dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng gia đình ông Hai, bà Yến; ông Út, bà Sánh vẫn “đồng cam, cộng khổ”. Sự yêu thương, chia sẻ là bí quyết giúp các gia đình giữ lửa hạnh phúc, sống đến “răng long, đầu bạc”.

Việc làm nhỏ, hạnh phúc to

Những việc làm của bà Mai và các thành viên Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn, không chỉ góp phần sẻ chia khó khăn với những mảnh đời kém may mắn, gắn kết hạnh phúc gia đình mà còn mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người”.

Đối với bà Trần Thị Mai (ngụ ấp 6, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức), hạnh phúc là được sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống. Bà Mai bộc bạch: “Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo nên thuở nhỏ, tôi không được học hành đến nơi, đến chốn. Lớn lên, lập gia đình với đôi bàn tay trắng, nhờ cần cù, chịu khó, vợ chồng tôi có cuộc sống đủ đầy. Thấy người già neo đơn, người bán vé số, học sinh nghèo,... tôi lại nhớ thời gian cực khổ của mình. Thế là, tôi quyết định nấu cơm chay từ thiện (2 lần/tháng, mỗi lần 200 suất) cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tôi còn nhận giúp đỡ 2 người già neo đơn. Nhìn thấy nụ cười của những mảnh đời bất hạnh, tôi lại có thêm động lực, niềm vui để tiếp tục làm những việc có ích”.

Còn với nhiều người, dù bị cho là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng vẫn thấy vui vì giúp được nhiều gia đình hàn gắn hạnh phúc. Đó là những thành viên Câu lạc bộ (CLB) Gia đình hạnh phúc ở ấp 2, xã Long Cang, huyện Cần Đước. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Cang - Lê Thị Kim Thủy (thành viên CLB Gia đình hạnh phúc) cho biết: “Hàng năm, CLB tư vấn cho ít nhất 5 cặp vợ chồng chuẩn bị nộp đơn ly hôn. Nguyên nhân ly hôn là ghen tuông, không chung thủy,... Sau khi được các thành viên CLB tư vấn, các cặp vợ chồng nhận ra khuyết điểm của mình và thay đổi theo hướng tích cực. Thấy nhiều gia đình sắp đổ vỡ trở lại cuộc sống vui vẻ bên nhau, chúng tôi hạnh phúc lắm!”.

Đối với bà Trần Thị Mai, hạnh phúc là được giúp đỡ, chia sẻ với những mảnh đời khó khăn

Nhìn cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc của gia đình chị P.T.A.N (ngụ ấp 2, xã Long Cang), ít ai biết được, trước đây, vợ chồng chị từng trải qua biết bao sóng gió. Chị N. nói: “Vợ chồng đều làm công nhân, tôi thường xuyên tăng ca nên ít có thời gian chăm sóc gia đình. Vì vậy, chồng tôi ghen tuông vô cớ, rồi rượu chè, đánh đập vợ, con. Mặt khác, tôi lại nghĩ chồng có người khác nên đổi tính. Thế là, tôi viết đơn xin ly hôn. Biết được tình trạng gia đình tôi, các thành viên CLB Gia đình hạnh phúc hẹn gặp riêng tôi và chồng để tìm hiểu nguyên nhân. Nhờ các thành viên phân tích, khuyên nhủ, vợ chồng tôi biết cái sai của mình và khắc phục để gia đình hạnh phúc”.

Những việc làm của bà Mai và các thành viên CLB Gia đình hạnh phúc tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn, không chỉ góp phần sẻ chia khó khăn với những mảnh đời kém may mắn, gắn kết hạnh phúc gia đình mà còn mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người.

Chính tình yêu thương, sự sẻ chia là khơi nguồn hạnh phúc!

Tháng 6/2012, Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm mang lại hạnh phúc cho người dân.

Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan, một vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền Đông Himalaya, vốn được đánh giá là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố: Sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Bhutan là quốc gia đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội...

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc, ngày 23/02/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2018 và sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm” theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại Công văn số 14/BVHTTDL-GĐ, ngày 02/01/2018.

Theo kế hoạch này, việc tổ chức các hoạt động Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2018 và sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm” với chủ đề “Yêu thương và sẻ chia”, tập trung vào các hoạt động tuyên truyền về lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc; chủ đề và thông điệp của Liên Hiệp Quốc; chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc,...

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, địa phương căn cứ tình hình, đặc điểm, điều kiện cụ thể tổ chức và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động gắn với các sự kiện của ngành, địa phương, các ngày kỷ niệm trong tháng 3, trong đó ưu tiên tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, giúp đỡ các cá nhân, gia đình khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới trên tinh thần yêu thương và chia sẻ. Đặc biệt, tổ chức vinh danh các tổ chức, cá nhân, cộng đồng có hoạt động tích cực mang lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng,... ./.

Thiên Minh

Chia sẻ bài viết