Tiếng Việt | English

26/10/2015 - 05:31

​45.000 tỉ và 40.000 xe công

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu trước Quốc hội về tình trạng căng thẳng ngân sách, còn cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng trao đổi về chính sách mới trong quản lý xe công.

Hai con số được nêu trong các bối cảnh khác nhau nhưng đưa chúng ta về chung một suy nghĩ: nhà nghèo xài sang!

Cộng trừ trước mặt các đại biểu Quốc hội, ông Vinh cho biết ngân sách trung ương năm 2016 chỉ có vỏn vẹn “45.000 tỉ đồng không biết phải làm gì, chưa nói đến trả nợ”.

Còn ông Thắng cho biết cả nước khoảng 40.000 xe công (chưa kể xe tại các đơn vị vũ trang và doanh nghiệp nhà nước), tổng chi phí để “nuôi” số xe công này là 12.800 tỉ đồng/năm. Giật mình!

Nợ công đến cuối năm 2015 vẫn trong giới hạn an toàn (dưới 65% GDP), nhưng ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Bùi Đức Thụ cho biết “đã bốn năm liên tiếp chúng ta không trả được nợ đến hạn, nên phải đi vay để đảo nợ”.

Năm 2016 bội chi ngân sách 254.000 tỉ đồng, dành trả nợ 155.000 tỉ thì phải vay 95.000 tỉ để đảo nợ. Nhiều đại biểu Quốc hội so sánh như trong một gia đình, nợ nần nhiều mà làm không ra, phải vay chỗ nọ đắp chỗ kia thì bất an lắm!

Giống như chuyện gia đình, nghèo thì phải vay. Nhưng vay để làm gì mới là chuyện đáng nói. Vay để tậu đất, mở cửa hàng, mua con giống... làm ra lãi mà trả nợ, phát triển lên, khấm khá dần thì vay mới đáng.

Nhưng vay mà mua xe xịn, xây nhà lầu, đi du lịch, ăn chơi, ăn cả vào vốn, thì đó là cái tội... nghèo mà xài sang.

Cả nước có 63 tỉnh, thành, mỗi tỉnh chỉ có 3 - 4 vị trí được sử dụng xe công thường xuyên, trong điều kiện vận tải công cộng phát triển, đường sá lưu thông tốt hơn so với trước rất nhiều, xe cộ gia đình cũng không còn khó khăn nữa, vậy tại sao có đến 40.000 xe công?

Bao năm qua, nhiều bận dư luận, báo chí sôi sục, bức xúc trước tình trạng sử dụng xe công vô tội vạ, biến “xe công thành xe ông”, xe công đi lễ chùa, đi đám giỗ, chở vợ con “sếp” đi du lịch, cho bạn bè mượn làm xe hoa...

Bao nhiêu giải pháp được đưa ra: khoán tiền đi lại vào lương, tổ chức các đơn vị vận tải dịch vụ công... nhưng đến nay chưa có kết quả cuối cùng.

Có quan chức từng trả lời là tôi đi xe dịch vụ cũng được, nhưng bỏ xe công thì ông tài xế của tôi đi đâu? Thành ra, người ta níu giữ xe công là vì thương anh tài xế!?

Ông cục trưởng Cục Quản lý công sản nói rằng với biện pháp siết chặt việc quản lý xe công, tới đây số xe công dùng chung (hiện có hơn 24.000) có thể giảm bớt được 7.000 chiếc.

Nhưng 33.000 xe công vẫn là con số quá lớn, đặc biệt trong bối cảnh mọi người đều có thể dễ dàng đi lại bằng các phương tiện công cộng và phương tiện cá nhân.

Tính ra mỗi ngày một chiếc xe công “ngốn” gần triệu bạc, lớn hơn gấp nhiều lần sử dụng xe cá nhân.

Nợ công cứ lớn dần lên từ những sự lãng phí, xa xỉ như vậy chứ từ đâu nữa!

Lê Kiên/Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết